Bồn nước sinh hoạt do dự án cấp. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Năm 2009, thông qua Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), Chính phủ Ý đã tài trợ 29 tỉ đồng trong 3 năm (2008-2011), nhằm giúp đỡ người dân 49 thôn, làng ở 6 xã nghèo nhất của huyện Ia Pa gồm: Ia Tul, Chư Mố, Ia Kdăm, Kim Tân, Chư Răng và Pờ Tó được hưởng lợi thông qua việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.
Dự án gồm 4 hợp phần: An ninh lương thực và sinh kế nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng cấp thôn quy mô nhỏ, trao quyền tự chủ cho cộng đồng và nâng cao năng lực quản lý dự án. Sự khác biệt lớn nhất giữa dự án này so với những dự án giảm nghèo trước đây là người dân được quyền tự chọn mua giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại khu vực mình sinh sống, có sự hỗ trợ tích cực về mọi mặt của cán bộ chuyên môn. Nguồn vốn được giải quyết theo hướng xoay vòng, người đi trước sau khi thoát nghèo sẽ trao lại vốn cho người đi sau có điều kiện tiếp cận sản xuất… Mục tiêu cao nhất mà dự án hướng đến là cải thiện đời sống kinh tế- xã hội của những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nhất của huyện Ia Pa, thực hiện tốt các phương pháp sản xuất, xây dựng nông thôn mới phát triển kinh tế bền vững.
Qua gần một năm triển khai thực hiện, đến nay đã có 10 hộ gia đình chọn mua bò giống để chăn nuôi và bò vỗ béo; cấp 17 máy xới, nhiều hộ gia đình đã lựa chọn phương án trồng chuối tiêu hồng (được khoảng 2 ha), một số xã chọn cây đu đủ… Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng hệ thống nước sinh hoạt theo yêu cầu của người dân.
Là một trong những hộ vừa chọn phương án nuôi bò vỗ béo, ông Phạm Văn Đỗ- thôn Đồng Sơn- xã Kim Tân phấn khởi cho hay: Cuộc sống gia đình thiếu thốn trăm bề. Muốn phát triển chăn nuôi nhưng không có vốn. Nhờ có dự án thí điểm giảm nghèo hỗ trợ về mọi điều kiện, gia đình đã quyết định chọn mua 2 con bò để vỗ béo làm vốn sản xuất. Chúng tôi rất mừng và tập trung chăm sóc tốt để vươn lên thoát nghèo từ những con bò này.
Ông Huỳnh Vĩnh Hương- Giám đốc dự án cho biết thêm: Dự án thí điểm giảm nghèo do Chính phủ Ý tài trợ là cơ hội lớn để người dân trên địa bàn huyện thoát nghèo bền vững. Tính bền vững của dự án thể hiện ở chỗ người dân được quyền chọn cho mình hướng đi mới trong phát triển kinh tế thông qua nguồn vốn hỗ trợ. Họ cần cây, con gì thì được đáp ứng theo yêu cầu đó. Bên cạnh đó, tất cả các hợp phần đều gắn phát triển kinh tế với xây dựng hạ tầng làng, thôn quy mô nhỏ… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất ổn định tăng thu nhập. Song song với sự lựa chọn của người dân, cán bộ kỹ thuật của dự án thường xuyên kiểm tra, theo dõi, vận động bà con tham gia các lớp tập huấn hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi để sự đầu tư không bị thất thoát, lãng phí. Hiện tại dự án cũng đang triển khai làm mới một số tuyến đường liên thôn, cải tạo hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất. Đây là cơ hội rất tốt để người dân thoát nghèo.
Nguyễn Diệp