Cô gái thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ kinh doanh nội thất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chị Phạm Thị Bích Hợp (30 tuổi, ở Phú Yên) nghỉ việc ngân hàng về kinh doanh nội thất, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bén duyên với lĩnh vực thiết kế nội thất từ một lần tự tay thiết kế cho căn hộ của mình, chị Hợp bàn với chồng cùng thử sức kinh doanh lĩnh vực mới.

"Sau nhiều năm làm việc tích góp, vợ chồng tôi mua được một căn hộ ở TP.HCM; nhưng do không đủ kinh phí thuê dịch vụ làm nội thất, tôi tự tay thiết kế căn nhà của mình. Sau nhiều cố gắng, năm 2019 tôi thành lập công ty nội thất với phương châm cung cấp dịch vụ, sản phẩm tốt nhất đến khách hàng bằng cả tâm huyết", chị Hợp chia sẻ.

Là người mới trong lĩnh vực nội thất, không được đào tạo chuyên môn nên chị Hợp phải học lại từ đầu. Tranh thủ thời gian rảnh, chị lên mạng internet để học hỏi, học từ bạn bè, chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế. Sau những ngày đôn đáo tìm khách hàng, những đơn hàng đầu tiên cũng đến với chị.

Không chỉ lo việc vận hành công ty, chị Hợp còn tham gia khâu sản xuất
Không chỉ lo việc vận hành công ty, chị Hợp còn tham gia khâu sản xuất

Vì kinh phí còn hạn hẹp nên chị Hợp chỉ có thể thuê một bãi đất trống gần nhà để dựng bạt làm xưởng sản xuất, giá thuê lúc đó gần 20 triệu đồng/tháng. Che bạt cũng chỉ là biện pháp tạm thời, mưa gió giật bay cả bạt, nước mưa ngập lênh láng khắp xưởng, vợ chồng chị Hợp lại thêm nỗi lo chạy tiền xây xưởng.

Khi mọi việc tưởng chừng như đã chu toàn, việc kinh doanh của công ty đang ổn định, chị Hợp lại lâm cảnh lao đao vì đại dịch Covid-19, thị trường đóng băng, phân xưởng phải đóng cửa. Tìm cơ hội mới cho mình, năm 2022 chị quyết định bán nhà ở TP.HCM, về quê lập nghiệp.

"Trong thời gian nghỉ vì dịch, tôi tìm hiểu thị trường, nhận thấy Phú Yên rất có tiềm năng để phát triển lĩnh vực nội thất. Hơn nữa, bôn ba TP.HCM nhiều năm, tôi cũng muốn quay về quê hương để ổn định cuộc sống nên đã quyết định bán nhà về xã Hòa An (H.Phú Hòa, Phú Yên) mở xưởng sản xuất, vừa tạo cơ hội, thử thách cho bản thân, vừa muốn góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà", chị Hợp nói.

Mặc dù đã chuẩn bị mọi thứ chỉn chu nhất có thể, nhưng về môi trường mới, chị Hợp gặp nhiều khó khăn không thể lường trước. Vượt qua nhiều thử thách, đến nay công ty của chị cho doanh thu khoảng 3 tỉ đồng/năm, sau khi trừ đi chi phí, cho lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đồng, bên cạnh đó còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Anh Phan Anh Quốc, Bí thư Huyện đoàn Phú Hòa, cho biết: "Bỏ phố về quê không phải là tìm an nhàn như mọi người vẫn nghĩ, đó là thử thách vô cùng lớn khi phải đối mặt với những thay đổi về vùng đất, công việc và thị trường. Là một trong những bạn trẻ bỏ phố về quê để lập nghiệp, chị Hợp không chỉ tạo ra hiệu quả kinh tế mà còn giúp nhiều người dân tại địa phương có việc làm ổn định. Sự cố gắng vượt khó, phấn đấu không ngừng nghỉ của chị Hợp rất đáng để học tập".

Theo Trần Bích Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.