(GLO)- Theo Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án thì tòa án chỉ thụ lý giải quyết các vụ án dân sự khi đương sự đã nộp tạm ứng án phí về những yêu cầu cần giải quyết, trừ trường hợp không phải nộp hoặc miễn nộp. Đây cũng thể hiện quyền lợi đi đôi với trách nhiệm của người có yêu cầu. Song, tòa cấp sơ thẩm đã quên mất điều này khi giải quyết một vụ tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất xảy ra trên địa bàn này.
Cuộc mua bán tay ba
Ông Võ Thanh Xuân và bà Võ Thị Nguyệt đều thường trú tại thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh (GIa Lai) và là anh em con nhà chú bác ruột. Do làm ăn gặp khó khăn nên ông Võ Thanh Xuân phải có nghĩa vụ thi hành một bản án dân sự. Để có tiền, ngày 10-8-2007, ông Xuân quyết định bán lô đất 423 m2 và căn nhà trên lô đất này có địa chỉ tại thôn Plei Đung, xã Ia Hrú, huyện Chư Sê (nay là huyện Chư Pưh) cho em là bà Võ Thị Nguyệt với giá 420 triệu đồng. Tuy nhiên, để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước, ông Xuân đã lập thành hợp đồng tặng cho toàn bộ số tài sản trên cho bà Nguyệt với điều kiện bà Nguyệt phải giao đủ lại cho ông Xuân 100 triệu đồng. Hợp đồng sau đó đã được UBND xã Ia Hrú chứng thực.
Ảnh minh họa |
Vì thực tế bà Nguyệt mới chỉ giao được 100 triệu đồng và còn nợ lại 320 triệu đồng không giao đúng hạn nên ngày 11-10-2007, ông Xuân đem toàn bộ số tài sản trên bán một lần nữa cho ông Lê Văn Hùng (thường trú tại thôn Plei Đung, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) với giá 425 triệu đồng. Ông Hùng đã giao cho ông Xuân 320 triệu đồng còn lại 105 triệu đồng sẽ giao đủ khi làm xong giấy tờ. Tuy nhiên, việc mua bán này chỉ viết giấy tay.
Khi phát hiện vợ chồng ông Lê Văn Hùng sử dụng nhà và đất nói trên, bà Nguyệt đã làm đơn gửi đến UBND xã Ia Hrú và sau đó là khởi kiện ra tòa.
Thu án phí sai và xét xử cả phần chưa thu án phí!
Bà Võ Thị Nguyệt khởi kiện vụ việc sang nhượng tay ba này ra Tòa án Nhân dân huyện Chư Pưh với hai yêu cầu: Đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) mà ông Võ Thanh Xuân đang giữ, đòi lại 423 m2 đất và toàn bộ tài sản trên đất.
Trên cơ sở đơn của bà Nguyệt, ngày 12-8-2011, Tòa án Nhân dân huyện Chư Pưh đã đưa vụ kiện ra xét xử và nhận định: Ông Võ Thanh Xuân và ông Lê Văn Hùng không có yêu cầu tòa án giải quyết việc mua bán nhà và đất giữa họ với nhau nên tòa không xem xét; bà Võ Thị Nguyệt cũng rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất với vợ chồng người anh trai là ông Võ Thanh Xuân nên tòa đình chỉ giải quyết. Lúc này, tòa chỉ xem xét giải quyết tranh chấp giữa bà Võ Thị Nguyệt và người nhận chuyển nhượng lần sau là vợ chồng ông Lê Văn Hùng.
Đồng thời, Hội đồng xét xử cho rằng mặc dù hợp đồng tặng tài sản giữa ông Võ Thanh Xuân và bà Võ Thị Nguyệt đã được chứng thực tại UBND xã Ia Hrú nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất có thẩm quyền nên chưa phát sinh hiệu lực. Từ đó, Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị Nguyệt. Điều đáng nói là trước khi đưa vụ kiện ra xét xử, Tòa án Nhân dân huyện Chư Pưh đã mời Hội đồng thẩm định và định giá toàn bộ tài sản là nhà và đất đang tranh chấp là trên 1,1 tỷ đồng nhưng chỉ yêu cầu bà Võ Thị Nguyệt tạm ứng án phí chỉ có… 200 ngàn đồng.
Ngày 19-12-2011, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại. Theo đó, việc đòi bìa đỏ đang đứng tên ông Võ Thanh Xuân đối với ông Xuân là không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Nếu đã “lỡ” thụ lý thì đình chỉ giải quyết. Thế nhưng Tòa cấp sơ thẩm lại thu án phí với yêu cầu này là 200 ngàn đồng. Đối với yêu cầu đòi 423 m2 đất và tài sản trên đất có giá trị trên 1,1 tỷ đồng (yêu cầu có mức án phí giá ngạch) Tòa cấp sơ thẩm lại không thu tạm ứng án phí như quy định tại Khoản 3, Điều 171, Bộ luật Tố tụng Dân sự: “Tòa án thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí” (đối với trường hợp này bà Nguyệt phải nộp tạm ứng án phí trước khi xét xử là hơn 23 triệu đồng).
Như vậy, cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng.
Lê Văn Nhung