"Con đã có mẹ"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhận nuôi 3 đứa trẻ gần 1 năm nay, các cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Din (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) luôn chăm lo và dành tình cảm cho chúng không khác gì con ruột. Mô hình “Con nuôi Hội Phụ nữ” trên vùng biên giới đang lan tỏa ý nghĩa nhân văn đẹp đẽ.
Thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với 1 địa chỉ nhân đạo”, tháng 10-2019, Hội LHPN xã Ia Din chọn hình thức hỗ trợ, đỡ đầu cho 3 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đây là mô hình “Con nuôi Hội Phụ nữ” đầu tiên ra mắt trên địa bàn tỉnh.
Những đứa con nuôi
Vừa thấy các chị trong Ban Chấp hành Hội LHPN xã Ia Din đến đầu ngõ, em Trần Thị Thanh Thảo (thôn Thống Nhất, hiện đang học lớp 8, Trường THCS Nguyễn Huệ) vui mừng ra đón bằng tiếng chào mẹ thân thương. Từ ngày có thêm những người mẹ nuôi, Thảo vững tin hơn trong cuộc sống.
Nhà Thảo nghèo, công việc nhà nông vất vả nên bố mẹ khó lòng lo được cho 6 người con ăn học đầy đủ. Thảo là con thứ 3, chăm ngoan, ham học. Hiểu và thương hoàn cảnh của Thảo, Hội LHPN xã Ia Din quyết định nhận em làm con nuôi. Lớn nhất nên Thảo trở thành chị cả trong “ngôi nhà chung” ấy. 
Thảo bày tỏ: “Em rất hạnh phúc khi có thêm những người mẹ đồng hành trong năm học này. Em được các mẹ mua cặp sách mới, được học thêm những môn khó để nâng cao kiến thức. Em sẽ cố gắng chăm ngoan để không phụ lòng các mẹ”.
Cầm chặt bàn tay nhỏ của cô con nuôi, chị Nguyễn Thị Thu Huề-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Din-xúc động: “Bất kỳ điều gì các con cần trong sinh hoạt, học tập, chúng tôi đều cố gắng hỗ trợ bằng quỹ hội do chị em đóng góp. Ngoài vật chất, chúng tôi chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho các con bằng cách thường xuyên trò chuyện, nắm bắt tâm lý, nhất là khi các con đang bước vào tuổi dậy thì”.
Từ tháng 10-2019 đến nay, mô hình trên đã đồng hành, nâng đỡ những học sinh có nguy cơ phải nghỉ học do gia cảnh quá khó khăn. Em Rơ Mah Vàng (làng Yit Tú), hiện đang học lớp 7, Trường THCS Nguyễn Huệ và em Siu Tan (làng Nẻh), đang học lớp 5, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân là những đứa trẻ kém may mắn được nhận làm con nuôi.
Nhà Rơ Mah Vàng nghèo, đông anh em. Ước mơ lớn nhất của cô gái nhỏ là được đi học. Năm học này, ngoài niềm vui lớn là tiếp tục được đến trường, em còn được các mẹ nuôi mua tặng cặp, đồ dùng học tập. Các mẹ còn đến tận nhà để cùng em bọc và ghi nhãn cho từng cuốn vở mới. Rơ Mah Vàng khá nhút nhát và ít nói nhưng trong ánh mắt em, ai cũng nhìn thấu niềm hạnh phúc khi em nép vào lòng những người mẹ đặc biệt.
Nhờ sự nâng đỡ kịp thời của Hội LHPN mà con đường tới trường của em Rơ Mah Vàng dài rộng hơn. Ảnh Hoàng Ngọc
Nhờ sự nâng đỡ kịp thời của Hội LHPN xã Ia Din mà con đường tới trường của em Rơ Mah Vàng dài rộng hơn. Ảnh: Hoàng Ngọc
Đối với cậu bé mồ côi Siu Tan, sự xuất hiện của những người mẹ ở Hội Phụ nữ không chỉ giúp con đường đến trường của em dài rộng thêm mà còn cho em hiểu thế nào là hơi ấm tình mẹ. Siu Tan mồ côi cha mẹ từ nhỏ, em ở với anh trai chỉ hơn vài tuổi. Cuộc sống của 2 anh em thiếu thốn đủ bề. Siu Tan lớn lên lấm láp như cỏ dại nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi.
Sự xuất hiện của những người mẹ mới khiến em có đôi chút bỡ ngỡ, nhưng rồi tình thương yêu, sự ân cần đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống ấy trong trái tim em. Mỗi tháng, các mẹ thay nhau mang vào cho cậu con trai nuôi khi vài chục ký gạo, khi là những nhu yếu phẩm cần thiết. Mẹ Huề thường xuyên gọi điện cho cô giáo để nắm bắt tình hình học tập của Siu Tan.
Chị Rơ Mah Pinh-Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Din, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Nẻh-cũng nhận chăm lo cho Siu Tan như một người mẹ dù chưa có gia đình. “Năm sau, con sẽ ra nhà mẹ Huề ở để đi học lớp 6. Mỗi lần mẹ Huề, mẹ Ngà, mẹ Pinh vào chơi, con vui lắm”-Siu Tan hào hứng khoe.
Ý nghĩa, nhân văn
Sự đồng hành của các chị trong Hội LHPN xã Ia Din đã giúp giảm bớt gánh nặng cho những gia đình khó khăn. Chị Phạm Thị Hữu Lộc-mẹ ruột của Thảo-xúc động: “Các chị đã san sẻ cho tôi rất nhiều trong giai đoạn này. Nhờ các mẹ nuôi, Thảo được học hành đầy đủ, có thêm mẹ để chia sẻ, tâm sự. Tôi cũng bớt được nỗi lo khi con đang bước vào tuổi dậy thì, luôn cần sự quan tâm lớn về tinh thần. Có các chị đồng hành, tôi thấy tự tin hơn để chăm lo cho các con”.
Chứng kiến sự quan tâm, chăm sóc của những người mẹ trong Hội LHPN xã đối với học trò Rơ Mah Vàng, thầy Phạm Văn Quynh-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ-không khỏi cảm phục. Theo thầy Quynh, trường có 500 học sinh, đa phần các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều em có nguy cơ bỏ học nếu không có sự hỗ trợ kịp thời. “Nhà trường cũng có những chính sách hỗ trợ nhưng còn rất hạn hẹp. Do đó, khi nhận được sự chung tay của Hội LHPN xã, chúng tôi rất cảm kích. Giúp đỡ 1 học sinh chính là tạo dựng tương lai của 1 con người. Tôi thấy ý tưởng nhận con nuôi của các chị rất thiết thực, ý nghĩa và rất nhân văn”-thầy Quynh chia sẻ.
Cậu bé mồ côi Siu Tan đã có những người mẹ mới. Ảnh: Bảo Lam
Cậu bé mồ côi Siu Tan đã có những người mẹ mới. Ảnh: Bảo Lam
Không ăn ở chung một nhà nhưng những người mẹ ấy dành tình cảm cho những đứa con nuôi không khác gì con ruột. Cô Trần Thị Mỹ-từng là giáo viên chủ nhiệm của Siu Tan tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân-cho hay, cô rất bất ngờ khi nhận được cuộc gọi đầu tiên của chị Huề, người xưng là mẹ của Tan và muốn hỏi thăm tình hình học tập của con.
Cô Mỹ bày tỏ: “Năm ngoái, tôi được phân công chủ nhiệm lớp em Siu Tan nên hiểu rõ hoàn cảnh mồ côi của em. Khi biết em được Hội LHPN xã nhận nuôi, tôi rất mừng. Suốt cả năm học, các chị luôn hỏi han, quan tâm tình hình học tập của em. Những khi em có vấn đề gì về sức khỏe hay học tập, tôi cũng chủ động liên lạc, trao đổi với các chị như bao người mẹ khác của học sinh. Từ khi có các mẹ nuôi, Siu Tan có xe đạp, có cặp sách, quần áo mới để đến trường. Các chị thay nhau chăm lo cho Tan khiến tôi thực sự xúc động”.
Chăm chút từng món quà cho các con nhân dịp khai giảng năm học mới, Trung thu, Tết Nguyên đán… những người mẹ của Hội Phụ nữ đã mang lại niềm hạnh phúc cho 3 đứa trẻ kém may mắn. Mỗi khi nhìn nụ cười hồn nhiên của con, các chị không ai muốn dừng lại cuộc đồng hành ý nghĩa này. Chị Huề nói: “Chúng tôi rất mừng khi chứng kiến các con tiến bộ từng ngày. Năm học này, các mẹ treo thưởng là một chuyến đi chơi tại TP. Pleiku để các con cố gắng, chăm ngoan hơn trong học tập. Trong năm tới, Hội sẽ tiếp tục tìm hiểu để nhận nuôi thêm 1 cháu có hoàn cảnh khó khăn”.
Sau cuộc ghé thăm, khi chia tay cậu con nuôi Siu Tan, chị Huề không quên dặn dò thêm: “Nếu có khó khăn, thiếu thốn gì trong cuộc sống, con nhất định phải nói với các mẹ nhé”. Có những người mẹ đặc biệt đồng hành, tin rằng ước mơ làm cô giáo của Trần Thị Thanh Thảo, của Rơ Mah Vàng và nhất là ước mơ một ngày nào đó được làm... hiệu trưởng của cậu bé Siu Tan không khó để trở thành hiện thực. Chứng kiến những điều đẹp đẽ ấy của tình người nơi biên giới, người ta không thể không tin rằng cổ tích có thật giữa đời thường...
HOÀNG NGỌC-BẢO LAM

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.