Chủ tịch xã xắn tay xuống ruộng vì... lương thấp!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một vị chủ tịch xã cho rằng, với mức lương khoảng 8 triệu đồng/ tháng, ông phải dè dặt lắm mới cân đối được chi tiêu. Trong khi một trưởng trạm y tế thì cho hay, với mức lương hiện tại bà phải tăng gia sản xuất, giảm thiểu chi phí sinh hoạt để trang trải cuộc sống, lo cho 2 con.
LTS: Hướng tới đề án chính sách cải cách tiền lương từ năm 2021, nhóm PV Infonet đã gặp nhiều đối tượng công chức, viên chức ở các địa bàn khác nhau để tìm hiểu về thực trạng mức lương mà họ đang nhận có đáp ứng cơ bản các nhu cầu cuộc sống hay không.

Mời quý bạn đọc theo dõi loạt bài về thực trạng lương công chức, viên chức hiện nay!

 

Một vị chủ tịch xã cho rằng, mình nhận lương chưa xứng đáng với tính chất công việc. (Ảnh minh họa)

Chủ tịch xã xắn quần xuống ruộng
Theo chia sẻ của ông N.V.Đ, một chủ tịch xã đang công tác trên địa bàn huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, hiện giờ mức lương của ông khoảng 8 triệu/tháng. Với mức lương này, ông Đ. cho rằng “sống một mình thì ổn” nhưng nếu để lo cho gia đình, vợ con thì chưa đâu vào đâu.
Theo ông Đ., với chức vị chủ tịch xã, ông có rất nhiều mối quan hệ xã hội. Do đó, ông phải tốn khá nhiều tiền cho các đám tiệc, cưới hỏi, tân gia… “Ngoài bà con, xóm giềng, tôi còn rất nhiều mối quan hệ khác ngoài xã hội nên được mời đám tiệc, cưới hỏi thường xuyên. Nói thật, với mức lương hiện tại 8 triệu đồng/tháng thì tôi chỉ đủ để lo cho bản thân. Cũng may tôi ở vùng sâu, còn nếu như ở thành thị thì mức lương này vẫn khiến cuộc sống thiếu trước hụt sau”, ông Đ. kể.
Vị chủ tịch xã cho rằng, mức lương quyết định khá lớn đến chất lượng công việc. Bởi lẽ, nếu sống được bằng tiền lương, cán bộ, viên chức sẽ chú tâm hơn trong công việc, không phải bận tâm vì cơm áo gạo tiền và tất nhiên, hiệu quả công việc cũng cao hơn.
Ông Đ. thẳng thắn nói: “Lương ít hay nhiều, cán bộ, viên chức cũng phải hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu đồng lương ít, chưa đủ trang trải, chưa đủ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của gia đình, cán bộ, viên chức sẽ phải làm thêm việc khác, nghĩ về việc khác ở ngoài để kiếm tiền, lo cho gia đình. Như vậy, nhiệm vụ ở trường hợp này chỉ hoàn thành ở mức tương đối. Nói thẳng ra là hoàn thành để đối phó, để báo cáo. Ngược lại, khi mức lương đủ cho cán bộ, viên chức trang trải cuộc sống, họ sẽ toàn tâm toàn ý hơn trong công việc chính, sẽ có thời gian để cống hiến hơn và sẽ đạt hiệu quả cao hơn”.
Nói về mình, ông Đ. cho hay, bản thân ông là chủ tịch xã nhưng khi rảnh rỗi, ngoài giờ hành chính cũng phải xắn quần xuống ruộng để trồng lúa và tăng gia sản xuất, tự túc một phần lương thực, giảm thiểu chi phí trong sinh hoạt. “Tôi may mắn là vợ cũng có việc làm ổn định. Gia đình cũng có ít ruộng vườn để canh tác nên có gạo, có rau…giảm thiểu một phần chi phí trong sinh hoạt”.
Khi chia sẻ về mức lương mong muốn, ông Đ. cho hay, nếu ở chức vụ của ông, mức lương mong muốn là 14 triệu đồng/tháng. “Tôi nghĩ, nếu được trả ở mức lương ấy là đủ để trang trải mọi thứ. Ở vị trí của tôi, tính chất, yêu cầu của công việc khác. Do đó, tôi nhận thấy mức lương 14 triệu đồng/tháng là phù hợp với nhu cầu của mình”.
Trưởng trạm y tế còn lo tăng gia sản xuất
 
Một cán bộ là trưởng trạm Y tế tại Đắk Lắk vẫn phải tăng gia sản xuất để lo cho gia đình
Cũng liên quan về lương, bà N.T.T-Trưởng trạm y tế một xã vùng sâu tại huyện Krông Bông (Đắk Lắk) cho hay, hiện nay bà được hưởng tất tần tật các khoản lương và phụ cấp khoảng 9 triệu đồng/tháng.
Bà T. cho rằng, với mức lương này chỉ đủ cho bà trang trải cuộc sống chứ không có để dành dụm. “Chồng tôi làm nông, 2 đứa con còn đang tuổi ăn học. Làm nông thì mùa được, mùa mất, mọi chi phí trong gia đình phần lớn phụ thuộc vào đồng lương của tôi nên nhận lương xong là lại hết. Nhiều khi kẹt tiền, tôi vẫn phải vay mượn để trang trải học phí cho các con, lo việc gia đình”, bà T. chia sẻ.
Bà T. chia sẻ, ngoài công việc được giao, những lúc rảnh rỗi, bà phải tham gia sản xuất cùng chồng, trồng thêm đám rau, cấy thêm ruộng lúa để giảm thiểu chi phí sinh hoạt. Về các nhu cầu giải trí như đi du lịch vào dịp lễ, đi xem phim ở rạp… bà T. cho rằng, đó là điều bà chưa bà giờ được hưởng.
Bà T. kể: “Quê tôi ở miền Trung. Mỗi lần vợ chồng, con cái muốn về thăm quê thì phải chuẩn bị khoảng 3 năm để chuẩn bị tiền mua quà, tiền xe…Tiền lương chỉ đủ để trang trải những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống chứ không thể phục vụ nhu cầu tinh thần, giải trí”.
Chia sẻ về mức lương mong muốn, bà T. cho rằng, ở vị trí của bà thì lương khoảng 15 triệu đồng/tháng là đủ cho nhu cầu vật chất lẫn tinh thần. Với mức lương đó, bà T. cũng sẽ có một khoản để dành và bớt suy nghĩ về cơm áo gạo tiền, có nhiều thời gian cống hiến hơn cho công việc.
“Ai cũng có gia đình, phải lo cho con cái. Nếu cuộc sống thiếu thốn, tất nhiên tôi cũng như mọi người, phải nghĩ ra việc khác, phải làm thêm việc khác và không thể tập trung hoàn toàn cho chuyên môn. Theo tôi, đồng lương có quyết định rất lớn đến chất lượng chuyên môn. Khi lương đáp ứng cơ bản cho nhu cầu cuộc sống của cán bộ, viên chức, tất nhiên mọi người sẽ toàn tâm toàn ý để làm việc hơn”, bà T. trải lòng.
Trần Nhân (Infonet)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.