(GLO)- Tự động cơi nới, lấn chiếm đường đi lại trong chợ, thậm chí tận dụng luôn cả lối thoát nạn để cất giữ, trưng bày hàng hóa… -đó là những lỗi thường gặp ở các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh. Nhiều tiểu thương cố ý hoặc vô tình không biết rằng những hành vi trên khiến những khu vực buôn bán này luôn lơ lửng hiểm họa cháy nổ.
Đoàn liên ngành của UBND tỉnh hiện đang tiến hành kiểm tra toàn diện các chợ, trung tâm thương mại và 2 siêu thị của 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Nhìn chung, công tác này đã được người dân và chính quyền quan tâm thực hiện. Điển hình, chợ Đức Cơ được trang bị 3 máy bơm chữa cháy, 2 bể chứa nước với dung tích hơn 30 m3. Ngoài hơn 70 bình chữa cháy được Nhà nước cấp do Ban quản lý chợ bảo quản, cứ 2,3 hộ kinh doanh trong chợ lại góp tiền mua một bình chữa cháy riêng để kịp thời xử lý khi xảy ra hỏa hoạn.
Đoàn liên ngành kiểm tra nơi kinh doanh của các tiểu thương chợ Đức Cơ. Ảnh: T.T |
Tuy nhiên, một trong những tình trạng chung của hầu hết các chợ là tiểu thương bày hàng hóa lấn chiếm lối thoát nạn, tự động cơi nới, che chắn lều bạt trái phép, không đảm bảo khoảng cách an toàn chống cháy lan. Là người kinh doanh quần áo ở trung tâm chợ Chư Prông, chị Đặng Thị Yến bức xúc nói: “Mong cơ quan chức năng có biện pháp để mọi người không bày hàng hóa bít hết lối đi vì lỡ có chuyện gì chúng tôi ở trong này chạy không kịp”. Còn chị Lý Thị Thúy-tiểu thương ở chợ Đức Cơ cho biết: “Tôi buôn bán lâu năm ở đây thì chưa có vụ cháy nào xảy ra. Tuy nhiên theo tôi, đường ra vào chính nên được mở rộng để xe chữa cháy có thể vào vì nếu có cháy mà chậm trễ sẽ rất nguy hiểm, nhất là vào ban đêm”. Một tiểu thương cho biết: “Bình thường một số người lấn chiếm đường ra vào chợ để buôn bán. Họ “tạm lánh” khi có đoàn kiểm tra đến, sau đó thì đâu lại vào đấy”.
Hàng hóa nhiều và tình trạng cơi nới lều bạt trái phép rất có thể là một trong những nguyên nhân khiến ngọn lửa lan nhanh dữ dội trong vụ cháy xảy ra vào đêm 19-7-2016 tại chợ Kbang (huyện). Vụ cháy này đã thiêu rụi toàn bộ 48 sạp hàng trong khu nhà lồng có diện tích 820 m2. Theo thống kê của các hộ kinh doanh trong chợ, thiệt hại lên đến 22,5 tỷ đồng, nhiều tiểu thương trắng tay sau vụ hỏa hoạn. Được biết, khi lực lượng chữa cháy đến hiện trường, lửa đã lan rộng, gió khá mạnh nên phải mất hơn 7 giờ mới khống chế và dập tắt hoàn toàn ngọn lửa.
Nói về các nội dung kiểm tra công tác PCCC chợ, Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh cho biết: “Chúng tôi kiểm tra công tác thường trực theo phương châm 4 tại chỗ (về chỉ huy, phương tiện, lực lượng, hậu cần) và ý thức chấp hành Luật PCCC của các hộ kinh doanh. Qua đó thấy rằng nhiều người chưa thực sự xem trọng công tác PCCC, cho rằng việc PCCC là nhiệm vụ của cơ quan chức năng. Kiểm tra nơi kinh doanh phát hiện một số người còn thắp nhang, thờ cúng trong chợ, sử dụng thiết bị điện không đảm bảo”. Cũng theo Thượng tá Hùng, nhiều người xem thường việc tập huấn, sử dụng phương tiện chữa cháy. Khi được đoàn kiểm tra yêu cầu thực hành sử dụng bình cứu hỏa, một số người lóng ngóng không biết sử dụng. Thậm chí, một số người còn tỏ thái độ dửng dưng, nói chuyện, lướt điện thoại…, không quan tâm theo dõi hướng dẫn của lực lượng chức năng.
Được biết, mỗi năm Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ tổ chức 3-4 lượt kiểm tra toàn bộ chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn, nhắc nhở, lập biên bản xử lý các hành vi vi phạm. Đây là lượt kiểm tra thứ 2 của năm 2016, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 22-8. Hiện tại, Gia Lai đang trong cao điểm mùa mưa nhưng nếu người dân lơ là công tác phòng cháy và không chấn chỉnh các sai phạm sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Bên cạnh nỗ lực của lực lượng PCCC và Cứu nạn cứu hộ, sự chủ động các Ban Quản lý chợ trong việc phòng cháy, thường trực lực lượng, phương tiện để xử lý nhanh khi có cháy xảy ra, người dân cần ý thức đúng tầm quan trọng của công tác PCCC để bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình.
Thúy Trinh-Phúc Tính