(GLO)- Có thể nói, chưa bao giờ các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng ở TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đak Lak) lại “đắt sô” như năm nay. Từ tháng 3-2017 đến nay và vào dịp Tết sắp tới, nhiều đội chiêng ở đây sẽ tiếp tục được mời biểu diễn với tần suất dày đặc nhằm phục vụ du khách.
Nghệ nhân Y Thim Byă (buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay: Đội chiêng của anh phải huy động tổng lực và chạy “hết công suất” mới đáp ứng hết đơn đặt hàng được gửi tới từ trước. Hết Festival Cà phê và Lễ hội Văn hóa cồng chiêng Buôn Ma Thuột 2017, lại đến Hội diễn Văn hóa-Thể thao các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, rồi đến các cuộc liên hoan dân ca, dân vũ (có yếu tố cồng chiêng) được tổ chức tại nhiều tỉnh thành trên cả nước… đều mời đội chiêng của Y Thim tham gia trình diễn. “Bầu sô” này cho biết, trung bình mỗi tuần có tới 4-5 suất diễn, vào những ngày lễ quan trọng thì nhiều hơn. Và tất nhiên, những dịp như thế thì không còn thời gian để phục vụ du khách tại nhà riêng, dù “đơn đặt hàng” rất nhiều.
Chương trình “Âm vang đại ngàn” được tổ chức 2 đêm/tháng ở Đak Lak đang là “sân chơi” cho các đội cồng chiêng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Đ.Đ |
Tương tự, các đội cồng chiêng buôn Kô Siêr, Akô Dhông, Kô Tam, Thăp Drông… cũng hết sức bận rộn với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh mời tham dự. Ama Pô-thành viên đội cồng chiêng buôn Kô Siêr, cho biết: 7 nghệ nhân của đội cồng chiêng danh tiếng này, ngoài việc đi lại như con thoi nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, còn chạy sô cho nhiều điểm du lịch, vui chơi và giải trí khác trên địa bàn tỉnh Đak Lak. Địa điểm mà các đội cồng chiêng trên thường xuyên được mời biểu diễn là nhà hàng Bến Nước, Cư Yang Sing, Đầu Nguồn, Khu du lịch sinh thái-cộng đồng Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột), Khu du lịch văn hóa-sinh thái Thanh Hà, Banmeco (huyện Buôn Đôn), Khu du lịch hồ Lak (huyện Lak).
Ama Kim-một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất của đội chiêng buôn Kô Siêr, chia sẻ: Được đi đánh chiêng cho mọi người nghe là niềm vui của mình, bởi qua những dịp như thế, vốn âm nhạc độc đáo và đặc sắc của cha ông để lại được cổ vũ, thăng hoa. Ama Kim đã từng đi nhiều nơi biểu diễn cồng chiêng, từ trong Nam ra ngoài Bắc rồi sang cả trời Tây giao lưu với bạn bè quốc tế, nhưng theo ông không nơi nào bằng quê hương mình, vì đó là “chiếc nôi” sinh ra văn hóa cồng chiêng. Bất kỳ ai đến Tây Nguyên cũng muốn nghe âm thanh ấy và ông là chủ nhân nên khi đón tiếp, phục vụ du khách thì không gì bằng diễn tấu một vài bài chiêng để thể hiện tấm lòng.
Còn chuyện tiền nong ư? Nhiều nghệ nhân cho rằng không quá quan trọng, thù lao cho mỗi suất diễn đôi ba trăm ngàn đồng coi như đủ sống. Điều quan trọng là từ định lượng vật chất ấy đủ cho họ chăm chút và gìn giữ vốn văn hóa của tổ tiên để lại. Góc nhìn này cũng được nhiều nghệ nhân trẻ đồng tình và chia sẻ: Làm sao có nguồn thu nhập chính đáng để gắn bó, tôn vinh một di sản như Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là vấn đề đáng quan tâm. Anh Y Lia Knul (đội chiêng trẻ buôn Ea Bông, xã Cư Êbur) bày tỏ: Khi đời sống kinh tế được bảo đảm thì cồng chiêng mới ngân lên được. Không chỉ không gian truyền thống, mà trong hội hè, lễ lạt hay những tụ điểm sinh hoạt văn hóa khác cũng vậy-đó chính là không gian cần thiết để cồng chiêng hiện diện sinh động trong đời sống hôm nay. Y Lia cho biết thêm đội chiêng trẻ của “bầu sô” Y Thim ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia và đó là môi trường để họ rèn luyện kỹ năng diễn tấu, rồi gắn bó hơn với vốn di sản này.
Tuy nhiên, theo nhiều nghệ nhân trẻ băn khoăn là số bài chiêng cổ, tiêu biểu của cha ông để lại không còn nhiều nên việc kế thừa và phát huy còn hạn chế. Nếu nhận được sự quan tâm, giúp đỡ một cách thiết thực từ cơ quan chuyên môn nào đó nhằm giải tỏa mối băn khoăn trên thì chắc chắn đời sống sinh hoạt cồng chiêng cũng như vốn dân ca, dân vũ của các dân tộc bản địa sẽ phong phú, hoàn thiện và có chiều sâu hơn. Điều này đồng nghĩa với việc vừa bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng toàn vẹn, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của du khách một cách bài bản và chân thực của mỗi cộng đồng.
Nghệ nhân Ama Pô cũng rất thiết tha mong mỏi điều này. Ông cho rằng: Cồng chiêng cũng như vốn văn hóa đặc sắc và độc đáo của dân tộc mình đã bước ra và hòa nhập với đời sống mới, từng bước tạo điều kiện cho chủ nhân của vốn văn hóa ấy có thu nhập, nâng cao đời sống thông qua những hoạt động văn hóa-du lịch diễn ra sôi động và rộng khắp trên địa bàn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, đào sâu và hoàn thiện vốn di sản này sao cho đầy đủ, chân thật như nó vốn có là vấn đề đáng quan tâm. Theo nghệ nhân Ama Pô, trách nhiệm ấy trước hết phải đặt lên vai những người tổ chức biểu diễn (những đội cồng chiêng, hát múa văn nghệ dân gian) do các nghệ nhân “cầm trịch” ở từng địa phương.
Đình Đối