Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nữ 71 tuổi, ở Nam Định. Người này thường xuyên bị đau bụng thượng vị, gần đây cơn đau tăng dần, thậm chí nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
Kết quả thăm khám cho thấy, bờ cong nhỏ hang vị của bệnh nhân L. có ổ loét kích thước 2cm, bờ gồ cao, thâm nhiễm cứng, đáy giả mạc.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư dạ dày, giai đoạn 1. Bệnh nhân được các chuyên gia hội chẩn và thực hiện phẫu thuật nội soi robot cắt gần toàn bộ dạ dày, nạo vét hạch.
Trường hợp tiếp theo là bệnh nhân nam 61 tuổi, tiền sử khoẻ mạnh, bệnh nhân đi khám do đau thượng vị 2 tháng nay. Kết quả nội soi cho thấy, bệnh nhân có ổ loét 2cm tại môn vị.
Kết quả giải phẫu bệnh là ung thư biểu mô tuyến. Kết quả CT ổ bụng không thấy dày thành dạ dày, không thấy hạch tăng kích thước quanh dạ dày. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn 2.
Các bác sĩ Bệnh viện K và chuyên gia người Mỹ cùng hội chẩn đưa ra phương án phẫu thuật nội soi bằng robot cho bệnh nhân.
Các chuyên gia phẫu thuật cho một bệnh nhân ung thư bằng robot ngày 5/1 tại Bệnh viện K. Ảnh: BVCC |
PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, đây là 2 trong 6 bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa được phẫu thuật nội soi robot tại Bệnh viện K trong 4 ngày (2-5/1), với sự tham gia của GS Rasa Zarnegar, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật robot Đại học Y khoa Weill Cornell New York (Mỹ).
Trước đây, Bệnh viện K đã có nhiều chương trình mổ nội soi bằng robot. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bệnh viện có sự kết hợp với chuyên gia Mỹ. Phẫu thuật robot điều trị ung thư đường tiêu hóa có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mổ mở hay nội soi thông thường.
Các kỹ thuật viên có thể quan sát rõ nét, cánh tay robot có độ linh hoạt cao giúp thực hiện thao tác chính xác. Phương pháp này cũng giúp lấy được tổ chức ung thư triệt để nhất, hạn chế tối đa biến chứng, tai biến trong mổ như cắt phải dây thần kinh, tổn thương mạch máu.
"Phẫu thuật robot cũng đảm bảo thẩm mỹ, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, giảm đau tối đa, giảm thời gian nằm viện. Bệnh nhân hồi phục rất nhanh sau mổ, có thể ngày thứ nhất, thứ 2 đã đi lại bình thường, ngày thứ 3 có thể xuất viện", PGS.TS Phạm Văn Bình nói.
Theo ông Bình, việc thực hiện ứng dụng các kỹ thuật mới hiện đại, đặc biệt là trong phẫu thuật đã mang lại bước tiến đáng kể cho người bệnh trong quá trình phục hồi, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là kỹ thuật cao có thể giữ chân được bệnh nhân ung thư ở lại trong nước thay vì phải ra nước ngoài điều trị.
GS Rasa Zarnega chia sẻ, phương pháp phẫu thuật nội soi robot đang được ứng dụng ở nhiều chuyên khoa như phẫu thuật lồng ngực, tuyến giáp, tiết niệu. Phương pháp phẫu thuật này đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế, thời gian nằm viện giảm đi rất nhiều. Tại Mỹ, có bệnh nhân mổ và ra viện trong ngày.
Phẫu thuật nội soi robot cho các trường hợp bị ung thư dạ dày giúp rút ngắn thời gian phục hồi. Ảnh: BVCC |
Ung thư đường tiêu hóa là một trong những bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất tại Việt Nam. Theo Thống kê của Tổ chức Ung thư Thế giới, tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận mới hơn 17.000 người ung thư dạ dày, 14.000 ca ung thư đại tràng. 3.200 ca ung thư thực quản. Ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ung thư tiêu hóa thường gặp hiện nay và con số mắc ung thư dạ dày hàng năm trên thế giới có xu hướng gia tăng.
Hiện phẫu thuật nội soi robot áp dụng ở một số quốc gia như Mỹ, Anh, Hàn Quốc... Robot da Vinci Xi là thế hệ robot tiên tiến nhất hiện nay và là hệ thống duy nhất ở Việt Nam được sử dụng tại Bệnh viện K.
Các phẫu thuật ung thư tiêu hóa, đặc biệt là ung thư đại trực tràng, sử dụng công nghệ này đã được thực hiện. Ngoài ra, các trường hợp bệnh lý đầu cổ, phụ khoa và tiết niệu cũng được ứng dụng phương pháp trên.