(GLO)- Với những cuộn len sợi nhiều sắc màu, 1 chiếc kim móc, kim khâu, chị Phạm Thị Hòa (SN 1992, tổ 9, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã khéo léo tạo nên sản phẩm handmade độc đáo, sáng tạo và được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Chị Hòa kể: Khi còn nhỏ, chị đã được học cách móc len từ mẹ; ban đầu chỉ tập móc những mũi cơ bản, rồi vận dụng vào làm những chiếc khăn, chiếc túi nhỏ xinh. Khi đã thành thạo, chị chuyển sang làm những sản phẩm khó hơn như: mũ, túi xách… “Sau này, suốt những năm theo học Trung cấp Kế toán, mình vẫn đem theo “đồ nghề” để móc len trong thời gian rảnh rỗi. Công việc này trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Cuối năm 2013, sau khi ra trường, trở về Gia Lai, mình tiếp tục duy trì và cho ra nhiều sản phẩm mới từ len. Trong đó, túi xách, mũ dành cho phụ nữ và trẻ em là sản phẩm chính”-chị Hòa chia sẻ.
|
Chị Phạm Thị Hòa đang tỉ mẩn hoàn thành chiếc túi xách. Ảnh: Trần Dung |
Ngoài làm những mẫu theo yêu cầu của khách, chị Hòa cũng sáng tạo để sản phẩm túi, mũ mới lạ hơn. Hoa văn trên mỗi chiếc túi khá đơn giản nhưng lại rất tinh tế, nhã nhặn. Theo chị Hòa, túi xách làm bằng len sợi rất bền, đẹp và thân thiện. Để hoàn chỉnh một sản phẩm cũng khá kỳ công, người móc giống như một nhà thiết kế, tự hình dung, tưởng tượng ra mũi móc, họa tiết, kích thước sao cho sản phẩm hài hòa, cân đối, rồi mới bắt đầu cho khâu móc. Chị bộc bạch: “Trong một khoảng thời gian dài, mình gặp không ít khó khăn do sản phẩm chưa tiếp cận được với khách hàng. Dần dần thông qua Zalo, Facebook và các hội nhóm handmade, sản phẩm của mình được nhiều người biết đến. Đặc biệt, có những khách hàng ưa thích sản phẩm nên đặt mua với số lượng nhiều”.
Với vai trò là Bí thư Chi Đoàn tổ dân phố 9 (phường Hoa Lư), chị Hòa mong muốn tạo việc làm thêm cho các đoàn viên, thanh niên. Vì thế, đầu năm 2020, chị đã tập hợp một số thanh niên tại phường Hoa Lư có chung sở thích để cùng tạo nên những sản phẩm handmade độc đáo. Do công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì nên khoảng thời gian đầu, dù các bạn trẻ tham gia khá đông nhưng người theo nghề lại rất ít. Hiện chỉ còn 5 bạn đồng hành với nghề móc len cùng chị Hòa.
|
Chị Phạm Thị Hòa (bìa trái) tập hợp một số bạn trẻ cùng sở thích để phát triển mô hình móc len thủ công. Ảnh: Trần Dung |
Anh Bùi Hoàng Vũ-Bí thư Đoàn phường Hoa Lư (TP. Pleiku): “Phạm Thị Hòa là nhân tố tài năng trẻ truyền lửa nghề móc len thủ công cho nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Thời gian tới, Đoàn phường sẽ tập trung hỗ trợ, động viên để các bạn phát triển mô hình này theo nhu cầu, sở thích, nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch cho địa phương”. |
Các sản phẩm do nhóm của chị Hòa làm ra dần được người tiêu dùng biết đến. Có thời điểm, chị nhận về khoảng 200 đến 300 đơn hàng trong và ngoài tỉnh; chủ yếu là ví cầm tay, mũ, túi xách, ba lô; giá dao động 100-550 ngàn đồng/sản phẩm. Là một trong những khách hàng của chị Hòa, chị Nguyễn Thị Hoài (tổ 2, phường Yên Thế, TP. Pleiku) nhận xét: “Sản phẩm len handmade của nhóm Hòa làm rất độc đáo và tinh tế. Ban đầu, tôi bị thu hút bởi sự khác lạ trên từng sợi len nhưng khi sử dụng thì thật sự hài lòng bởi các sản phẩm này tiện lợi và thân thiện với người dùng”.
Ngoài các mẫu sản phẩm hiện có, để phù hợp với định hướng du lịch của tỉnh, chị Hòa và các bạn trong nhóm còn sáng tạo những sản phẩm gần gũi với đời sống như: móc khóa chú bộ đội, bình hoa sen... Cô gái trẻ 9X mong muốn Gia Lai có một câu lạc bộ móc len thủ công để kết nối những bạn trẻ có cùng sở thích và kỳ vọng với định hướng này sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Chị Ngô Ngọc Linh (tổ 4, phường Hoa Lư) chia sẻ: “Như cái duyên với công việc này, ban đầu, mình chỉ tập móc cho biết, nhưng lại học rất nhanh, rồi đam mê. Trong gần 2 năm tham gia cùng Hòa móc và bán sản phẩm len, chúng mình cũng dần có lượng khách hàng ổn định. Theo mình, để phát triển được nghề này, phải thật kiên trì, chịu khó thì mới thành công”.
TRẦN DUNG