Chuyện về củ sâm Ngọc Linh 57 tuổi được mang đi đấu giá ở Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Củ sâm Ngọc Linh có trọng lượng 1,8 lạng, có tuổi đời 57 năm được công ty sâm trồng và bảo vệ cẩn thận trước sự dòm ngó, trộm cắp. 
 
Bà Duyên trao lại củ sâm cho chủ nhân mới là ông Hồ Quang Cua. Ảnh: T.T
Bà Duyên trao lại củ sâm cho chủ nhân mới là ông Hồ Quang Cua. Ảnh: T.T
Liên quan đến việc đấu giá thành công củ sâm Ngọc Linh 1,8 lạng với giá 115 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Duyên – Giám đốc Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông – Kon Tum cho biết, cách đây hơn 6 năm, có một người dân ở xã Ngọk Lây muốn bán củ sâm lâu đời, quý giá.  
Biết tin, bà Duyên tìm đến hỏi mua với giá cả hợp lý, di thực đưa sâm về trồng ở vườn sâm của công ty. Do củ sâm có “ngoại hình” đẹp, lâu năm, nguồn gốc rõ ràng nên bà Duyên yêu cầu nhân công chăm sóc chu đáo, cẩn thận, bên ngoài khu vườn được lắp dày đặc hàng rào B40, camera theo dõi để phòng ngừa việc bị mất trộm sâm.  
 
Khoảng khắc trúng đấu giá củ sâm 57 năm tuổi. Ảnh: T.T
Khoảng khắc trúng đấu giá củ sâm 57 năm tuổi. Ảnh: T.T
“Cùng thổ nhưỡng, độ cao, khí hậu nên cây sâm di thực sống tốt, cho ra nhiều hạt giống. Qua hàng năm, công ty thu hái hạt của cây để nhân giống, ươm mầm các cây con, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của sâm”, bà Duyên chia sẻ.   
Mới đây, khi “Phiên chợ sâm Ngọc Linh - các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch huyện năm 2022” diễn ra, bà Duyên mang củ sâm Ngọc Linh ra để trưng bày, triển lãm với du khách gần xa đến tham quan, bà không có ý định để bán.
Tuy nhiên, Ban tổ chức phiên chợ khuyến khích bà Duyên mang củ sâm ra bán đấu giá, cùng với bình rượu sâm của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô để tạo thêm không khí sôi nổi, vui tươi cho phiên chợ, bà Duyên đã đồng ý.
Cuộc đấu giá tổ chức vào tối ngày 25.4, khi rất nhiều du khách đã rời khỏi hội chợ để về TP.Kon Tum. Cũng trùng hợp, người trúng đấu giá củ sâm là ông Hồ Quang Cua, cha đẻ của loại gạo ngon nhất thế giới ST25.  
Củ sâm Ngọc Linh được đấu giá thành công với số tiền 115 triệu đồng, tăng không đáng kể so với giá khởi điểm đưa ra là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ duyên của ông Cua đối với Tu Mơ Rông, khi loại gạo do ông và các nhà “nông học” khác lai tạo ra cũng đang phù hợp và phát triển trên mảnh đất Tu Mơ Rông.  
Được biết, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông – Kon Tum đã phát triển việc trồng sâm lâu năm ở các xã Măng Ri, Ngọk Lây. Bà Duyên gắn bó với mảnh đất Tu Mơ Rông, Đăk Tô từ những năm 1998, thời điểm này người dân địa phương vẫn thường gọi sâm Ngọc Linh là "cây thuốc giấu", để bổ sung sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Lúc đó, sâm được bán với giá 600.000-700.000 đồng/kg.  
Bây giờ, diện tích sâm Ngọc Linh được nhân rộng hàng nghìn ha, giá cả của sâm cao gấp nhiều lần so với trước. Các doanh nghiệp về sâm cũng đa dạng các sản phẩm như trà sâm dây, dược liệu, cao sâm, sâm khô, rượu sâm, nước giải khát sâm… để bán ra thị trường.
Theo Thanh Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Rượu ghè men lá H'nham

Rượu ghè men lá H'nham

Đặt trên bàn những ghè rượu mới ủ, các chị em trong tổ liên kết nấu rượu ghè và dệt thổ cẩm ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) giới thiệu rất hấp dẫn về sản phẩm mình làm ra: Một thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, không giống với loại men ở bất cứ nơi nào.

null