Con đường "hạnh phúc" ở bản nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tuyến giao thông từ xã Đắk Ru (huyện Đắk R'lấp) nối xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) được bộ đội xây dựng cách đây 3 năm. Việc tuyến đường được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã thực sự là "bệ phóng" cho người dân nơi đây phát triển kinh tế thoát nghèo.
 
Các chiến sĩ Trung đoàn 720 đã dành nhiều tiền của, công sức để xây dựng nhiều tuyến đường cho xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Phan Tuấn
Các chiến sĩ Trung đoàn 720 đã dành nhiều tiền của, công sức để xây dựng nhiều tuyến đường cho xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Phan Tuấn
Thế nên, nhiều người dân nghèo nơi đây vui mừng đặt tên cho con đường này với tên gọi đầy trìu mến là đường "hạnh phúc".
Bộ đội mở đường giúp dân thoát nghèo
Đường liên xã từ Quốc lộ 14 đi qua xã Đắk Ru (huyện Đắk R’lấp) và các bản Giang Châu, Sín Chải, Si Át và thôn Tân Bình, xã Đắk Ngo có tổng chiều dài khoảng 20km. Toàn tuyến vừa được hoàn thành nhờ công sức, tiền của của các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 720, thuộc Binh đoàn 16. Việc tuyến đường được đầu tư xây dựng đã đáp ứng niềm mong mỏi bao đời nay của hàng nghìn hộ dân nghèo xã Đắk Ngo.
Nhiều năm trước, nhắc đến tuyến liên xã Đắk Ru - Đắk Ngo, hầu như người dân nào cũng đều lắc đầu ngao ngán. Bởi khi đó, đường luôn ngập ngụa trong bùn đất mỗi khi trời mưa. Muốn đi lại bằng xe máy phải gắn xích vào bánh để chống trượt. Con đường 20km, nhưng người dân đi xe máy cũng phải mất gần nửa ngày trời mới vượt qua được. Đường sá khó đi lại, nên cuộc sống đói nghèo, tạm bợ cứ đeo bám mãi người dân nơi đây. Do đó, đối với người dân Đắk Ngo, đường được đầu tư xây dựng là cả niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Anh Dương Văn Cương - một người dân ở bản Giang Châu, xã Đắk Ngo - phấn khởi cho biết: "Mùa mưa, đường sá ở đây đi lại khó khăn, mọi phương tiện giao thông gần như tê liệt. Chỉ có những chiếc máy cày, xe môtô lắp xích vào bánh mới đi lại được. Ngày đó, người dân nơi đây khi nào cũng buồn bã, thường xuyên đối mặt với việc giá nông sản xuống thấp do không có đường để vận chuyển. Các mặt hàng nhu yếu phẩm khi về đến xã Đắk Ngo thì bị đẩy lên ở mức cao hơn nhiều lần. Giờ đường làm mới kiên cố, từ các bản làng ra quốc lộ chưa đầy 30 phút. Từ ngày đường làm xong, cảnh làng quê thay đổi hẳn, người dân ai cũng vui mừng".
 
Tuyến đường từ các bản làng xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) nối liền Quốc lộ 14 được người dân nơi đây gọi là con đường “hạnh phúc”. Ảnh: Phan Tuấn
Tuyến đường từ các bản làng xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) nối liền Quốc lộ 14 được người dân nơi đây gọi là con đường “hạnh phúc”. Ảnh: Phan Tuấn
Đại tá Nguyễn Đình Tụ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 720 - cho hay: "Là đơn vị đóng quân trên địa bàn xã Đắk Ngo, chúng tôi thấu hiểu sự cần thiết phải đầu tư tuyến đường để thúc đẩy các bản làng nơi đây đổi thay, phát triển. Trong bối cảnh địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí ngân sách Nhà nước, đơn vị đã đóng góp công sức, tiền của đầu tư xây dựng tuyến đường liên xã với mục đích rút ngắn khoảng cách từ các thôn bản của xã Đắk Ngo đi ra quốc lộ, trung tâm huyện, tỉnh. Đơn vị mong muốn việc đầu tư tuyến đường sẽ tiếp thêm động lực cho hàng nghìn hộ dân nơi đây vươn lên, thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc".
Bản làng "thay da, đổi thịt"
Khi những con đường nắng bụi, mưa lầy được rải nhựa, đổ bê tông phẳng lì, đẹp đẽ thì cuộc sống ở các bản, làng ở xã Đắk Ngo đã không ngừng "thay da, đổi thịt".
Ông Trần Văn Triền - một hộ dân đã sinh sống nhiều năm ở bản Giang Châu - cảm nhận: Từ khi có đường mới, cuộc sống của bà con nơi đây từng bước đổi thay theo hướng tốt đẹp. Giờ đây, xe ôtô có thể vào tận bản làng để chở nông sản ra ngoài. Người dân không còn phải khổ sở trên con đường lầy lội để chở từng bao cà phê, hồ tiêu, hạt điều để đi bán như trước đây nữa. Từ nay trở về sau, gia đình tôi và cả những gia đình khác trong bản làng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi lại. Đặc biệt, từ khi có đường đẹp, giá cả nông sản cũng nhờ thế mà tăng cao hơn và giá các loại phân bón, nhu yếu phẩm giảm xuống, bởi người kinh doanh không tốn nhiều công sức vận chuyển như trước.
Còn chị Nguyễn Thị An - một người dân khác - nói rằng, hai năm qua, người dân đi lại thoải mái. Mỗi khi có công chuyện phải đến trung tâm huyện, tỉnh hoặc đưa người đi khám, chữa bệnh đều hết sức thuận lợi. Từ khi có đường mới, gia đình chị có thêm nghề mới là kinh doanh các mặt hàng phân bón, nhu yếu phẩm phục vụ người dân địa phương, phát triển kinh tế một cách bền vững.
 
Từ khi tuyến đường “hạnh phúc” hoàn thành, người dân không còn xem xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) là nơi ở tạm mà đã xây dựng những ngôi nhà tiền tỉ để định cư lâu dài. Ảnh: Phan Tuấn
Từ khi tuyến đường “hạnh phúc” hoàn thành, người dân không còn xem xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) là nơi ở tạm mà đã xây dựng những ngôi nhà tiền tỉ để định cư lâu dài. Ảnh: Phan Tuấn
Theo Trung đoàn 720, thời gian qua, đơn vị đã đầu tư 70 tỉ đồng làm đường nhựa, đường bê tông từ Quốc lộ 14 nối đến các bản Si Át, Giang Châu, Sín Chải của xã Đắk Ngo, với chiều dài 21km. Ngoài ra, Trung đoàn 720 còn đầu tư gần 7 tỉ đồng xây dựng đường nội vùng ở các thôn bản xã Đắk Ngo, đường vào khu sản xuất...
Để làm đẹp cho thôn, bản, Trung đoàn 720 đã đầu tư xây dựng 20km đường điện phục vụ chiếu sáng tại các khu dân cư thuộc bản Si Át, Giang Châu, Sín Chải... Sự đầu tư tương đối đồng bộ thời gian qua đã làm cho bộ mặt các khu dân cư ở xã Đắk Ngo từng bước thay đổi, môi trường sống được cải thiện, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Ông Phạm Xuân Lam - Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo - cho hay, từ ngày tuyến đường hoàn thành, phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, các mặt hàng nông sản hoạt động trên địa bàn xã Đắk Ngo ngày một nhiều hơn. Nhờ sự thuận lợi về đường sá, nên người dân bán nông sản cũng được giá cao hơn, đời sống người dân từng bước đổi mới theo hướng tốt đẹp. Đây sẽ là nguồn động lực vô cùng lớn lao để địa phương thực hiện các cuộc "cách mạng" nâng cao đời sống của nhân dân. Sự phát triển của vùng đất này đã và đang thay đổi từng ngày, từng giờ kể từ khi có đường mới.
Qua thống kê cho thấy, từ chỗ đa phần các ngôi nhà ở các bản Tân Lập, Giang Châu, Sín Chải... chỉ là những căn nhà tạm bợ thì nay đã được "khoác áo mới". Cụ thể, hơn 50% người dân nơi đây đã xây dựng nhà kiên cố, trong đó ngày càng xuất hiện nhiều căn nhà to đẹp. Dọc theo tuyến đường, nhiều người dân đã xây dựng nhà cửa khang trang, san sát với nhau và đêm đến có ánh điện chiếu sáng như phố phường.
"Nếu như trước đây, rất nhiều người dân chỉ xem vùng đất Đắk Ngo là điểm dừng chân, sinh sống tạm thời thì giờ đây họ đã yên tâm gắn bó, xem đây là quê hương thứ hai của mình. Rất nhiều hộ gia đình ở trên tuyến đường liên xã Đắk Ru-Đắk Ngo đã đầu tư xây dựng cửa hàng kinh doanh, buôn bán các mặt hàng nhu yếu phẩm, điện tử, điện lạnh... góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ ở địa phương. Chắc chắn trong tương lai không xa Đắk Ngo sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, vì hạ tầng giao thông đã được các chiến sĩ bội đội đầu tư bài bản" - ông Lam lạc quan.
BẢO LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.