Câu chuyện cô con gái 15 tuổi trân mình đạp xe đưa cha về quê nhà trên đoạn đường dài đến 1.200km đã làm lay động không chỉ người dân Ấn Độ mà còn cả ở nhiều nước khác.
Jyoti chở cha cùng túi hành lý về quê nhà - Ảnh: Reuters |
"Chinta na kare mai hoon na" (Cha đừng lo, có con đây) - Jyoti Kumari đã nói đơn giản với cha như vậy khi ông than vãn chuyện không có tiền về quê, mà cũng chẳng có xe cộ gì.
Trong mắt Mohan Paswan, người đàn ông mất việc vì bị thương khi chạy xe thồ tuk-tuk và đang gần như mất hết tất cả vì tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt của chính quyền để chống dịch COVID-19, con gái ông chỉ là một cô bé ăn chưa no lo chưa tới.
- Ông Mohan Paswan - |
Mua xe và lên đường
Như hàng chục triệu người lao động nhập cư nghèo khác ở Ấn Độ, Mohan Paswan mong muốn tìm đường về quê nhà chờ dịch qua đi. Sống ở đô thị dù cũng chật vật nhưng có việc làm, giờ đây cái "cần câu cơm" không còn thì chỉ có cách về quê tá túc.
Nhiều người đã nhảy tàu từ cả tháng trước, nhiều người thậm chí chọn cách đi bộ vì không có tiền hoặc vì tàu cũng đã bị cấm. Cha con nhà Paswan cố cầm cự và đến lúc không thể không về thì họ chỉ còn ít tiền để mua chiếc xe đạp cũ. Ông bố Mohan cũng đau lòng lắm khi phải nương nhờ con gái nhưng ông đang bị thương, không thể làm gì. Đành nhắm mắt đưa tay.
Ngày 12-5, bé Jyoti leo lên xe từ Gurgaon, gần thủ đô New Delhi. Ngồi phía sau là cha của bé cùng túi hành lý nhỏ đựng vài bộ quần áo - gia sản của họ. Câu chuyện của hai cha con dần được truyền thông biết đến và được ghi nhận như câu chuyện của tình yêu thương gia đình, của nghị lực. Một câu chuyện truyền cảm hứng.
Đến ngày 19-5 thì Jyoti chở được cha về đến nhà ở ngôi làng thuộc huyện Darbhanga ở bang Bihar. Trên chặng đường dài đến 1.200km ấy, hai cha con đi mất gần bảy ngày. Không còn đồng xu dính túi, họ ghé xin thức ăn, nước uống ở các gia đình bên đường. Jyoti còn kể có đến hai ngày bé không có gì bỏ bụng vì phải nhường phần cho cha.
Jyoti cùng cha và chiếc xe đạp đã vượt chặng đường dài 1.200km - Ảnh: ANI |
Tranh cãi
Câu chuyện về cha con nhà Paswan lan truyền trên truyền thông Ấn Độ. Theo báo Hindustan Times, lãnh đạo huyện đã biết và cử nhân viên đến nơi để tìm cách hỗ trợ gia đình nghèo này. Trước mắt là tính cách cho Jyoti đi học lại.
Câu chuyện nâng lên tầm quốc tế sau khi Ivanka Trump viết trên Twitter tối 22-5. Ái nữ của tổng thống Mỹ viết: "Jyoti Kumari, 15 tuổi, chở người cha bị thương về quê làng bằng xe đạp, đi hơn 1.200km trong 7 ngày. Sức bền và tình yêu thương cao đẹp đã nhận được sự quan tâm từ người dân Ấn Độ và Liên đoàn Xe đạp".
Cô nhắc đến Liên đoàn Xe đạp Ấn Độ bởi khi đọc thấy câu chuyện này qua truyền thông, lãnh đạo liên đoàn rất ấn tượng trước sức bền của Kumari đã gửi lời mời thử tài tới thiếu nữ này và nói cô có thể trở thành một tay đua xe đạp.
Tuy nhiên, câu tweet của nữ cố vấn Nhà Trắng lại trở thành cái cớ để một số chính trị gia đối lập cũng như một số nhà phê bình ở Ấn Độ chỉ trích chính quyền. Ông Omar Abdullah - cựu thủ hiến bang Jammu và Kashmir - đáp trả ngay với dòng tweet của Ivanka: "Sự nghèo đói và tuyệt vọng của con bé được tôn vinh như thể Kumari đã đạp xe 1.200km cho vui vậy. Chính phủ đã không làm được gì cho cô bé và điều đó không đáng được ngợi ca như một thành tựu".
Còn ông Kanti Chidambaram, nghị sĩ phe đối lập tại Ấn Độ, cũng viết: "Đây không phải là một thành tích. Đó là kỳ tích được thúc đẩy bởi sự tuyệt vọng bắt nguồn từ sự thờ ơ của chính phủ". Những người chỉ trích cho rằng ban lãnh đạo của quốc gia 1,3 tỉ dân đang đẩy hàng triệu người dân vào nghèo đói và tuyệt vọng vì lệnh phong tỏa toàn quốc.
Riêng cô bé Jyoti dường như bỏ ngoài tai những chuyện tranh cãi đó. Với cô bé, đưa được cha về nhà an toàn là hạnh phúc. "Con thấy vui vì được mọi người từ nhiều nơi gửi lời nhắn", Jyoti trả lời đơn giản như thế.
Cặp vợ chồng trẻ ở Ấn Độ từng chọn cách đi bộ về quê khi chính quyền phong tỏa - Ảnh: AP |
|
Theo TƯỜNG NGUYỄN (TTO)