Hà Thúy Diện có công việc tốt, thu nhập khá và cuộc sống thú vị nơi Sài Gòn hoa lệ. Nhưng sau một biến cố, Diện quyết định bỏ tất cả trở về quê dựng căn nhà nhỏ duyên ơi là duyên giữa núi rừng.
Một đoàn khách du lịch tạm biệt Sàn |
Lựa chọn bình an giữa biến cố
Khi tôi nhắn Diện sẽ lên Sàn Homestay vào dịp cuối tuần, cô chủ nhỏ hỏi: “Bạn lên mấy người để mình nấu đồ ăn?”, câu hỏi khiến tôi cảm thấy gần gũi như mỗi lần về quê, mẹ hay hỏi “con thích ăn gì để mẹ nấu?”. Sự gần gũi ấy càng được xác thực khi tôi đặt chân đến Sàn Homestay của Diện ở thôn Chơ Ré, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.
Một căn nhà sàn mộc mạc của người Tày nấp mình sau hàng rào xanh mướt mát cây. Vườn rau, ao cá xanh um mơn mởn. Khu vườn đầy đủ rau quả mùa nào thức nấy, thỉnh thoảng thơm mùi ổi xá xị chín.
Diện đón khách bằng nụ cười rất tươi, lấp lánh ánh mắt: “Rửa mặt lên nhà nghỉ tý rồi mình ăn cơm nghe”. Bữa cơm ở Sàn đúng chất là “rau ngoài vườn, cá trong ao” mộc mạc tươi ngon. Thức nào cũng vừa miệng.
Cô gái trẻ Hà Thúy Diện đã quyết định bỏ công việc nơi thành thị để xây dựng Sàn Homestay |
Vào chiều muộn, 5 vị khách nước ngoài đi phượt ghé Sàn. Diện xách rổ ra vườn nhổ rau, củ vào làm BBQ mộc mạc bên bếp lửa. Đoàn khách 5 người đến từ Mỹ, Ý, Ấn Độ… vừa ăn vừa xuýt xoa khen đồ ăn Việt Nam ngon tuyệt. Tiếng cười rộn rã của những người lần đầu gặp nhau tạo không khí thân tình nơi bếp lửa nhà Diện.
Rau trái luôn tươi ngon trong vườn của Sàn |
Diện nói, những ngày nhà có khách như thế, Diện và bố mẹ Diện cười nhiều hơn bởi Diện xem họ như những người bạn trở về hơn là khách trọ. Và là vì bạn đến chơi nhà nên gia chủ cũng đón tiếp chân tình, mộc mạc, nhà còn gì ăn đó, không khí dịch vụ ở đây chẳng có…
Bữa BBQ ấm áp bên bếp lửa với những vị khách ngoại quốc tại Sàn |
Xây dựng Sàn, Diện được gặp những người bạn khắp nơi trên thế giới |
Cách đây 3 năm, Diện không hề nghĩ mình sẽ có ngày quay về mảnh đất nơi bố mẹ khai hoang ngày xưa để sinh sống. Thời điểm đó, học ngành ngoại thương xong, Diện làm việc cho các công ty nước ngoài. Với đặc thù công việc, Diện có may mắn được đi nhiều nơi trên thế giới. Nhưng rồi một biến cố xảy ra với gia đình Diện khi bố cô bị đột quỵ phải nhập viện.
Cô con gái út là Diện vào bệnh viện chăm sóc bố. Thời điểm này, Diện chứng kiến được nhiều câu chuyện của những bệnh nhân xung quanh và cảm nhận sâu sắc nhất giá trị của tình thân, của gia đình. Cô quyết định xin nghỉ việc để chăm sóc bố.
Khi bố Diện bình phục nhưng không may bị liệt nửa người, cô đưa bố về quê nghỉ ngơi và tiếp tục quay lại xin việc. Nhưng lần này, khi ngồi viết đơn để gửi đi, Diện tự hỏi: “Mình đã làm việc này nhiều lần, lần này cũng không còn hào hứng gì nữa, mình sẽ kiếm được việc, lại quay về với cuộc sống bận rộn nơi phố thị, ngày ngày nhìn màn hình máy tính như bao năm nay sao? Tại sao cuộc sống của mình không thể khác đi. Quê mình đẹp thế, vườn nhà mình xanh thế, tại sao mình không thể ở đây để cuộc sống của mình có thêm những sắc màu mới?”.
Vậy là Diện dẹp lá thư xin việc qua một bên, quyết định ở lại quê để vừa phụ mẹ chăm sóc bố, vừa bắt đầu với công việc mới.
Diện nảy ra ý tưởng biến mảnh đất của bố mẹ mình ở thôn Chơ Ré thành một homestay để đón bạn bè khắp nơi trên thế giới, cảm nhận được cuộc sống địa phương một cách trọn vẹn nhất. Nghĩ là làm, cô bắt tay thực hiện kế hoạch.
Một góc mộc mạc ở Sàn |
“Mảnh đất này do bố mẹ mình khai hoang cách đây 20 năm từ những ngày đầu lội bộ từ Đức Trọng vào đây dạy học. Ở đây, bố mẹ chăm chút bao năm trời để có cái ăn, cái mặc cho ba anh em mình. Năm 2009, bố mẹ dựng nên căn nhà sàn của người Tày trên mảnh đất này. Năm 2016, mình bắt đầu bắt tay vào cải tạo, xây dựng Sàn Homestay, sau 1 năm thì Sàn chính thức mở cửa đón khách”, Diện cho biết.
Làm Homestay theo đúng nghĩa của nó
Rời bỏ cuộc sống nơi phố thị với một cô gái trẻ tưởng chừng như sẽ khó vượt qua sự buồn chán nhưng với Diện điều đó không phải là khó khăn bởi vì cô tìm được rất nhiều niềm vui từ khi bắt đầu xây Sàn.
“Có nhiều người bạn khắp nơi trên thế giới ghé thăm, thấy họ hào hứng, yêu mến với cuộc sống nơi đây, thấy bố mẹ được sống trong không khí tuyệt vời mà khỏe hơn…mình cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn nhiều”, cô gái 8x tâm sự.
Thôn Chơ Ré với nhiều cảnh thanh bình, yên ả |
Điều Diện ấp ủ và mơ ước là sẽ tạo thành một cộng đồng du lịch nơi địa phương mình sinh sống vì cảnh vật và không khí nơi đây rất đẹp và mát mẻ. Cô hY vọng khách đến đây đông hơn để không chỉ Sàn phát triển mà hàng xóm của cô, bà con vùng Đa Quynh, Tà Năng có thể làm du lịch địa phương, khai thác vẻ đẹp của vùng quê này.
Diện muốn xây dựng du lịch phát triển địa phương phát triển mạnh vì những tiềm năng sẵn có của vùng đất này |
Hơn 1 năm đi vào hoạt động, căn nhà nhỏ của Diện đã khiến những người dân thôn Chơ Ré dần biết đến dịch vụ du lịch, cũng như tiếp xúc với những vị khách nước ngoài đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Diện cho biết cô muốn làm Sàn đúng nghĩa với từ homestay, nghĩa là khách đến đây sẽ hoàn toàn được trải nghiệm cuộc sống, văn hóa địa phương chứ không nặng về tính dịch vụ lưu trú. Vì vậy, mỗi lần đón khách Diện đều rất chăm chút và nhiệt tình. Cô tự đi chợ chọn mua thực phẩm tươi của địa phương, tự nấu nướng, chăm chút từng ly cà phê, bình trà buổi sáng.
Diện còn là hướng dẫn viên du lịch đưa khách đến những vùng đẹp nhất xung quanh vùng để du khách cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp, không khí mát mẻ của vùng Tà Năng, Đa Quyn. Khi khách có nhu cầu, Diện còn nhiệt tình đi tìm khắp trong xóm những sản vật như vịt, gà, ngan, khoai lang, chuối, đậu…để khách mang về làm quà.
“Khách đến với mình không chỉ phải để tìm một chỗ dừng chân hay ngả lưng đâu, vậy thì họ tìm khách sạn cho dễ. Diện biết họ tìm đến đây là để được đón tiếp nồng hậu, được ăn thức ăn, được trải nghiệm cuộc sống địa phương”, Diện chia sẻ.
Vùng Tà Năng, Đa Quyn nhiều cảnh đẹp làm say lòng du khách |
Công Nguyên (thanhnien)