Chuyện về những giáo viên quản nhiệm tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ, nhắc nhở các em chuyên tâm học tập; lắng nghe tâm tư và hướng dẫn, quản lý các em trong suốt thời gian học tập tại trường chính là công việc của giáo viên quản nhiệm nội trú.
Cụm từ “giáo viên quản nhiệm” dường như còn khá mới mẻ với nhiều người, bởi lẽ chỉ có một vài ngôi trường ngoài công lập có mô hình bán trú, nội trú mới có vị trí này. Họ được xem như những người cha, người mẹ thứ 2 của các em.
Làm tốt nhiều vai        
“Mỗi đêm giáo viên quản nhiệm nội trú thường chỉ ngủ vài giờ đồng hồ. Khi nào các em yên giấc thì mình mới đi ngủ, thỉnh thoảng thức dậy vài lần kiểm tra xem có em nào vung tay, chân ra khỏi màn, em nào nằm co ro mà không đắp mền hoặc để ý xem một vài em nhỏ có thói quen đi vệ sinh ban đêm để tránh trượt ngã”-thầy Nguyễn Duy Hòa-giáo viên quản nhiệm tại Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai (APC Gia Lai) chia sẻ. Thầy Hòa có thâm niên 8 năm làm giáo viên quản nhiệm nội trú tại trường và hiện đang quản lý 14 em học sinh ở các khối lớp: 3, 5, 10 và 11. Các em học sinh nội trú phần vì nhà ở xa không thể đi về trong ngày, phần do cha mẹ khá bận rộn không thể đưa đón và cũng có em cha mẹ muốn gửi vào trường để rèn tính tự lập... Chính vì các em ở nhiều độ tuổi khác nhau, hoàn cảnh sống cũng không giống nhau nên đòi hỏi giáo viên quản nhiệm phải làm tốt nhiều vai trò, có khi là thầy giáo, có lúc lại như người anh, người bạn của các em. “Với các em nhỏ, tính tập trung chưa cao nên mình phải nói nhỏ nhẹ và hướng dẫn nhiều lần từ cách gấp chăn màn, áo quần, để giày đúng vị trí quy định... để các em hình thành thói quen. Riêng với các em học sinh ở các khối lớp lớn hơn phải nghiêm khắc ngay từ đầu, thường xuyên quan sát, nhắc nhở để các em chuyên tâm vào việc học”-thầy Hòa cho hay.
 Thầy Nguyễn Duy Hòa hướng dẫn học sinh gấp mền. Ảnh: A.H
Thầy Nguyễn Duy Hòa hướng dẫn học sinh gấp mền. Ảnh: A.H
Trường APC Gia Lai hiện có gần 100 học sinh nội trú (từ lớp 1 đến lớp 12) với 7 giáo viên quản nhiệm, trong đó có 25 học sinh nữ do 2 giáo viên quản nhiệm nữ phụ trách. Mặc dù làm giáo viên quản nhiệm chưa lâu, song với tính cách nhẹ nhàng, cởi mở, cô Bùi Thị Nguyệt luôn được các em học sinh quý mến, tin tưởng. Cô Nguyệt chia sẻ, các em ở đây rất ngoan và tính tự lập cao nên chỉ cần hướng dẫn vài lần là đã có thể tự làm, thậm chí một số em học lớp 1 sau thời gian ngắn đã có thể tự tắm gội, cột tóc, xếp áo quần, gấp chăn màn... “Mình phụ trách quản lý đối với các em nữ nội trú khối THCS. Đây là độ tuổi có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý, do đó mình luôn quan tâm, trò chuyện và theo sát các em để kịp thời giải đáp các thắc mắc cũng như đưa ra lời khuyên phù hợp. Mình cũng thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tình hình học tập của mỗi em, nếu trong tuần em nào có kết quả học tập giảm sút sẽ có hướng khắc phục kịp thời”-cô Nguyệt bộc bạch.
Không ngừng hoàn thiện bản thân
Nhiều năm làm công tác giảng dạy và quản nhiệm tại Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (TP. Hồ Chí Minh) nên thầy Đỗ Bách Khoa-Hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) cho rằng, quản nhiệm là công việc không dễ dàng. Thầy Khoa nêu dẫn chứng, mỗi gia đình thường chỉ chăm sóc vài đứa con đã khó, huống chi mỗi giáo viên quản nhiệm phải chăm lo, quản lý vài chục em với tính cách khác nhau. Trao đổi về học sinh nội trú tại trường, thầy Khoa cho hay: Toàn trường có trên 100 học sinh đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau và đa phần các em học sinh tại trường đều ngoan, tự lập. Bởi trước khi trở thành học sinh của trường, các em đã tham gia khóa trải nghiệm hè (5 tuần) để thử thách về sự thích nghi trong môi trường nội trú, bán trú và chỉ em nào vượt qua các thử thách ấy mới được nhận vào học.
Tuy nhiên, theo thầy Khoa, các em đang ở lứa tuổi “ẩm ương” nên việc quản lý phải hài hòa, giáo viên quản nhiệm phải vừa thân thiện song cũng phải nghiêm khắc khi cần. Trường THPT Chi Lăng hiện có 4 giáo viên quản nhiệm. “Chúng tôi quán triệt đến tất cả cán bộ, giáo viên phải luôn bình tĩnh và nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng tích cực. Mỗi giáo viên quản nhiệm phải là người động viên, khuyến khích, truyền lửa cho các em học sinh và giúp các em luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, muốn gắn bó với ngôi trường”-thầy Khoa trao đổi. Cũng theo thầy Khoa, chăm sóc, quản lý các em là công việc khá vất vả và cũng không ít lần giáo viên quản nhiệm phải đưa các em nhập viện trong đêm do đau bệnh đột xuất. Tuy nhiên, cũng chính các em đã giúp thầy-cô giáo nói chung và giáo viên quản nhiệm nói riêng ngày càng hoàn thiện bản thân, học tính kiên nhẫn để biết cương, nhu đúng lúc.
Nhận xét về các giáo viên quản nhiệm, em Lê Huyền Trang-học sinh lớp 12A2 Trường THPT Chi Lăng-vui vẻ: “Thầy cô chăm lo cho tụi em từng li từng tí, nhắc tụi em phải ngủ đủ giấc và mặc ấm khi trời lạnh. Ban đầu, em không thích môi trường nội trú vì cảm thấy gò bó. Tuy nhiên, khi đã dần quen thì em không còn suy nghĩ đó nữa mà thấy rất thương thầy cô. Các thầy cô luôn quan tâm đến từng thay đổi nhỏ nhất của tụi em, thậm chí có bạn hôm đó ăn ít hơn bình thường thầy cô cũng biết và hỏi thăm hoặc có bạn bị đau không xuống nhà ăn được thầy cô cũng bỏ ăn để ở lại theo dõi sức khỏe”.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.