(GLO)- Nằm cách trung tâm xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) tầm 3 km về phía Bắc, làng Bờ được biết đến như một tấm gương sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Người dân nơi đây tự nguyện hiến đất mở đường, đóng góp công sức lẫn tiền của để làng mình sớm “khoác màu áo mới”.
Cái nắng khô khốc của mùa khô khiến con đường cấp phối dẫn về làng Bờ xộc lên đầy bụi dù chỉ một cơn gió nhẹ thổi qua. Chiếc cổng màu đỏ có gắn tấm biển “Làng văn hóa-làng Đê Bờ” (thường gọi là làng Bờ) hiện ra phía xa báo hiệu cho tôi biết mình đã đến nơi cần đến. Trưởng thôn Đinh Gen thong dong xe máy tới đón khách và không quên nở với tôi một nụ cười hiền hậu trên khuôn mặt sạm đi vì rám nắng. Thế rồi, những câu chuyện của làng Bờ cứ tiếp nối mãi đến khi mặt trời đứng bóng.
Hợp sức làm đường
Làng Bờ có 64 hộ với 245 khẩu, gồm hai dân tộc Kinh và Bahnar cùng sinh sống. Năm 2012, khi xã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, ai ai cũng phấn khởi. Qua tuyên truyền, bà con hiểu rằng đây là một chương trình quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi đời sống cũng như bộ mặt của làng Bờ nói riêng và cả xã nói chung. Vì vậy, cùng với nhân dân 11 thôn, làng khác, dân làng Bờ đã tích cực triển khai thực hiện các tiêu chí nông thôn mới theo quy định.
Dệt thổ cẩm vẫn được nhiều người dân làng Bờ duy trì. Ảnh: H.T |
Năm 2013, làng Bờ phối hợp cùng làng Chư Pâu tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân 2 làng, nhất là 88 hộ có đất sản suối, mặt đường thì lầy lội. Nông sản không vận chuyển được nên thường bị thương lái ép giá. “Bà con cũng đã nhiều lần góp tiền đổ đất đá lấp sình, song chẳng được bao lâu lại bị trôi hết. Riêng cây mía từ đồng ruộng muốn đến được với nhà máy phải “tăng-bo” 2-3 lần. Chi phí người dân phải bỏ ra nhiều hơn, dẫn đến giảm thu nhập”-Trưởng thôn Đinh Gen nhớ lại.
Dắt tôi đến xem tuyến đường ấy, anh Gen bảo rằng, thời điểm đó, được sự thống nhất và hỗ trợ thêm từ UBND xã Kông Lơng Khơng, Ban Nhân dân thôn đã lên kế hoạch họp dân, dự trù kinh phí và quy định mức đóng góp cho mỗi hộ dân theo diện tích đất sản xuất ở khu vực phải đi qua tuyến đường. Điều đáng mừng là 100% bà con đều đồng ý và rất phấn khởi. Đúng 2 tuần sau ngày khởi công, con đường được hoàn thành với tổng kinh phí 110 triệu đồng, trong đó dân làng đóng góp 70 triệu đồng, còn lại 40 triệu đồng do xã hỗ trợ. Ngoài ra, dân làng còn ủng hộ thêm 100 ngày công lao động, đặc biệt có 13 hộ đã sẵn sàng hiến đất để mở rộng tuyến đường. Ông Đinh Gak-người đã không chút đắn đo hiến ngay 1.000 m2 đất nông nghiệp của mình để làm đường, tâm sự: “Tôi chẳng suy nghĩ gì nhiều, chỉ cần có đường tốt để gia đình và dân làng đi sản xuất, rồi cây mía, cây mì làm ra có thể bán được với giá ổn định là vui lắm rồi”.
Phát triển kinh tế-xã hội
Làng Bờ hiện nay có khoảng 83 ha mía, 25 ha mì, hơn 2 ha lúa nước và 14 ha lúa rẫy. Bắp, đậu xanh… là những cây trồng luân phiên mùa vụ. Xác định việc phát triển kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng, Ban Nhân dân thôn thường xuyên vận động, khuyến khích bà con chăm lo sản xuất. Các buổi họp dân (được tổ chức định kỳ 1 lần/tháng) để kịp thời phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước còn là dịp để dân làng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt với nhau. Nhờ đó, bà con đã dần biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao.
Bộ mặt làng Bờ những năm qua đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Trẻ em trong độ tuổi đến trường đều đi học đầy đủ, sĩ số cơ bản được duy trì ở cả 4 bậc học. Người dân đã biết đến Trạm Y tế xã để khám-chữa bệnh, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường được nâng lên (gần 100% các hộ đều đã tự đào nhà vệ sinh); tham gia sôi nổi các phong trào văn nghệ, thể thao do xã, huyện tổ chức… Tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn và trật tự an toàn xã hội tương đối ổn định. Không có hiện tượng thanh niên tụ tập đánh nhau, không có tệ nạn xã hội. Nhiều năm liền, làng Bờ được Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ngoài ra, làng Bờ là một trong số ít những ngôi làng ở Kông Lơng Khơng có bề dày văn hóa truyền thống lâu đời. Năm 2005, làng Bờ được công nhận là làng văn hóa. Từ thời điểm ấy đến nay, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa càng được chú trọng và quan tâm đúng mức. Tiếng cồng, tiếng chiêng cùng những vòng xoang uyển chuyển vẫn hiện hữu ở làng vào các dịp lễ, hội. Dệt thổ cẩm, đan gùi vẫn được duy trì dưới mỗi nếp nhà…
Nói về ngôi làng này, ông Đinh Choai-Bí thư Đảng ủy xã Kông Lơng Khơng nhận xét: Cán bộ và nhân dân làng Bờ xứng đáng là tấm gương sáng để các làng khác noi theo. Vừa qua, Trưởng thôn Đinh Gen còn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì những đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hồng Thi