Chuyện Y Xô làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ là một “nghệ sĩ” tài hoa của làng, anh Y Xô (làng Kon Măh, xã Hà Tây, huyện Chư Pah) còn làm kinh tế rất giỏi. Chưa đầy 40 tuổi nhưng anh đã có 4,5 ha cao su, 2 ha mì, 3 ha bời lời... mỗi năm cho thu nhập 300-400 triệu đồng.

Hỏi chuyện làm kinh tế, Y Xô cười bảo: “So với nhiều người mình còn thua kém nhiều lắm!”. Rồi anh kể, năm 2003, anh cưới vợ là một cô gái xinh đẹp, nết na trong làng. Gia đình 2 bên đều nghèo nhưng không muốn vợ chồng anh ra ở riêng vì sợ không đủ vững vàng tự lập. Đúng lúc ấy, huyện Chư Pah có chủ trương đưa người dân từ những làng xa xôi về ở tập trung tại khu vực trung tâm xã Hà Tây.

 

Anh Y Xô cạo mủ tại vườn cao su của gia đình. Ảnh: L.H
Anh Y Xô cạo mủ tại vườn cao su của gia đình. Ảnh: L.H

Vợ chồng anh Xô quyết định về làng mới dựng nhà, bắt tay làm ăn riêng. “Lúc đấy khổ lắm, đói không dám kêu ai. Nơi làng mới lập chưa ai về ở, chỉ mỗi vợ chồng mình nên buồn cũng đành chịu. Khổ là vậy nên vợ chồng phải động viên nhau lo làm ăn”-anh Xô kể . Ban đầu, anh chị trồng lúa, mì, bắp rồi nuôi gà, heo để có cái ăn. Sau đó, vợ chồng ngày đêm lo phát rẫy để có đất canh tác. Khi trồng được 2 ha điều, tưởng như cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn thì trong một lần đốt rẫy, ngọn lửa vô tình bén vào làm cháy trụi cả vườn.

Trong lúc khốn khó, quyết tâm thoát nghèo trong anh lại càng trở nên mạnh mẽ. “Với tất cả những gì dành dụm được, năm 2007, mình dồn hết vào trồng 2,5 ha cao su. Thiếu vốn thì đi vay mượn, lấy ngắn nuôi dài”-anh Xô kể lại. Không có tiền thuê người làm, vợ chồng anh suốt ngày quần quật với ruộng nương. Số đất đai có được, anh chia ra thành nhiều phần, chỗ  làm lúa để lấy gạo ăn; chỗ trồng mì, bắp để có vốn lấy ngắn nuôi dài. Cứ thế, dành được chút tiền anh lại mua thêm rẫy. Rẫy dù nhỏ, dù to anh cũng đều cố gắng canh tác để có thu nhập, quyết không để đất trống. Vốn ít nên cứ có tới đâu làm tới đó, năm trồng thêm ít cao su, năm trồng vài héc-ta bời lời… 

Đến nay, 2,5 ha cao su ban đầu đã cho thu hoạch mỗi ngày khoảng 100-150 kg mủ nước. Với mức giá 10 ngàn đồng/kg mủ, vợ chồng anh thu 1-1,5 triệu đồng/ngày. Vợ anh trước từng làm công nhân cho Nông trường Cao su Hà Tây (Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah) nhưng sau đó nghỉ luôn để tập trung chăm sóc, khai thác vườn nhà. Ngoài tiền bán mủ cao su, vợ chồng anh còn có thêm một nguồn thu đáng kể từ 3 ha bời lời và mì, bắp, tổng cộng mỗi năm cũng đạt khoảng 300-400 triệu đồng. Anh Xô cho biết, chỉ vài năm nữa thôi, hơn 2 ha cao su trồng sau của gia đình anh cũng sẽ đến kỳ khai thác. Khi ấy, thu nhập của vợ chồng anh sẽ còn cao hơn nữa. Chưa biết, anh còn dự định sẽ trồng khoảng 1 ha bơ booth để nâng cao thu nhập.

Không chỉ làm kinh tế giỏi,  anh Xô còn là một nghệ sĩ tài hoa ở Hà Tây. Với khả năng chơi giỏi nhiều loại nhạc cụ truyền thống như: đàn t’rưng, đàn goong…, anh từng được chọn đi biểu diễn tại nhiều chương trình, hội thi lớn trong nước. Nhận xét về Y Xô, anh Im-Trưởng thôn Kon Măh, nói: “Hà Tây không được thiên nhiên ưu đãi như các vùng khác, đất đai khô cằn, bạc màu nên việc phát triển kinh tế của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, nhiều người chỉ biết làm lúa, làm mì nhưng anh Y Xô lại mạnh dạn canh tác những cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao. Gia đình anh Xô hiện là một trong những hộ kinh tế vững vàng nhất nhì làng. Không những làm giàu cho mình, anh còn giúp đỡ người khác cùng vươn lên. Đó là điều đáng quý, đáng trân trọng và xứng đáng để mọi người học tập”.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm