Có nên giữ kỳ thi "hai trong một" và thi trắc nghiệm?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bộ GD-ĐT nên có đánh giá về kỳ thi “hai trong một” và cách thi trắc nghiệm liệu có phù hợp sau 4 năm thực hiện, khi mà có quá nhiều tiêu cực phát sinh từ đây.

Bộ GD-ĐT nên có những đánh giá cụ thể việc tổ chức kỳ thi “hai trong một”
Bộ GD-ĐT nên có những đánh giá cụ thể việc tổ chức kỳ thi “hai trong một”



Gian lận thi cử thực sự là vụ việc rúng động không chỉ trong ngành Giáo dục mà trong toàn xã hội. Đến nay, cơ bản những thí sinh được nâng điểm đều đã bị trả về địa phương. Vụ việc cũng đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ. Những cán bộ nào liên quan đến việc “mua điểm”, “sửa điểm” cho con chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh theo tinh thần làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, không có “vùng cấm” trong xử lý cán bộ sai phạm.

Gian lận thi cử chỉ là giọt nước làm tràn ly về những tồn tại, sai phạm trong giáo dục sau một thời gian dài. Không phủ nhận những thành tựu đã đạt được của ngành, nhưng song hành với đó là quá nhiều tồn tại.

Chúng ta không thể mãi ru ngủ bởi những thành tích, mà phải thẳng thắn nhìn vào những yếu kém đang tồn tại trong giáo dục, thì mới mong khắc phục được.

Từ vụ gian lận thi cử ở nhiều địa phương vừa qua, đã lộ ra những bất cập của kỳ thi "hai trong một". Còn nhớ, cách đây 4 năm, khi Bộ GD-ĐT quyết định gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học thành kỳ thi THPT quốc gia đã có rất nhiều ý kiến trái chiều phân tích những mặt lợi, mặt hại của việc tổ chức kỳ thi “hai trong một”.

Chúng ta không thể bảo thủ, khư khư ôm mãi những cách làm cũ, nên việc tổ chức kỳ thi hai trong một dù còn nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận ở thời điểm đó nhưng cũng là việc nên làm để đổi mới giáo dục.

Nhưng đến nay, sau thời gian thực hiện gần 4 năm, Bộ GD-ĐT nên có những đánh giá cụ thể, xem xét việc tổ chức kỳ thi “hai trong một” liệu có phù hợp, khi mà có quá nhiều tiêu cực đã xảy ra.

Nếu tiếp tục tổ chức kỳ thi hiện nay, thì có nên vẫn giữ phương án Bộ đứng ra tổ chức và làm thế nào để hạn chế được những tiêu cực xảy ra ở diện rộng và nghiêm trọng như thời gian vừa qua?

Nếu kỳ thi như vậy không còn phù hợp, nên chăng có những phương án để xét hoặc có cách thi phù hợp để công nhận học sinh tốt nghiệp THPT, còn việc thi Đại học thì trao quyền tự chủ cho các trường. Tùy theo đặc thù đào tạo, mỗi trường sẽ có một phương án tuyển sinh phù hợp, còn Bộ có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát?  

Cùng với đó, với cách dạy và học như ở nước ta hiện nay, thi theo cách thức trắc nghiệm liệu có phù hợp, có thực sự phát huy được sự sáng tạo của học sinh trong khi học, hay là chỉ học gạo, học vẹt để lấy nhưng con điểm cao ngất ngưởng 29, 30 trong các kỳ thi. Mà thực tế, nhiều năm trước và nhiều thế hệ trước, những điểm số này chưa bao giờ xuất hiện?

Với đề thi trắc nghiệm như hiện nay, nhiều thầy cô giáo dạy giỏi, tâm huyết với nghề cũng như nhiều học sinh phải thừa nhận, đang bị “đánh đố”.

Một cựu giáo viên trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) từng đào tạo hàng chục học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế đã phải thốt lên, với đề thi trắc nghiệm, chính bản thân thầy cũng không thể hoàn thành trong 90 phút, mà kể cả 180 phút cũng khó hoàn thành. Trong đề có những bài mang mũ “trắc nghiệm” nhưng thực tế là bài tự luận, với khả năng của thầy phải giải ít nhất trong thời gian 20 phút.

Vì thế, để đạt được những điểm 9, điểm 10 không còn cách nào khác, các em phải học tủ, học mẹo. Với các môn học tự nhiên, các học, cách thi như vậy là một thất bại, đang làm thui chột khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh.

Và ban đầu thực hiện việc thi trắc nghiệm, chúng ta nghĩ cách này sẽ giảm tiêu cực,  nhưng thực tế lại cho thấy, chính từ cách thi trắc nghiệm thì việc tiêu cực lại rất dễ dàng. Qua vụ việc gian lận thi cử, chúng ta mới thấy nó dễ dàng đến như thế nào.

Những gian lận vừa qua được phát hiện là do những vết tích để lại trên bài thi, còn nếu có việc người ta móc ngoặc, gian lận ngay từ trong phòng thi bằng những hình thức khác, đơn cử như ám hiệu bằng hành động, hành động nào thì tích vào câu a, hành động nào thì tích vào câu b… thì liệu chúng ta có phát hiện được?

Giải quyết gian lận thi cử là mới chỉ giải quyết phần ngọn của những lùm xùm trong giáo dục, nếu không giải quyết được phần gốc thì khi xử lý xong cái sai này, lại nảy sinh cái sai khác.

Phần gốc chính là nhận thức về giáo dục. Chúng ta mong muốn có những thế hệ tương lai dám đương đầu với khó khăn, biết sáng tạo? Hay mong muốn họ là những con người “tròn trịa”, đẹp đẽ từ điểm số đến suy nghĩ?

Khi xác định được rõ điều này, chúng ta sẽ không sợ những thay đổi, dám nhìn thẳng vào sự thật để “nói không” với bệnh thành tích, đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, đúng như yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương.

Minh Hòa/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Chi tiêu đúng chỗ là đầu tư cho tương lai

Một vấn đề bao trùm được các đại biểu Quốc hội quan tâm, trước hết là chúng ta nên triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa.

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

Phục hồi và tăng tốc

Phục hồi và tăng tốc

Sau hơn 1 tháng bão số 3 (Yagi) đổ bộ, tàn phá các tỉnh phía Bắc, những hậu quả nặng nề đã được cơ quan chức năng thống kê với mức thiệt hại ước tính trên 81.500 tỷ đồng, tác động tiêu cực đáng kể đến tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3 và kéo theo cả năm 2024 sẽ giảm 0,15%.

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Lấp đầy khoảng trống định giá đất

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá khiến hàng ngàn dự án trị giá hàng triệu tỉ đồng bị tắc nghẽn là vấn đề nổi cộm lâu nay. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội thế nhưng "khoảng trống thẩm định giá" đến nay vẫn chưa thể lấp đầy.