Những năm qua, nông thôn Gia Lai được đón nhận hàng loạt chương trình đầu tư của Đảng và Nhà nước. Trên thực tế, nhiều chương trình phát huy hiệu quả nhưng vẫn còn đó những câu chuyện buồn, nếu kể ra ít nhiều cũng có ích cho quá trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai.
Với tổng công suất 220 MW, Sông Ba Hạ là một trong những công trình thủy điện lớn trên sông Ba. Cùng với huyện Sơn Hòa (Phú Yên), huyện Krông Pa có 5 xã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi công trình thủy điện Sông Ba Hạ, gồm: Krông Năng, Ia Hdreh, Ia Rmok, Phú Cần và Chư Ngọc. Mặc dù công trình đã chính thức hòa lưới điện quốc gia từ năm 2009 nhưng đường đến các khu tái định cư của công trình trong mùa mưa này vẫn lắm gian truân.
Đường vào Krông Năng. Ảnh: Duy Danh |
Xa ngái Krông Năng
Khi chúng tôi đặt vấn đề đi thực tế tìm hiểu cuộc sống của nhân dân vùng tái định cư tại Krông Năng-một xã vùng xa của huyện Krông Pa, ban đầu Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Như Trình tỏ ra rất băn khoăn. Nhưng rồi với tinh thần nhiệt tình của một cán bộ tăng cường, sau một loạt cuộc điện thoại, anh phác họa cho chúng tôi 2 phương án. Một, muốn nhanh thì đi xe máy, qua phà Bung, nhưng mưa lớn chẳng biết phà có dám qua không? Hai, ngược quốc lộ 25, qua cầu Lệ Bắc, vòng qua bên kia sông Ba, theo đường Trường Sơn Đông. Để tránh mạo hiểm, tất nhiên chúng tôi chọn phương án hai.
7 giờ 30 phút, chúng tôi bắt đầu khởi hành từ thị trấn Phú Túc ngược theo quốc lộ 25 nhằm hướng Ia Rsươm. Quá 8 giờ một chút, chúng tôi rẽ về bên phải, vào đường Trường Sơn Đông. Khác với cái sự “tưởng bở” ban đầu, đi được một đoạn, chúng tôi “húc” phải một công trường với lổm ngổm đất đá và nước. Lẫn trong cái gầm trời rả rích mưa là loang loáng hàng trăm ổ gà, ổ trâu nằm choán cả mặt đường. Chiếc xe bán tải của dự án Flitch lúc lắc lư, lúc chồm lên, hục xuống… theo tính nết của con đường.
Đến địa phận xã Uar, chúng tôi phải dừng lại trước một cái ngầm lớn. Gọi là ngầm nhưng đó là cả một quãng sông dễ đến 100 mét. Trên đầu là chiếc cầu thuộc dự án đường Trường Sơn Đông đang thi công dở dang. Sáng hôm đó, trên thượng nguồn suối Uar có mưa lớn nên nước dâng cao, chảy xiết. Chờ 15 phút, nước rút dần, chiếc xe mới thận trọng dò dẫm qua cầu. Cùng chờ nước rút như chúng tôi có cả thầy-cô giáo, học sinh, cán bộ xã, các chị “công ty hai sọt” và cả lâm tặc với những gốc trắc lặc lè trên ba-ga…
Một góc buôn Yú. Ảnh: Duy Danh |
Vùng tái định cư, những điều nghe thấy…
Vì được thông báo từ trước nên Chủ tịch UBND xã Krông Năng-Ksor Yú đón chúng tôi ở ngã rẽ vào buôn Pang. Đây là buôn cách trung tâm xã đến 12 cây số và có nhiều hộ trong diện tái định cư. Từ đường Trường Sơn Đông rẽ vào khoảng 3 cây số, chúng tôi lại chạm phải một thử thách mới, đường tắc do chiếc cống hộp bị lũ quét trôi một đoạn khoảng vài chục mét. Từ ngày cống bị trôi, xe cộ không thể qua lại được. Người dân buôn Pang muốn ra ngoài thì phải lội bộ, nếu gặp mưa lũ thì đường bị tắc hoàn toàn. Theo anh Yú, đây là công trình do dự án thủy điện Sông Ba Hạ đầu tư. “Nếu họ thiết kế và thi công ngon lành thì chắc không trôi đâu”-anh Yú tiếc rẻ. Nghĩ là nói chứ thế nào là ngon lành thì anh cũng chào thua vì đây là kiểu công trình “chìa khóa trao tay”, địa phương chỉ biết tiếp nhận và sử dụng!
Loanh quanh với những chiếc cống bể một lúc, biết khó có thể lội bộ đến được buôn Pang nên chúng tôi đành quay về buôn Yú. Dọc đường Trường Sơn Đông là những căn nhà tường gạch mái tôn xếp đều tăm tắp. Nếu không có cây kơ nia có lẽ chúng tôi không thể nào hình dung đây là buôn đồng bào Jrai. Dưới tán kơ nia là một ông già quần dài đánh trần, hỏi ra mới biết đó là nghệ nhân H’Ving Méo từng đoạt giải nhất Hội thi hát dân ca và giải ba Hội thi nhạc cụ dân tộc toàn huyện Krông Pa. Khi chúng tôi hỏi về cuộc sống của bà con trong buôn sau khi về nơi ở mới, cụ chân thành: “Nhà ở thì tàm tạm. Tiền đền bù mua gạo mắm hết rồi, giờ không còn đồng nào. Nhiều người lên núi tìm đất làm rẫy nhưng dốc cao, đất trôi hết”. Tiếp theo lời cụ Méo, anh Ksor Ni-cán bộ Địa chính xã cho biết: Không chỉ có buôn Yú, đời sống của bà con tại các khu tái định cư hiện đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu đất sản xuất trong khi đó tiền đền bù cho số diện tích bị mất đã biến vào ống khói xe máy và dạ dày cả rồi.
Trên đường đưa chúng tôi dạo quanh khu đất khá rộng cỏ ngập lút đầu gối, anh Yú bộc bạch: “Hồi trước, Ban Quản lý Thủy điện 7 có hứa xây dựng tại đây một hệ thống bơm điện để đưa vùng này vào làm lúa nước 2 vụ nhưng mãi không thấy họ làm. Nhiều người bảo họ xù rồi. Chán quá!”. Theo anh, nếu xây dựng ở đây một trạm bơm nước từ lòng hồ lên thì 2 buôn Ji A, Ji B đủ gạo ăn, không túng thiếu như bây giờ. Không chỉ đường đến buôn Pang bị tắc, không chỉ lời hứa lèo về một trạm bơm mà cán bộ và nhân dân xã Krông Năng đang rất cần những người có trách nhiệm của dự án thủy điện Sông Ba Hạ nhiều thứ, ví như: Sửa sang và nâng cấp hệ thống giao thông vừa bị xuống cấp; sửa lại 3 nhà văn hóa đã hư hỏng nặng; xây dựng công trình nước sinh hoạt cho buôn Tối và buôn H’Lối; giải quyết dứt điểm việc đền bù diện tích đất phát sinh ở buôn Pang và buôn Yú…
Chỉ vẻn vẹn một ngày dành cho mảnh đất nằm cạnh lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ, giữa cái ngã ba Gia Lai-Đak Lak-Phú Yên, chúng tôi đã lượm lặt lắm chuyện vui buồn. Buồn nhất vẫn là chuyện ngay tại nơi cung cấp nguồn sáng cho quốc gia vẫn còn 65% hộ nghèo!
Duy Danh- Tiến Dũng