Công an xã nhanh chóng phá án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một cậu bé được phát hiện chết dưới giếng, ai cũng cho rằng chắc nó mãi chơi nên sa chân gặp nạn. Song có một người không tin như vậy, quan điểm này sau đó đã làm sáng tỏ một vụ giết người gây rúng động làng quê nghèo…

 

Cái giật mình tố giác tên sát nhân

 
Cháu Un được yên nghỉ trong một ngôi mộ khang trang. Ảnh: Ngọc Linh
Cháu Un được yên nghỉ trong một ngôi mộ khang trang. Ảnh: Ngọc Linh

Buổi sáng ngày 19-9-2012, gia đình ông Rah Lan Ek (41 tuổi, trú làng Hố Lang, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, Gia Lai) phát hiện con mình là Rah Lan Un (SN 2006) đi đâu từ chiều hôm qua không về. Cả nhà đã kéo nhau đi tìm và báo với Công an.

Công an xã Chư Pơng và người làng đã kéo nhau đi tìm song tông tích cháu Un vẫn vô vọng. Đến 6 giờ sáng ngày 20-9, trong lúc lân la dò tìm ở khu vực rẫy nhà ông Kpă Moyo (làng Hố Lang), bà ngoại Un phát hiện xác cháu đang nổi lềnh bềnh trên miệng giếng.

Công an xã nhanh chóng có mặt, lập biên bản xác minh vụ việc. Theo nhận định ban đầu, cháu Un chết do ngạt nước. Gia đình cháu đề nghị Công an xác minh làm rõ nguyên nhân cái chết của cháu.

Công an huyện Chư Sê và Công an tỉnh Gia Lai sau khi nhận được tin báo đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, giải phẫu tử thi ngay trong ngày 20-9. Bác sỹ pháp y kết luận: nạn nhân chết bởi “nghẽn hô hấp do ngạt nước”.

Trên cơ sở đó và công tác xác minh bước đầu, Công an tỉnh Gia Lai, Công an huyện Chư Sê nhận định cháu Un rơi xuống giếng đuối nước tử vong.

Công an cũng tiến hành mời những người đã gặp cháu Un lần cuối là Rah Lan Mõ (22 tuổi), Rah Lan Thên (sinh năm 2005) và Rah Lan Thăng (sinh năm 2008), tất cả đều trú làng Hố Lang để xác minh.

Tất cả đều khai, khoảng 12 giờ ngày 18-9, họ và cháu Un có rủ nhau đến nhà ông Rah Lan Chí (trú cùng làng, là bác ruột của Mõ) để chặt mía, hái trái cây ăn và tất cả cùng xuống tắm tại giọt nước của làng rồi giải tán. Sau đó, chẳng ai nhìn thấy Un nữa.

Nhận thấy lời khai của những người được mời không có dấu hiệu nghi vấn, cùng ngày, cơ quan điều tra đã cho tất cả đi về.

Chừng hơn chục phút sau, đoàn cơ quan chức năng cũng rời khỏi trụ sở UBND xã Chư Pơng sau khi thông báo nguyên nhân cái chết của cháu Un là do trượt té xuống giếng rồi bị đuối nước.

Lúc này, đại úy Cao Minh Nghĩa- trưởng Công an xã Chư Pơng xách xe máy chạy xuống làng Hố Lang để thăm người quen. Trên đường đi, ông thấy Mõ đang lững thững cuốc bộ về nhà. Vì là chỗ quen biết và cũng tiện đường nên ông Nghĩa có nhã ý cho Mõ quá giang do đó ông đã gọi to: Mõ, lên xe tao chở đi.

Nghe tiếng gọi, Mõ giật mình quay lại. Mõ nhìn ông Nghĩa với đôi mắt vô cùng hoảng hốt. Cách trả lời ông Nghĩa của Mõ thì cứ lắp ba lắp bắp và từ chối lời đề nghị chân tình của ông Nghĩa.

Từ chi tiết này, bằng kinh nghiệm dày dạn của một điều tra viên hơn chục năm bám bản làng, ông Nghĩa nghi ngờ rằng rất có thể Mõ chính là hung thủ giết cháu Un. Nghi ngờ trên càng được củng cố khi xâu chuỗi các chi tiết: hiện trường vụ án là cái giếng cao hơn nửa mét, cháu Un mới chưa đầy 6 tuổi, đôi chân không thể nào cao hơn miệng giếng và nữa là theo phong tục thì trẻ em người đồng bào rất ít khi đi chơi một mình tại nơi hoang vắng…

Trước những nghi ngờ của mình, ông Nghĩa đã ngay lập tức quay xe lại, chạy một mạch đến nhà riêng Chủ tịch xã Hoàng Minh Hùng trình bày vấn đề. Tin tưởng vào nhận định cũng như kinh nghiệm của đồng nghiệp mình, ông Hùng lập tức chỉ đạo cho người bám sát đối tượng, phải tạo mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành việc này.

Từ đêm hôm đó, 10 Công an viên của xã luân phiên nhau bí mật bám sát nghi can Mõ 24/24, bất kể mưa gió bão bùng. Đại úy Nghĩa còn căn dặn thêm với đồng nghiệp rằng bất cứ biểu hiện lạ nào của đối tượng cũng phải thông báo ngay cho ông, bất kể giờ giấc.

Hai ngày sau, đến 20 giờ ngày 22-9, Mõ bắt đầu bộc lộ thái độ rõ rệt. Cụ thể, trong một cuộc nhậu với mấy người bạn mình, Mõ luôn tỏ thái độ hối hận về một chuyện xấu mình đã gây ra.

Và đến 2 giờ 45 phút ngày 23-9, Mõ lơ mơ dặn dò các bạn nhậu rằng: nếu có chuyện gì đừng bán xe máy của mình, để cho chị gái mình đi… Nghe tin này, Đại úy Nghĩa cho rằng Mõ sắp đi tự tử nên đã chỉ đạo tăng cường người đeo bám đối tượng, không được để Mõ tìm đến cái chết.

Lúc ấy, dù đang chăm đứa con gái 3 tuổi khóc quấy cho vợ yên tâm đi học nhưng đại úy Nghĩa vẫn vùng dậy xỏ quần áo rời nhà ở thị trấn Chư Sê tức tốc chạy xe máy xuyên đêm mưa bão đến nhà đối tượng Mõ. Đến nơi, đích thân ông chở Mõ ra trụ sở Công an xã để tiến hành lấy lời khai.

Tại đây, như sực tỉnh, Mõ chối bay biến chuyện giết cháu Un, tất cả những câu hỏi do Công an đặt ra Mõ đều không thừa nhận. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của một điều tra viên dày dạn, cộng với kinh nghiệm thấu hiểu người của buôn làng, đại úy Nghĩa đã làm cho đối tượng Mõ phải cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Mối thù 14 năm

Mõ khai rằng, khoảng 13 giờ ngày 18-9, sau khi cùng các cháu Un, Thên, Thăng đi chặt mía, hái trái cây và tắm tại giọt nước của làng, tất cả ai về nhà nấy. Riêng Mõ về nhà ngủ một giấc đến 17 giờ cùng ngày.
 

Đại úy Cao Minh Nghĩa- Trưởng công an xã Chư Pơng, người đã trực tiếp phá vụ án giết người gây xôn xao buôn làng nghèo. Ảnh: Ngọc Linh
Đại úy Cao Minh Nghĩa- Trưởng công an xã Chư Pơng, người đã trực tiếp phá vụ án giết người gây xôn xao buôn làng nghèo. Ảnh: Ngọc Linh

Mõ thức dậy, mặc quần áo đi ra rẫy bẻ chồi cà phê. Trên đường đi, Mõ thấy cháu Un đang xách ná bắn chim trong rẫy cà phê nhà ông Kpă Moyo. Nhớ lại mối thù 14 năm trước mà cha cháu Un đã gây cho gia đình mình, Mõ lập tức nảy sinh ý định giết cháu Un.

Nghĩ là làm, hắn bất ngờ lao tới từ phía sau ôm ngang người khống chế cháu Un và lạnh lùng ném xuống giếng dùng để tưới cà phê trong rẫy, mặc cho nạn nhân kêu la, giãy giụa rồi bỏ về nhà.

Sau khi gây ra vụ trả thù kinh hoàng trên, Mõ tưởng rằng sẽ che giấu được tội ác của mình nên trong lúc trục vớt tử thi, Mõ cũng lăng xăng giúp một tay đưa xác Un từ giếng lên, rồi trong lúc gia đình tổ chức tang lễ cho cháu Un, Mõ cũng không nề hà góp công, góp của.

Nói về mối thù hơn 10 năm trước, Mõ kể rằng: vào năm 1998 (lúc đó Mõ mới 8 tuổi), anh rể Mõ có ngồi nhậu với ông Rah Lan Ek (bố cháu Un) tại nhà Mõ. Trong quá trình nhậu, hai người có xích mích với nhau. Tức giận, anh rể Mõ đã ném quả mít non gây mù mắt phải ông Ek.

Sau đó, hội đồng bô lão của làng đã xử gia đình anh rể Mõ phải đền cho ông Ek một đám ruộng 2 sào. Lúc đó, anh rể Mõ có 2 đám ruộng, một đám tốt, một đám xấu. Gia đình ông Ek chỉ khăng khăng nhận đám ruộng tốt. Sau đó, anh rể Mõ vẫn đền đám ruộng tốt cho gia đình ông Ek nhưng vì quá uất ức, anh này đã treo cổ tự tử.

Sau này, có thời gian Mõ hay đi trộm cắp trái cây, ông Ek phát hiện đã đánh Mõ. Từ đó, trong tâm trí cậu bé hình thành nỗi căm hận ông Ek đến tận xương tủy. Hôm hắn gây án, ông Ek và vợ đều đang được điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai nên Mõ cho rằng đó là cơ hội để Mõ trả thù và che giấu hành vi.

Phép vua thua lệ làng

Sau khi cơ quan công an tiến hành bắt Mõ, hội đồng hòa giải do các bô lão có uy tín trong làng Hố Lang đại diện cho hai bên gia đình tiến hành thương lượng đền bù thiệt hại cho gia đình bị hại Un.

Bên phía bị hại yêu cầu gia đình Mõ phải đền 4 sào cà phê năm thứ 5 (khoảng 200 triệu đồng), 1 đám ruộng 2 sào (khoảng 100 triệu đồng), 2 triệu đồng mua hòm, 13 triệu đồng tiền xây mả, 2 con bò (khoảng 20 triệu đồng), 1 con heo (3 triệu đồng).

Riêng nhà ông Kpă Moyo, lấy lý do là vì có cái giếng nên Mõ mới ném Un và sau đó đã chết nước, hội đồng hòa giải buộc ông này phải đền cho gia đình ông Ek 16 triệu đồng.

Tính sơ sơ thì gia đình bị hại đã được đền xấp xỉ 500 triệu đồng. Cho đến hôm nay, nhà ông Ek đã nhận tất cả tài sản như đã nêu.

Về việc này, ông Nghĩa cho rằng: vẫn biết lệ làng là do hai bên thỏa thuận, song với mức giá do bên bị hại đưa ra như vậy là quá cao, sẽ đẩy gia đình Mõ vào con đường khánh kiệt. Do đó, khi nghe thông tin, UBND xã, Công an đã lập tức xuống làng vận động tuyên truyền.

Ông Nguyễn Đình Phú- Bí thư chi bộ thôn Hố Lang cho rằng:  Cán bộ đã giải thích rằng, Mõ giết người, sẽ bị luật pháp trừng trị, pháp luật cũng sẽ buộc gia đình bị can bồi thường về dân sự, dân làng cứ yên tâm.

Song, Hội đồng hòa giải không đồng ý, cho rằng, lệ làng từ xưa đã như vậy, không thể thay đổi được. Phía gia đình bị can buộc phải tuân theo những gì hội đồng hòa giải ban ra và sau đó đã ngay lập tức mang tài sản qua giao cho gia đình bị hại.

Vẫn biết lệ làng dù nghiêm thật đấy nhưng không thể nào đứng trên pháp luật được, họ làm vậy khác nào đẩy gia đình bị can vào chỗ phá sản. Ông Phú chép miệng.

Được biết, gia đình ông Rah Lan Ek là hộ nghèo (ông có cả thảy 4 người con, Un là con út), được nhà nước xếp vào chương trình 167. Hôm chưa biết Mõ là hung thủ, trong nhà chỉ có mỗi con heo 20 cân nhưng cũng phải đập để tổ chức ma chay cho con. Bà con làng xóm phải kẻ ít, người nhiều góp tiền mua hòm và xây mả cho cháu bé.

Tuy nhiên, sau khi công an bắt Mõ, phía gia đình ông Ek đã lập tức sang nhà mẹ Mõ để dắt bò, heo về giết thịt mà không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào. Hiện, sau 3 ngày tổ chức ma chay rình rang, cháu Un đã được an nghỉ trong một ngôi mộ khang trang trong nghĩa địa của gia đình.

Lời kết

Những tục lệ hà khắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên mảnh đất đại ngàn Tây nguyên có lẽ theo thời đại sẽ không còn phù hợp. Tuy nhiên, qua những gì đã nêu, người viết nhận thấy rằng, rất có thể chính vì hình phạt nghiêm khắc đánh vào vật chất mà cụ thể là kinh tế thì con người mới sợ chuyện xấu, không dám làm chuyện xấu và căm thù cái xấu. Và có như thế thì buôn làng mới được bình yên.

Đây phải chăng là một nét văn hóa riêng chỉ có ở nơi đây?

Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bộ Công an vừa có Thư khen gửi Công an tỉnh Thái Bình về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khởi tố 13 đối tượng, thu giữ tổng cộng hơn 43kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng khác.