Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là nhân tố có tính tác động mạnh mẽ nhất đến sự phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi những con đường, vốn được coi như là “huyết mạch” bị tắc? Câu chuyện về sự xuống cấp trầm trọng của tỉnh lộ 665 ở huyện Chư Prông (Gia Lai) thời gian qua có thể coi như một câu trả lời.
Ở huyện Chư Prông, vài năm về trước, có một câu chuyện thật mà ai không hiểu thì cứ ngỡ là đùa. Đấy là chuyện những cán bộ xã ở Ia Mơr, Ia Piơr, Ia Lâu, Ia Ga… dù chỉ cách huyện vài chục cây số nhưng mỗi lần lên họp thường phải đi trước một ngày và bao giờ trong cặp cũng phải bỏ thêm bộ quần áo sơ-cua để thay. Không phải vì đường về huyện quá xa mà bởi con đường họ phải đi qua- tỉnh lộ 665- nắng thì bụi ngút trời còn mưa thì lầy lội như ruộng cày.
Nhọc nhằn vượt qua đoạn tỉnh lộ 665 đoạn xã Ia Ga. Ảnh: Tiến Dũng |
Những đoạn đường “chết”
So với cách đây chừng 5 năm, trong lần chúng tôi vào xã Ia Piơr theo dấu đoàn voi rừng về phá nương rẫy của dân, tỉnh lộ 665 đã tốt hơn rất nhiều với khoảng 2/3 chiều dài được trải nhựa. Đi từ Ia Băng, qua Ia Tôr, rồi tới Ia Pia, dọc hai bên con đường mới làm, lòng chúng tôi dâng lên cảm giác phơi phới khi liên tục bắt gặp những ngôi nhà mái bằng mới xây xen giữa những vườn cà phê, hồ tiêu xanh mướt. Điều này phần nào chứng tỏ, từ khi có con đường mới tốt hơn, thông thoáng hơn, cuộc sống của người dân sống dọc hai bên tỉnh lộ 665 đã có sự đổi thay nhanh chóng.
Hôm chúng tôi vào Ia Ga (cuối tháng 8-N.V), tuy cực kỳ khó khăn nhưng dẫu sao xe cộ vẫn còn lết qua được đoạn đường lầy lội này. Bởi theo một số người dân cho biết, trước đó mấy ngày, có muốn lội bộ qua đây cũng chẳng được. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, qua thông tin của một cán bộ xã cho biết, đoạn đường này đã “chết” hoàn toàn, không có bất cứ phương tiện lớn nhỏ nào có thể qua lại được.
Nặng hơn cả đoạn qua thôn Thống Nhất là đoạn từ làng Khôi, xã Ia Ga vào xã Ia Mơr dài khoảng 20 cây số. Theo anh Lê Ngọc Hiền- cán bộ Văn phòng UBND xã thì từ đầu mùa mưa, đoạn đường này đã không thể đi lại được, kể cả các phương tiện “nổi tiếng” với khả năng băng rừng, vượt suối như xe U-oát. Anh Hiền cho biết thêm, muốn đi vào Ia Mơr, hay từ Ia Mơr ra huyện, chỉ có một cách duy nhất là đi vòng qua Ia Piơr. Đoạn đường này hiện cũng khá lầy lội nhưng vẫn còn có thể đi được.
Và hệ lụy nặng nề
Đường hỏng nhưng người dân thì chẳng thể không đi lại. Vậy là một người dân ở thôn Thống Nhất, xã Ia Ga bỗng nảy ra “sáng kiến” mở một con đường qua vườn điều nhà mình cho người dân đi lại và… thu phí. Trong ngày đầu tiên con đường này hoạt động, chủ vườn điều đã “chém” người qua lại với giá 20 ngàn đồng/lượt người xe. Sau đó, khi người dân bức xúc phản ánh, chính quyền xã Ia Ga đã đến làm việc với chủ vườn thì giá được giảm xuống chỉ còn… 10 ngàn đồng/lượt. Tính ra, mỗi lượt đi về, một người phải tốn mất 20 ngàn đồng, một số tiền không nhỏ trong điều kiện kinh tế của đa phần người dân nơi đây đều còn rất khó khăn. Và sẽ càng khó khăn hơn nữa đối với những người bắt buộc phải đi lại hàng ngày như một số cán bộ, giáo viên công tác ở các xã trên nhưng lại có nhà ở ngoài huyện.
Nhưng không chỉ những người dân có nhu cầu đi lại mới bị ảnh hưởng mà sự xuống cấp trầm trọng của tỉnh lộ 665 đã tác động nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của hàng ngàn hộ dân các xã: Ia Ga, Ia Lâu, Ia Piơr và Ia Mơr. Ngoài khó khăn về đi lại, học hành cho con nhỏ, chăm sóc sức khỏe khi ốm đau, điều dễ nhìn thấy nhất là việc khan hiếm nguồn thực phẩm hàng ngày. Đa số rau quả, thịt cá mà người dân các xã trên sử dụng hàng ngày đều do các “công ty hai sọt” chở vào. Vì thế, nếu không bị “đứt” nguồn vì mưa gió thì người dân cũng phải chịu một cái giá “trên trời” cho con cá, mớ rau. Một lãnh đạo xã Ia Ga cho biết, có ngày, một cân thịt heo loại thường được các chủ hàng bán với giá 140 ngàn đồng. Còn xăng, có khi đến 40 ngàn đồng/lít mà không có để mua.
Trong điều kiện đường sá như thế, người dân nơi đây lại phải chịu thêm một nghịch lý là mua đắt, bán rẻ. Cả 4 xã Ia Ga, Ia Lâu, Ia Piơr và Ia Mơr đều là các xã thuần nông, kinh tế của người dân chỉ biết trông chờ vào các mặt hàng nông sản như lúa, bắp, mì, đậu. Việc tiêu thụ các mặt hàng này đều trông chờ cả vào cánh thương lái bên ngoài. Mà để vào được đến các xã này, thương lái cũng phải trầy da tróc vảy với những cú thủng lốp, lật xe hoặc sa lầy. Chi phí cho việc sửa xe, thuê người kéo xe của cánh tư thương vì thế đều được tính vào giá nông sản. Vì thế, chẳng có gì khó hiểu khi họ thi nhau ép giá nông dân với cái giá có khi chỉ bằng phân nửa so với bên ngoài.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Dũng- Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông khẳng định những khó khăn nói trên mà người dân đang gặp phải do sự xuống cấp của tỉnh lộ 665 thời gian qua. Điều này không chỉ khiến người dân hết sức bức xúc mà chính quyền huyện cũng không thể ngồi yên. Liên tiếp trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, UBND huyện đã 3 lần gửi công văn cho Sở Giao thông- Vận tải, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý tuyến đường, đề nghị sửa chữa, khắc phục tình trạng lầy lội ách tắc. Thế nhưng đến thời điểm này, tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục.
… Chuyện tỉnh lộ 665 hư hỏng và ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân các xã Ia Ga, Ia Lâu, Ia Piơr và Ia Mơr có lẽ không cần phải nói thêm nữa. Cái cần nói chính là sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc khắc phục. Trong khi chính quyền luôn cho rằng giao thông là “huyết mạch” của nền kinh tế thì tại sao một con đường hư hỏng nghiêm trọng đến thế, ảnh hưởng xấu như vậy đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân lại tồn tại kéo dài từ năm này đến năm khác mà không được quan tâm khắc phục? Đây cũng không phải chuyện chỉ xảy ra ở riêng tỉnh lộ 665 mà còn ở rất nhiều tuyến đường khác trong tỉnh.
Duy Danh- Tiến Dũng