Cô gái 9X thu tiền tỷ từ nông trại dưới chân núi lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Rời giảng đường đại học, chị Đặng Thị Thu Hồng (SN 1992, làng Yar, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã “rẽ ngang” làm nông nghiệp. Nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nông trại của cô gái 9X này thu về trên 2 tỷ đồng mỗi năm.

Xây dựng nông trại bền vững

Năm 2019, chị Hồng bắt tay vào việc phục hồi gần 25 ha đất bạc màu dưới chân núi Chư Đang Ya. Nói về lý do quay về quê hương làm nông nghiệp, chị chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp Khoa Kinh tế-Luật (Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và văn bằng 2 chuyên ngành Sư phạm Tiếng Anh, tôi dự định về Gia Lai mở trung tâm đào tạo Anh ngữ. Tuy nhiên, sau khi ba tôi qua đời, không ai tiếp quản trang trại nên tôi đã nhận lấy trách nhiệm này. Những khó khăn, trở ngại cũng đến với tôi trong những ngày đầu bắt tay vào việc cải tạo đất để xây dựng trang trại”.

Từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, chị Hồng đặc biệt quan tâm và có hứng thú với những cuốn sách viết về nông nghiệp thuận tự nhiên. Do đó, khi về quê, chị đặt ra tiêu chí phát triển nông nghiệp bền vững tại nông trại của mình.

Tuy nhiên, người thân và những người làm công lâu năm cho gia đình đều phản đối cách làm của chị. Họ cho đó là kế hoạch mông lung, huyễn hoặc, tốn công sức và thời gian, trong khi hiệu quả kinh tế mang lại hầu như không có.

Các sản phẩm từ nông trại của chị Đặng Thị Thu Hồng đang được chính quyền và ngành chức năng địa phương hướng dẫn bảo hộ nhãn hiệu. Ảnh: Mai Ka

Các sản phẩm từ nông trại của chị Đặng Thị Thu Hồng đang được chính quyền và ngành chức năng địa phương hướng dẫn bảo hộ nhãn hiệu. Ảnh: Mai Ka

“Để cải tạo đất, tôi quyết tâm không dùng phân hóa học trong tất cả các công đoạn. Tôi áp dụng trồng cây theo kiểu đa tầng tán, tận dụng tối ưu không gian, các cây trồng có thể cộng sinh để hạn chế sâu bệnh; kết hợp trồng mắc ca xen với cà phê, sầu riêng, mít, chuối… để cây trồng tự tạo chất dinh dưỡng cho nhau. Những loại cây ngắn ngày sau khi thu hoạch sẽ bị loại khỏi hệ thống để dành không gian cho cây lâu năm phát triển. Thân cây ngắn ngày và cỏ dại được cắt bỏ phủ lên bề mặt những cây trồng khác, lâu ngày sẽ phân giải thành phân bón. Ngoài ra, xung quanh nông trại, tôi trồng thêm những cây xanh có độ phân tán cao”-chị Hồng tâm sự.

Theo chị Hồng, để cây trồng thích nghi với thời tiết cực đoan thì canh tác theo mô hình nông nghiệp vườn rừng rất phù hợp và bền vững. Nguyên tắc làm nông nghiệp bền vững là dựa vào tự nhiên, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào dù là dạng sinh học.

Điều này đã được chứng minh khi 3 năm qua, cây trồng trong nông trại ít bị sâu bệnh, phát triển tốt, chống chịu được thời tiết khắc nghiệt. Chị Hồng phấn khởi cho hay: “Dù đang trong giai đoạn chuyển đổi phương thức canh tác nhưng tôi cũng thu về được những kết quả nhất định. Với 8.000 cây cà phê, 2.000 cây mắc ca xen canh với sầu riêng, mít, chuối, nông trại của tôi thu về trên 2 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, tôi còn chăn nuôi khoảng 3.000 con gà thả vườn và hơn 100 con heo sọc dưa”.

Lan tỏa tinh thần nông nghiệp xanh

Theo định hướng, trong 2 năm tiếp theo, chị Hồng sẽ hoàn thiện các hạng mục và thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm cách làm nông nghiệp bền vững.

Chị cho biết sẽ tiến hành trồng hàng rào sinh học (cây xanh có độ phân tán cao) để tách biệt nông trại với khu sản xuất của người dân địa phương. Từ những hiểu biết và cách làm của mình, chị tin rằng có thể chia sẻ kiến thức về nông nghiệp bền vững với bà con nông dân để tạo ra nông sản sạch, đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập, giảm rủi ro kinh tế, cải thiện năng suất. Cùng với đó, việc này sẽ giúp phục hồi hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bà H’Oanh (làng Yar) cho hay: “Sau một thời gian theo dõi cách chị Hồng xây dựng nông trại, thấy được thành quả và lợi ích mang lại, chúng tôi rất hứng thú. Hiện nay, dân làng cũng bắt đầu học theo cách làm của chị Hồng, hạn chế các loại thuốc trừ sâu, phân bón hóa học trong trồng trọt”.

Nông trại là nơi nhiều du khách tới tham quan và tìm hiểu về nông nghiệp bền vững. Ảnh: Mai Ka

Nông trại là nơi nhiều du khách tới tham quan và tìm hiểu về nông nghiệp bền vững. Ảnh: Mai Ka

Hiện nay, nông trại của chị Hồng đã hoàn thành trên 80% chỉ tiêu của nông trại bền vững. Thời gian tới, ngoài việc hoàn thiện hệ thống cây trồng, hệ sinh thái, chị sẽ xây dựng thêm khu lưu trú, tuyển tình nguyện viên để du khách, người trẻ có cùng đam mê tới tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về nông nghiệp bền vững.

“Tôi mong muốn đây sẽ là nơi mọi người về cùng sống trải nghiệm, chia sẻ và lan tỏa tinh thần sống xanh. Ở nông trại, mọi người sẽ cùng nhau tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, mang dấu ấn riêng của vùng đất giàu tiềm năng như quê hương mình”-chị Hồng chia sẻ.

Để xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp trong xu thế chung khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, các sản phẩm từ nông trại của chị Hồng được chính quyền và ngành chức năng địa phương “tiếp sức” tiến tới xây dựng thành sản phẩm OCOP; hướng dẫn bảo hộ nhãn hiệu và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

Theo chị Quách Thị Thùy Trang-Bí thư Đoàn xã Chư Đang Ya: Nông trại bền vững của chị Đặng Thị Thu Hồng là mô hình tiên phong trong phát triển sản xuất nông nghiệp sạch. Đây là hướng đi đúng đắn để tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, có sức cạnh tranh trên thị trường. Đoàn xã cũng thường xuyên tổ chức các buổi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp bền vững tại nông trại của chị Hồng cho đoàn viên, thanh niên. “Tận dụng lợi thế không gian xanh vốn có, chị Hồng còn kết hợp làm du lịch dưới chân núi lửa, thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm, làm giàu thêm kiến thức sống và lan tỏa tinh thần nông nghiệp xanh đến mọi người. Điều đó cũng khẳng định bản lĩnh của người thanh niên trong thời kỳ mới: dám nghĩ, dám làm, dám khắc phục khó khăn để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”-chị Trang đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.