Cô gái khởi nghiệp doanh thu gần 1 tỉ đồng/tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuối năm 2019, khi vừa tung sản phẩm ra thị trường thì dịch Covid-19 dập tới tấp suốt 2 năm liền, nhưng chị Trần Thị Xuân Quỳnh đã trụ vững và có được doanh thu ổn định.
Muốn thay đổi để cuộc sống ý nghĩa hơn
Tốt nghiệp ngành ngân hàng, chị Quỳnh (37 tuổi), ngụ Q.5, TP.HCM, làm kế toán cho một công ty nhà nước. Công việc đang ổn định, đến năm 2014, chị cảm thấy cuộc sống hiện tại không có nhiều ý nghĩa.

Chị Quỳnh dường như tận dụng tất cả cuộc thi, phiên chợ để tham gia và giới thiệu sản phẩm từ quế đến khách hàng. Ảnh: NVCC
Chị Quỳnh dường như tận dụng tất cả cuộc thi, phiên chợ để tham gia và giới thiệu sản phẩm từ quế đến khách hàng. Ảnh: NVCC
“Công việc đều đều trôi qua mỗi ngày. Sáng đi chiều về, cứ thế mỗi ngày, thấy bản thân không có giá trị gì hết. Mình chợt nghĩ hổng lẽ cứ sáng đến cơ quan rồi chiều đi về, cần phải có gì thay đổi”, chị Quỳnh nhớ lại và kể: “Cũng thời điểm đó, thấy xung quanh sao giờ nhiều người bị bệnh rồi ung thư các kiểu, mới nghĩ là sao nước ta có nguồn dược liệu thuốc nam, thuốc bắc rất nhiều, nhiều loại lại rất giá trị nhưng cuộc sống hiện đại khiến mọi người cứ thích sự tiện lợi, bỏ quên đi các loại dược liệu quý này”.

Chị Quỳnh và các sản phẩm từ quế của mình. Ảnh: Nữ Vương
Chị Quỳnh và các sản phẩm từ quế của mình. Ảnh: Nữ Vương
Nhiều thứ cộng hưởng như gia đình có truyền thống về dược liệu, ông ngoại trước hành nghề bốc thuốc, mẹ đã mấy chục năm bán quế thô cho các chợ, tiệm thuốc bắc ở TP.HCM. Trong khi đó vừa muốn thay đổi cuộc sống nhàm chán hiện tại vừa muốn góp một phần nhỏ bé cùng giúp mọi người bảo vệ sức khỏe, lại muốn nối nghiệp truyền thống của gia đình nên chị Quỳnh quyết định nghỉ việc, ngày ngày đi lân la tìm thầy, tìm các cộng đồng để học về kinh doanh, khởi nghiệp.
Lúc đầu chị Quỳnh về phụ mẹ bán quế thô, đến cuối năm 2019, bắt đầu cho ra đời sản phẩm trà quế túi lọc.

Từ quế thô, chị Quỳnh đã tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau. Ảnh: NVCC
Từ quế thô, chị Quỳnh đã tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau. Ảnh: NVCC
“Vì mình nghĩ sao nhà bán quế thô mấy chục năm nay nhưng không có thương hiệu, rồi người sử dụng cũng không biết phải dùng thế nào, chế biến ra sao cho tiện. Mình đi học, rồi nghiên cứu, đọc tài liệu để làm sao tạo thành trà quế túi lọc mà có đầy đủ dược liệu và mọi người chỉ cần bỏ vào nước sôi là dùng”, chị Quỳnh kể.
Đưa quế rừng xanh đi xa
Vùng quê Trà Bồng (Quảng Ngãi) nơi gia đình chị Quỳnh sinh sống nổi tiếng với giống quế đặc thù có hàm lượng tinh dầu cao và đã được vào chỉ dẫn địa lý quốc gia. Tận dụng chính nguồn dược liệu giá trị này, chị Quỳnh đã đưa quế từ rừng xanh của người dân tộc Cor đi xa hơn và tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng với đa dạng sản phẩm từ quế, như trà, nhang, tinh dầu, xà bông tắm, quế thanh, quế bột…
Thay vì sử dụng túi lọc phổ biến trên thị trường, chị Quỳnh chọn loại túi lọc được làm bằng bột bắp, đây là nguyên liệu khi dùng với nước sôi sẽ an toàn và nhanh ra trà hơn.
“Lúc mình mới làm, mọi người giới thiệu rất nhiều loại túi bằng giấy, nhựa, vải… nhưng mình nghĩ bản thân đang hướng đến sản phẩm vì sức khỏe mà chọn những loại túi như thế thì không được. Khi đóng gói, nhiều người bảo làm túi lọc bằng bột bắp có xuất đi chứ người Việt mình ít dùng và khó bán lắm, nhưng mình nghĩ sao nghịch đời vậy, sao người Việt mình lại dùng những thứ rẻ tiền và có hại cho sức khỏe”, cô chủ thương hiệu Quế Rừng Xanh chia sẻ.
Lúc đầu chỉ toàn tặng và cho không
Theo chị Quỳnh, quế là một sản phẩm còn nhiều xa lạ với mọi người, đặc biệt ở TP.HCM người dân còn chưa ưa chuộng các sản phẩm mang tính nóng như quế.
“Nhưng thường mọi người không hiểu là cơ thể mình dù ở nơi thời tiết nóng nhưng trong người khí âm vẫn nhiều, khi khí âm trong người nhiều dễ dẫn đến bệnh tật. Khi âm dương cân bằng thì khỏe hơn, sức đề kháng tốt hơn nên vì thế cũng ít bệnh hơn”, chị Quỳnh bày tỏ.
Không những thế, để phục vụ nhu cầu người dùng, chị Quỳnh còn nghiên cứu kết hợp thêm các loại dược liệu trong trà quế túi lọc để tạo nên loại trà quế giúp giải nhiệt rất tốt.
Vì sản phẩm còn xa lạ với người dùng nên chị Quỳnh kể thời gian đầu khi mới tung sản phẩm ra thị trường, chị lân la khắp nơi, dường như không bỏ sót một cuộc thi, hội thảo khởi nghiệp hay phiên chợ nào, chỉ để giới thiệu sản phẩm đến với người dùng.
“Tận dụng sức cộng đồng, nhưng phải bỏ thời gian để đi, họp và học xong thì hẹn mọi người cùng nói chuyện và giới thiệu sản phẩm. Mời và tặng mọi người uống thử, uống ngon thì họ mới mua dùng chứ họ không mua ngay vì đa phần không biết nhiều về quế và trà quế như thế này”, chị Quỳnh kể.
Thế nhưng, gian nan của chặng đường khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở đấy, vì vừa tung sản phẩm ra thị trường cuối năm 2019 thì đợt dịch đầu tiên ập đến, rồi những đợt dịch tiếp theo cứ dập tới tấp suốt 2 năm qua. Nhưng chị Quỳnh đã nhanh chóng đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tham gia hội chợ trực tuyến, họp trực tuyến và bán hàng luôn trên đó.
Nắm bắt thực tế người dân phải ở nhà giãn cách trong dịch, chị Quỳnh bắt đầu thúc đẩy truyền thông trên mạng xã hội về những dược tính vượt trội của quế giúp làm ấm từ bên trong và phòng cảm lạnh. Đặc biệt nhang quế sạch, an toàn cho người dùng khi thường xuyên ở trong nhà. Không những vậy, hương thơm từ nhang quế giúp dịu tinh thần và không gian nhà ở cũng sạch hơn… Nhờ thế những sản phẩm nhang và trà quế được rất nhiều khách hàng tin dùng.
Mặc dù doanh thu bước đầu từ các dòng sản phẩm này chưa nhiều, nhưng cộng thêm việc bán sỉ quế thô nên tuy chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng tổng doanh thu từ quế của chị Quỳnh mỗi tháng cũng ổn định gần 1 tỉ đồng.
Vượt qua được cơn đại dịch, chị Quỳnh đang tìm thêm nhiều nhà phân phối để đưa Quế Rừng Xanh đến khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, chị cũng đang ấp ủ nghiên cứu cho ra đời một dòng sản phẩm từ quế đặc trị bệnh.
Theo Nữ Vương (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.