Chúng tôi luôn tin Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Nguyễn Đàn- một trong những cán bộ kiên trung của Đảng, một lòng đi theo cách mạng từ ngày đầu khởi nghĩa giành chính quyền (1945), hiện đang ở 140 Nguyễn Thái Học, TP. Pleiku rất vui khi chúng tôi đến thăm.
Ông cười bảo: Được kể lại cho lớp thanh niên bây giờ nghe về những tháng ngày tham gia hoạt động cách mạng vô cùng gian khổ mà ý nghĩa là niềm vui của thế hệ những cán bộ như ông. Ôn lại những năm tháng hào hùng ấy cũng là một cách để mỗi người nhận ra giá trị chân thực của cuộc sống, nhân lên niềm tin với Đảng, và cùng phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.
 
Ông Nguyễn Đàn tại nhà riêng. Ảnh: T.H
Ông Nguyễn Đàn tại nhà riêng. Ảnh: T.H
Tham gia hoạt động cách mạng từ 18-8-1945 ngay tại quê nhà (xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), theo sự điều động của cấp trên, tháng 10-1945, ông có mặt tại An Khê (Gia Lai), là Tiểu đội phó của Đại đội Nguyễn Huệ, đến tháng 6-1946, ông làm Tiểu đội trưởng trinh sát E67 chiến đấu ở Buôn Ma Thuột (Đak Lak). Tại chiến trường này, ông không may bị địch bắt và bị giam tại nhà tù Buôn Ma Thuột. Ông cho rằng, đây chính là bước ngoặt trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, bởi ông đã được bước chân vào một trường học đấu tranh, rèn luyện thử thách sức kiên gan, bền chí của người chiến sĩ cộng sản.
Địch giở mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhưng không lấy được một lời khai nào từ ông, cuối năm 1947 thì chuyển ông về Nhà lao Pleiku. Tại đây, ông cùng với anh em bị bắt tiếp tục đấu tranh chính trị, tổ chức thành lập chi bộ, gầy dựng, liên lạc với các cơ sở bên ngoài để tổ chức vượt ngục, một lần không thành thì hai. Và, lần vượt ngục thứ hai (tháng 7-1950) đã thành công, ông và 4 đồng chí nữa về tới Cửu An, An Khê an toàn, tiếp tục hoạt động cách mạng, riêng ông làm việc trong Ban Quân báo của Trung đoàn 120.

Sau Hiệp định Giơnevơ, ông được Đảng giao nhiệm vụ ở lại miền Nam hoạt động, là một trong những B trụ kiên trung, tiếp tục nắm bám và gầy dựng cơ sở, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 ông được cử làm Phó ban Định canh Định cư- Kinh tế mới của tỉnh, Ủy viên Đảng ủy Dân Chính. Từ 1983, ông làm Trưởng ban Định canh Định cư- Kinh tế mới của tỉnh, nghỉ hưu năm 1989.
Vẫn bằng giọng nói sang sảng, đậm chất Bình Định. Phần lớn trong câu chuyện với chúng tôi là những tâm sự mà ông dành cho Đảng, cho các cấp chính quyền sở tại. Ông cho rằng, muốn dân giàu, nước mạnh, trước hết, Đảng phải tạo được niềm tin trong nhân dân và nuôi dưỡng, phát triển niềm tin ấy.
Dịp 2-9 vừa rồi, trong buổi gặp gỡ các cán bộ lão thành cách mạng, nghe đại diện lãnh đạo tỉnh báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội trong những năm qua của tỉnh, ông rất mừng- mừng vì Gia Lai ngày càng phát triển; nhưng để giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững thì còn phải có sự góp sức của toàn dân.
Thời gian gần đây, nghe đài, đọc báo, ông được tiếp cận với báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Theo ông, đây là một báo cáo chính trị dày dặn, mang tính tổng quát cao. Những thành quả mà Đảng bộ tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ qua là rất đáng ghi nhận, cần được phát huy trong nhiệm kỳ tới. Ông kỳ vọng, trong giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo, Đảng bộ tỉnh thực sự vững mạnh trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, quyết tâm giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững…
Thu Huế

Có thể bạn quan tâm