(GLO)- Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực và trên biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam từ ngày 1-5-2014 đến ngày 16-7-2014, do vậy nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là an ninh trên biển càng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân Việt Nam. Quan điểm xuyên suốt của Đảng là giải quyết mọi vấn đề phải luôn tỉnh táo, bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó biện pháp tuyên truyền được coi là quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân với chủ quyền biển đảo Việt Nam và duy trì hòa bình, ổn định và phát triển cho đất nước và cả khu vực.
Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tại các văn bản như Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 07 và Quy chế phối hợp ban hành kèm theo Quyết định số 168 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông”, thời gian qua, cùng với các cơ quan ngôn luận trên cả nước công tác thông tin, tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo trên Báo Gia Lai cũng đã được thực hiện có hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Những con tàu của ngư dân Lý Sơn đang chuẩn bị ra khơi. Ảnh: T.D |
Mặc dù là tờ báo thuộc một tỉnh nằm trong khu vực Tây Nguyên, xong Ban Biên tập Báo Gia Lai xác định công tác thông tin tuyên truyền về biển, đảo là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng nhằm thực hiện tốt công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình hiện nay.
Báo Gia Lai hiện có các ấn phẩm Gia Lai hàng ngày phát hành từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần; Gia Lai cuối tuần phát hành vào thứ bảy hàng tuần; Báo Ảnh Gia Lai với 3 ngôn ngữ Kinh-Jrai-Bahnar phát hành thứ hai hàng tuần và Báo Gia Lai điện tử với 30 đến 40 ngàn lượt truy cập mỗi ngày. Với “cánh tay nối dài” được xem là khá mạnh này, trong những năm qua Ban Biên tập Báo Gia Lai đã bám sát chủ trương đường lối của Đảng chủ động xây dựng chuyên mục và phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động thông tin tuyên truyền về biển đảo Việt Nam.
Bên cạnh việc giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thông tin tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam, thì phần lớn dung lượng của chuyên mục này đã đăng tải những tin, bài, ảnh… phản ánh các mặt cuộc sống của nhân dân và ngư dân vùng biển, của Quân chủng Hải quân, giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển…Trong đó Báo cũng chú trọng tuyên truyền về mảng “hậu phương của người lính biển”-hậu phương ở đây không phải bó hẹp là gia đình, là vợ con của những người lính hải quân đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa, DK1 mà hiểu rộng hơn là các tầng lớp nhân dân, những người ở đất liền, những hoạt động ở đất liền… để những người lính biển kiên định tư tưởng, vững vàng tay súng, bảo vệ chủ quyền, biển, đảo của Tổ quốc.
Có thể nói, nếu báo chí là “cầu nối” đúng đắn, chính xác nhất để rút gần khoảng cách giữa biển, đảo xa với đất liền; thì những chuyên mục về “Biển đảo Việt Nam” của Báo Gia Lai là sợi dây gắn kết giữa biển, đảo và đất liền. Nhờ có những thông tin kịp thời về bộ đội Trường Sa, nhà giàn DK1 mà mọi tầng lớp nhân dân ở Gia Lai và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã đóng góp kinh phí “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1”, “Góp đá xây Trường Sa” để cùng kê cao thêm nền Tổ quốc giữa đại dương bao la. Nhưng vượt lên trên tất cả giá trị vật chất ấy, không chỉ là sự thấu hiểu về những Trường Sa-mảnh đất thiêng liêng nơi tiền tiêu Tổ quốc; thấu hiểu về những người lính Trường Sa và nhà giàn DK1- những người đang ngày đêm thầm lặng hy sinh, hiến dâng sức trẻ của mình để bảo vệ từng tấc đất, từng sải biển thiêng liêng; mà còn thắp sáng và hâm nóng tình yêu biển đảo trong Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân của tỉnh Gia Lai.
Đặc biệt, thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, thể hiện tham vọng tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và đưa ra những yêu sách phi lý mưu đồ độc chiếm biển Đông, thì trên tất cả các ấn phẩm của Báo Gia Lai liên tục có những bài viết thể hiện rõ quan điểm của Đảng góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bên cạnh những bài viết “sâu” phản biện mưu đồ của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, các chuyên mục cũng không ngừng phản ánh đời sống, sinh hoạt, khai thác hải sản và ý thức bảo vệ chủ quyền của quân dân Trường Sa…
Ngoài ra, chuyên mục “Biển đảo Việt Nam” trên báo Gia Lai điện tử không chỉ là “đường dẫn” chủ yếu để chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển, bảo vệ biển, đảo; mà còn là cầu nối phản ánh sinh động đời sống huấn luyện chiến đấu, sinh hoạt, học tập; chấp nhận gian khổ, thầm lặng hy sinh của cán bộ chiến sĩ Trường Sa, nhà giàn DK1 trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Đây cũng là nguồn thông tin đối ngoại để bạn bè quốc tế, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài hiểu đúng và ủng hộ các chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn và chính nghĩa của Việt Nam. Đồng thời, ngăn chặn các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, gây chia rẽ quan hệ truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Để có được những thông tin chân thật và phong phú về biển đảo Việt Nam, ngoài lượng thông tin từ nguồn cộng tác viên Ban Biên tập đã tạo mọi điều kiện để phóng viên của Báo trực tiếp đến các địa bàn liên quan để tác nghiệp. Bên cạnh đó, từ năm 2008, Quân chủng Hải quân tổ chức chương trình cho các đoàn đại biểu ra thăm nhân dân và bộ đội trên các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa và cán bộ chiến sĩ ở các nhà giàn DK1 đóng quân trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ban Biên tập cũng tích cực phối hợp, liên hệ với Quân chủng Hải quân để phóng viên của Báo được tham gia các đoàn tiếp cận thông tin, phản ánh sinh động trên mặt báo.
Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam trên các ấn phẩm của mình, trong những dịp kỷ niệm Ngày thành lập báo chí Việt Nam các năm 2012, 2013 Báo Gia Lai cũng đã tổ chức các đợt triển lãm ảnh Báo chí-Nghệ thuật chủ đề “Biên giới-hải đảo” để tuyên truyền về giá trị lịch sử, kinh tế, chính trị của biển, đảo; vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam.
Trong dịp 21-6-2014, Báo Gia Lai tiếp tục tổ chức triển lãm ảnh chủ đề “Chủ quyền biển, đảo Việt Nam” thể hiện quan điểm mục tiêu của Đảng và các chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền, khai thác tiềm năng biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những đợt triển lãm này đã thu hút sự quan tâm của các cấp ngành địa phương và đông đảo nhân dân trong tỉnh, qua đó tăng cường thông tin để nhân dân tỉnh Gia Lai hiểu rõ thực chất về tình hình biển Đông và lập trường chính nghĩa, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong thời gian tới Báo Gia Lai cũng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo. Đổi mới, cải tiến và hoàn thiện cả về nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm hướng đến nhiều đối tượng hơn nữa để công tác tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn.
Bích Hà