(GLO)- Những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch. Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, khó khăn cần khắc phục.
Những chuyển biến đáng ghi nhận
Tỉnh ta xác định khâu đột phá trong cải cách hành chính (CCHC) là cải cách đạo đức, công vụ và cải cách chuyên môn nghiệp vụ của công chức, viên chức, qua đó, hướng tới sự hài lòng của người dân. Vì vậy, công tác CCHC tập trung vào 6 lĩnh vực gồm: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên công tác CCHC đã đạt được những kết quả nhất định. Đến nay, toàn tỉnh đã ban hành 55 quyết định công bố công khai 1.067 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, gồm 458 thủ tục công bố mới, 223 thủ tục công bố sửa đổi và công bố bãi bỏ 359 thủ tục
Bộ phận một cửa của UBND TP. Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật |
Về kinh phí đầu tư, theo kế hoạch trung hạn, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 3 dự án đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác CCHC với tổng kinh phí 27 tỷ đồng. Trong đó, dự án xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh là 2 tỷ đồng; dự án xây dựng các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 trên cổng thông tin điện tử của tỉnh có mức đầu tư 15 tỷ đồng và dự án xây dựng hệ thống mạng diện rộng (WAN) có mức đầu tư 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cũng đã mua sắm nhiều trang-thiết bị phục vụ công tác CCHC nhằm đáp ứng yêu cầu của cá nhân và tổ chức.
Cùng với đó, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, giảm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp. Thông qua việc cấp mã số đối với các đơn vị có quan hệ với ngân sách qua dịch vụ công trực tuyến, Sở Tài chính đã rút ngắn thời gian cấp mã số xuống còn từ 1 đến 2 ngày làm việc sau khi nhận đủ thủ tục đăng ký, rút ngắn gần 50% thời gian giải quyết. Thông qua dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, chủ đầu tư không cần phải đến Sở Tài chính để nộp và nhận hồ sơ mà chỉ cần làm thủ tục qua mạng. Bên cạnh đó, các đơn vị như Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giao thông-Vận tải đã giảm thời gian giải quyết thủ tục đối với việc thẩm định các dự án, thẩm định thiết kế bản vẽ, thi công xuống 5 ngày so với quy định của Luật Xây dựng. Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã thực hiện việc cắt giảm thời gian giải quyết các TTHC từ 3 đến 10 ngày đối với các thủ tục liên quan đến các lĩnh vực như đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước. Hiệu quả từ việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ và các đơn vị đơn giản hóa 14 thủ tục hành chính trong thời gian qua giúp bình quân mỗi năm tiết kiệm chi phí trên 3 tỷ đồng.
Cùng với đó, công tác bố trí cán bộ thực hiện công tác CCHC ở các cơ quan, đơn vị cũng được chú trọng. Hiện nay, có 206/222 xã, phường, thị trấn bố trí đúng chức danh công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã theo 7 chức danh được Chính phủ quy định. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ đầu mối thực hiện việc kiểm soát TTHC cũng được củng cố, kiện toàn. Đến nay, ở ba cấp chính quyền có 343 người thực hiện nhiệm vụ này.
Những tồn tại hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác CCHC trên địa bình tỉnh vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Hiện nay, toàn tỉnh có 125/222 xã, phường, thị trấn bố trí chưa đảm bảo diện tích tối thiểu cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Riêng xã Chơ Long (huyện Kông Chro) chưa bố trí được diện tích xây dựng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả riêng mà từng bộ phận chuyên môn tiếp nhận và trả kết quả cho người dân theo lĩnh vực phụ trách. Tại xã Ia Ko (huyện Chư Sê), bộ phận một cửa làm việc tại phòng trực của dân quân. Cùng với đó, có 16 xã, phường, thị trấn chưa bố trí cán bộ đúng chức danh để làm việc tại bộ phận một cửa. Đặc biệt có một số xã bố trí 2 cán bộ cùng chức danh để làm việc tại bộ phận một cửa, trong khi đó thủ tục cần giải quyết ít nên gây lãng phí giờ làm việc.
Trên thực tế, việc giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức vẫn còn xảy ra tình trạng quá hạn, nhưng một số địa phương, đơn vị chưa chấp hành nghiêm việc xin lỗi công dân. Cùng với đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức chưa chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc. Mới đây, tại hội nghị giao ban các cơ quan Khối Đảng của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức. Đồng thời, các cơ quan như Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh cần kịp thời phát hiện và phản ánh những trường hợp cán bộ, công chức không chấp hành giờ giấc làm việc để xử lý nghiêm.
Thực hiện tốt công tác CCHC sẽ góp phần đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng lên. Chính vì thế, công tác này cần được các địa phương, đơn vị tập trung làm tốt hơn trong thời gian tới để thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển.
Vĩnh Hoàng