Chuyện khởi nghiệp của "Hòa Trùn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến với xã Đak Hlơ, người dân ở nhiều nơi đã biết đến trại “Trùn Quế Gia Lai” ở thôn 1, của anh Nguyễn Văn Hòa-Phó Bí thư Đoàn Xã Đak Hlơ. Khởi nghiệp làm nông chỉ với 10 triệu đồng, sau 4 năm đến nay anh Hòa đã có thể tạo cho gia đình một nguồn thu nhập ổn định với mức lãi hàng năm trên 100 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Hòa thường được người dân nơi đây gọi thân mật với cái tên “Hòa Trùn”.

 Anh Nguyễn Văn Hòa . Ảnh: Hà Duyệt
Anh Nguyễn Văn Hòa . Ảnh: Hà Duyệt

Ở tuổi 27 mà Nguyễn Văn Hòa đã có gần 4 năm khởi nghiệp với mô hình nuôi Trùn Quế. Kiên định với mục tiêu, nghiêm túc trong công việc và sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm của mình là quan điểm làm nông nghiệp của ông chủ trại trùn quế gốc Phú Yên này. Năm 2014, với số vốn chỉ 10 triệu đồng, một mình anh vào Bình Dương mua giống trùn quế để “khởi nghiệp”; rồi hàng ngày anh tranh thủ đi lượm nhặt phế phụ phẩm nông nghiệp như phân chuồng, rơm rạ, rác thải hữu cơ… về làm thức ăn cho trùn. Phải đấu tranh tâm lý rất nhiều, anh mới vượt qua được sự ngăn cản của gia đình và những định kiến về một cử nhân “Tài chính-Ngân hàng” lại về quê nuôi trùn. Anh Hòa tâm sự: Trước đây mình học kinh tế, kiến thức bên kinh tế là một mảng khác nhưng lại hỗ trợ cho bên nông nghiệp rất là nhiều: ở lúc mình quảng cáo, quảng bá sản phẩm và tìm hiểu được nhu cầu thị trường; sau đó mình mang sản phẩm của mình làm ra cung ứng cho thị trường thì mang lại hiệu quả cao. Nên mình không hề hối tiếc rằng mình học kinh tế mà lại làm nông nghiệp.

Bắt đầu từ việc xây dựng trại bạt, anh lại tận dụng những nhà kho để làm trại nuôi trùn, rồi đầu tư làm trại có mái che, trại xây kiên cố bằng xi măng với chi phí cao nhằm đảm bảo môi trường sinh sống và phát triển của trùn. Từ trại trùn quế, anh Hòa phát triển thành các sản phẩm như phân trùn quế, phân trùn dạng hạt; dịch trùn quế; trùn giống và trùn thịt. Ban đầu, cùng với nguồn lúa, bắp có sẵn tại nhà anh trực tiếp sử dụng sản phẩm từ trùn để bổ sung dinh dưỡng cho thức ăn của vật nuôi trong nhà; bên cạnh đó dùng phân trùn bón lót ươm giống cho cây trồng. Hiện nay đàn vật nuôi trong nhà anh có trên 150 cặp bồ câu, gần 100 con gà, và một diện tích nhỏ trồng dược liệu như chè lá to (chè đạm), cây chùm ngây... Thấy cây trồng và vật nuôi phát triển tốt anh Hòa tiếp tục mở rộng sản xuất để cung ứng các sản phẩm ra thị trường. Khi nuôi được trùn quế thì các vấn đề như là môi trường sống xung quanh được đảm bảo, lý do là nó xử lý được tất cả các chất thải, các phế phụ phẩm nông nghiệp; đảm bảo được sức khỏe con người. Cái thứ 2 là khi các sản phẩm của trùn quế cung cấp ra cho vật nuôi, cho cây trồng thì nó cho ra lượng sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng thì mình rất là tâm đắc. Khi bản thân đã cung cấp một lượng hàng ra ngoài thị trường đủ lớn thì tiếp đến mình lại giúp đỡ, hỗ trợ cho những người có nhu cầu nuôi phục vụ cho mô hình của họ, nếu như mà người ta dư sản phẩm ra thì bên mình thu mua lại, thậm chí là liên kết lại với nhau để cung cấp giống, thu mua sản phẩm-anh Hòa cho biết.

Là một người trẻ tuổi, năng động, có khả năng tiếp cận thông tin nhanh nhạy; nên khoảng 1 năm trở lại đây, “Hòa trùn” không ngần ngại chia sẻ những thông tin về trại trùn quế trên trang tin điện tử cá nhân, đầu tư xây dựng Blog và lập 1 kênh Youtube để thường xuyên giới thiệu mọi hình ảnh, thông tin về trại trùn quế cũng như chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp của mình. Đến nay anh đã có trên 800 lượt người theo dõi trên Facebook, gần 100 video được đăng tải trên Youtube thu hút trên 21.000 lượt người xem. Nhờ vậy mà trại Trùn quế Gia Lai ngày càng được nhiều người biết đến, cơ hội kinh doanh của anh cũng bắt đầu rộng mở từ đây khi khách từ nhiều địa phương khác tìm đến như Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và khách từ đất nước bạn Lào. Trung bình 1 năm, anh Hòa thu lãi trên 100 triệu đồng.

Ngoài việc làm chủ trại trùn quế, anh Hòa còn là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đak Hlơ. Anh Nguyễn Tuấn Anh-Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đak Hlơ, cho biết: Hòa không chỉ là một cán bộ đoàn năng động mà còn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế để các đoàn viên khác noi theo. Mô hình của anh đã tác động rất mạnh đến đoàn viên như là công tác tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt Đoàn, và anh cũng đã giới thiệu các trang trại, những mô hình mới để anh em thanh niên chúng ta nắm được, hiểu được hơn trong trồng trọt, chăn nuôi xanh sạch đẹp, áp dụng vào trồng rau, chăn nuôi, xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường rất là sạch đẹp với mô hình này-Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đak Hlơ cho biết.


 

 Tận dụng các sản phẩm từ trùn quế, anh Hòa còn ươm giống cây chè đạm và chùm ngây để phát triển mô hình trồng dược liệu. Ảnh: Hà Duyệt
Tận dụng các sản phẩm từ trùn quế, anh Hòa còn ươm giống cây chè đạm và chùm ngây để phát triển mô hình trồng dược liệu. Ảnh: Hà Duyệt

Từ một ý tưởng khởi nghiệp, qua quá trình lao động thực tiễn và trở thành một mô hình sản xuất có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đến hôm nay mô hình nuôi trùn quế của anh Nguyễn Văn Hòa đã được gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh ghi nhận, kỳ vọng. Chị Nguyễn Thị Thu Nhi-Bí thư Huyện Đoàn Kbang, nói: Vừa qua, ý tưởng “Mô hình khép kín vừa phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường cùng Trùn Quế” của anh Hòa đã được Huyện Đoàn Kbang chọn tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” năm 2016 do Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức; và lọt vào tốp 5 ý tưởng xuất sắc nhất được chọn vào vòng chung khảo, dự kiến diễn ra cuối năm nay. Mô hình nuôi trùn quế của đoàn viên Nguyễn Văn Hòa xã Đak Hlơ hiện tại đang phát triển đạt rất nhiều kết quả. Trong đó thì quan tâm tới vấn đề xử lý môi trường và kết hợp với đó mang lại lợi nhuận kinh tế rất cao. Chúng tôi đang khuyến khích nếu mô hình này đạt kết quả thì cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và hỗ trợ của tổ chức Đoàn làm sao cho mô hình này được phát triển, giúp cho mô hình này có thêm được nguồn vốn để mở rộng quy mô nuôi trùn quế, xứng đáng là mô hình mang tính khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên-chị Nguyễn Thị Thu Nhi cho biết.

Anh Nguyễn Văn Hòa cho biết thêm: Bên cạnh mô hình nuôi trùn quế, hiện nay anh đang tận dụng những sản phẩm từ trùn để phát triển thêm vườn cây dược liệu gồm cây chùm ngây và chè đạm với diện tishc khoảng 3, 4 sào. Thời gian qua nhờ tích cực giới thiệu mà giống cây chùm ngây, chè đạm và những sản phẩm từ nó đã được rất nhiều khách hàng yêu thích và tìm mua.

Hà Duyệt

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.