Trở lại Lý Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đảo tiền tiêu Lý Sơn-”vương quốc tỏi”, quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã có những đổi thay khiến tôi ngỡ ngàng trong ngày trở lại.

Một góc đảo Lý Sơn về đêm. Ảnh: N.T
Một góc đảo Lý Sơn về đêm. Ảnh: N.T

Theo đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân do Đại tá Nguyễn Đức Nam-Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân (Đà Nẵng) làm trưởng đoàn đến thăm và kiểm tra công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị bộ đội đóng quân trên đảo, tôi trở lại Lý Sơn vào một ngày đầu năm 2017. Thời điểm này ở miền Trung đang là mùa mưa bão, biển động. Chuyến hải trình đến với Lý Sơn gặp nhiều khó khăn. Con tàu Kiểm Ngư số 363 vỏ thép mới xuất xưởng có trọng tải 750 tấn chở đoàn công tác lắc lư theo từng đợt sóng. Có những lúc tàu như nghiêng hẳn về một bên vì sóng xô. Các thành viên đoàn công tác đi trên tàu say sóng đứ đừ, người mềm như cọng bún.

Tàu đến gần đảo Lý Sơn vào lúc sáng sớm nhưng không thể cập cầu cảng, tàu ngư dân không ra đón được vì sóng to. Trong lúc chờ lên đảo, chúng tôi leo lên boong tàu ngắm bình minh ngày mới trên biển và ngắm đảo tiền tiêu. Từ xa, đảo lớn và đảo bé (huyện đảo Lý Sơn) như hai khu rừng nổi giữa biển khơi. Một màu xanh của cây cối bao trùm lên huyện đảo. Xen lẫn giữa rừng cây là mái ngói đỏ tươi, có nhiều tòa nhà xây dựng khá đồ sộ.

Một cảm giác bồi hồi của ngày trở lại. Tôi và nhiều thành viên đoàn từng đến Lý Sơn đều đếm thời gian, mong biển lặng hơn để nhanh chóng được lên đảo. Trong lúc chờ đợi, tôi được một đồng nghiệp là “thổ địa” giới thiệu thêm về đảo tiền tiêu. Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý (khoảng 25 km). Đi tàu cao tốc từ Lý Sơn đến cảng Sa Kỳ (TP. Quảng Ngãi) mất khoảng 1 giờ. Tên gọi trước đây của Lý Sơn là cù lao Ré, bởi theo cách lý giải của dân đảo thì cù lao này có nhiều cây ré. Huyện đảo Lý Sơn có một vị trí đặc biệt về quốc phòng-an ninh, là một tiền đồn giữ vị trí yết hầu trong vùng biển Duyên hải miền Trung. Huyện đảo Lý Sơn có 3 xã là An Vĩnh, An Hải và An Bình (đảo bé) với dân số trên 22.000 người. Nơi đây không chỉ nổi danh bởi cây tỏi với sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm mà còn được biết đến là ngư trường rộng lớn. Bao đời nay, ngư dân Lý Sơn bám biển, đánh bắt nguồn hải sản dồi dào tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nơi trùng khơi.

 

Du khách chụp ảnh tại cổng Tò Vò. Ảnh: N.T
Du khách chụp ảnh tại cổng Tò Vò. Ảnh: N.T

Trở lại Lý Sơn lần này, điều đầu tiên tôi nhận thấy là sự thay đổi lớn về kết cấu hạ tầng tại đây. Cuối năm 2014, một hệ thống cáp ngầm đã dẫn điện ra với Lý Sơn với tổng kinh phí đầu tư hơn 687 tỷ đồng. Nhiều nhà nghỉ, khách sạn mới được xây dựng khang trang. Trong đó, đồ sộ nhất là Khách sạn Mường Thanh cao 7 tầng với 92 phòng có chất lượng 4 sao án ngữ một vị trí đắc địa tại trung tâm huyện. Tôi nhớ như in lần đầu đến Lý Sơn khi chi đoàn Báo Gia Lai thăm, tặng quà học sinh nghèo tại đây. Dù đã được đồng nghiệp Báo Quảng Ngãi tận tình giúp đỡ nhưng chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc ăn ở và đi lại. Nơi chúng tôi ở là một khách sạn mới xây dựng nhưng hỏi gì cũng không có, đành phải nhờ mua tạm cho ít gói mì tôm, nấu giùm ít nước sôi, rồi ngồi xì xụp pha mì tôm với hành và tỏi Lý Sơn. Bây giờ rất dễ để thưởng thức đặc sản biển ngay sát cầu cảng, nơi có rất nhiều quán ăn phục vụ cả buổi tối. Cũng phải thôi, ở một nơi mà hàng năm đón tiếp hàng ngàn lượt khách du lịch, không đầu tư làm sao có thể phát triển kinh tế-xã hội.
 

Báo cáo của UBND huyện Lý Sơn cho biết, trong năm 2016, huyện đảo đón tiếp 164 ngàn lượt khách du lịch, tăng 69 ngàn lượt so với năm 2015, trong đó khách du lịch người nước ngoài là 933 lượt. Bình quân thu nhập đầu người là 22,3 triệu đồng/năm. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện là hơn 1 ngàn tỷ đồng.

Những cảnh đẹp của Lý Sơn như chùa Hang-nơi thờ Phật và các vị tiền hiền họ Trần có công khai phá vùng đất này từ thế kỷ XVI; giếng Vua ở sát bờ biển vẫn luôn ắp ắp nước, cung cấp đủ nước cho người dân huyện đảo vượt qua cơn khát trong mấy tháng mùa khô không có mưa; cổng Tò Vò đẹp đến nao lòng… vẫn “hút” khách đến tham quan. Tuy nhiên, có một điều mà không ít khách du lịch than phiền là rác thải. Bờ biển và các thắng cảnh đang bị rác thải xâm hại. Theo bà Phạm Thị Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thì đó là điều trăn trở của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, chính quyền và nhân dân Lý Sơn trong việc làm sao phát triển du lịch nhưng vẫn bảo vệ được cảnh quan môi trường. Các cấp chính quyền đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thu gom rác thải và bảo vệ môi trường trên đảo.

Một thay đổi ở Lý Sơn nữa là hệ thống đường giao thông được đầu tư nâng cấp, thuận tiện hơn cho việc đi lại. Khách du lịch khi đến đây cứ theo những con đường phẳng phiu chạy giữa những cánh đồng tỏi ngút ngàn mà tận hưởng không khí trong lành có vị mặn của biển, vị thơm nhẹ của cây tỏi… Với tôi, trở lại Lý Sơn lần này còn là để được sống lại với quá khứ hào hùng của cha ông một thời mở cõi. Tôi tìm về Nhà trưng bày hiện vật đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Di tích lịch sử cấp quốc gia Âm Linh tự và mộ gió lính đội Hoàng Sa (xã An Vĩnh) để được lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử hào hùng, bi tráng của quê hương, về những người lính Hoàng Sa bỏ mình trên biển để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ hơn 300 năm trước. Những ngôi mộ gió của họ vẫn còn ở phía trước di tích. Đa phần lính Hoàng Sa thuộc các tộc họ ở Lý Sơn. Ngày nay, cứ đến tháng 2 Âm lịch, người dân Lý Sơn lại tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Sau đó, những người dân Lý Sơn lại lên tàu ra biển đánh bắt hải sản tiếp nối truyền thống cha ông bảo vệ chủ quyền.

Tôi rời Lý Sơn với hình ảnh du khách và dân đảo xếp hàng dài nơi cầu cảng chờ lên tàu du lịch vào đất liền. Biết là còn duyên nợ với mảnh đất này…

Nguyễn Tú

Có thể bạn quan tâm

Không khí đón Tết ở Trường Sa

Không khí đón Tết ở Trường Sa

(GLO)- Khi mọi người, mọi nhà đang hân hoan chờ đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, ở nơi đảo xa-biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, không khí Xuân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cũng rộn ràng...
Câu cá đêm ở Trường Sa

Câu cá đêm ở Trường Sa

(GLO)- Trong chuyến hải trình dài ngày ra thăm, chúc Tết quân và dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, câu cá đêm ở Trường Sa là một trong những thú vui giúp các thành viên đoàn công tác vơi đi nỗi nhớ nhà, sự mệt mỏi sau những ngày đánh vật với sóng gió mùa biển động và cũng là để cải thiện bữa ăn cho các thành viên trên tàu…
Thăm, chúc Tết quân dân đảo Phan Vinh

Thăm, chúc Tết quân dân đảo Phan Vinh

(GLO)- Nằm trong chuyến công tác thực hiện nhiệm vụ thay thu quân, thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 18-1, đoàn công tác số 2 đi trên tàu Bệnh Viện 561 đã đến thăm và làm việc tại đảo Phan Vinh.
Âu tàu đảo Sinh Tồn: Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển

Âu tàu đảo Sinh Tồn: Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển

(GLO)- Âu tàu đảo Sinh Tồn (xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) là địa chỉ tin cậy của ngư dân vào tránh trú an toàn khi gặp thời tiết mưa bão hay bị sự cố trên biển. Đây thật sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân khi vươn khơi bám biển và cũng để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Gieo chữ nơi đầu sóng, ngọn gió

Gieo chữ nơi đầu sóng, ngọn gió

(GLO)- Dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng hai thầy giáo trẻ đang công tác ở đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa không giấu được niềm hạnh phúc và tự hào khi được gieo chữ, chăm sóc cho các em học sinh nơi đầu sóng, ngọn gió, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc
Ấn tượng với các vườn rau trên các đảo chìm

Ấn tượng với các vườn rau trên các đảo chìm

(GLO)- Những ngày đi qua các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, điều chúng tôi ấn tượng nhất chính là các vườn rau xanh. Các loại như rau cải, mồng tơi, rau muống, mướp… luôn tốt tươi dù điều kiện thời tiết, khí hậu trên các đảo này quanh năm rất khắc nghiệt.
Tết ở Trường Sa

Tết ở Trường Sa

Trong những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, tháp tùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân, P.V Báo Gia Lai đã được cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đón Xuân mới trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Trao Huy hiệu "Chiến sỹ Trường Sa" cho 103 phóng viên, nhà báo

Trao Huy hiệu "Chiến sỹ Trường Sa" cho 103 phóng viên, nhà báo

Ngày 23-1, tại TP. Cam Ranh, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã trao Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa“ cho 117 cá nhân là các phóng viên, nhà báo; thành viên Câu lạc bộ vì biển đảo quê hương đã hoàn thành chuyến thăm, tặng quà và chúc Tết tại các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khành Hòa).
"Bắt mạch trời" giữa trùng khơi

"Bắt mạch trời" giữa trùng khơi

(GLO)- Giữa trùng khơi, cán bộ và chiến sĩ Trạm Khí tượng Hải văn Trường Sa vẫn lặng lẽ cống hiến để có những cảnh báo về thời tiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân đất liền.
Đội đặc nhiệm đảo An Bang

Đội đặc nhiệm đảo An Bang

(GLO)- Ở đảo An Bang có một đội đặc nhiệm rất độc đáo. Đội có nhiệm vụ “chuyên trị“ hỗ trợ đưa xuồng vào đảo để cán bộ, nhân dân đến thăm và làm việc với cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo. “Lý do có đội đặc nhiệm này trước tiên là vì vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đảo An Bang“-Đại tá, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Hải quân Vùng 4 Phan Ngọc Quang, tiết lộ. Theo Phó Chính ủy, An Bang có vị trí chiến lược tạo lá chắn vòng ngoài ngăn chặn hoạt động chống phá, tiến công của kẻ thù từ hướng biển, khống chế các loại máy bay quân sự, tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, lãnh hải quốc gia.
Thăm, chúc Tết các đảo tiền tiêu

Thăm, chúc Tết các đảo tiền tiêu

(GLO)- Sáng 18-1, tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải Quân tổ chức khởi hành đoàn công tác thăm, chúc và tặng quà Tết cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đang công tác, sinh sống tại hai huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tham dự buổi lễ có lãnh đạo UBND tỉnh Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân và đông đảo nhân dân tỉnh Đà Nẵng.
Lễ chào cờ ở Trường Sa

Lễ chào cờ ở Trường Sa

(GLO)- Chào cờ vào thứ hai đầu tuần không phải là điều xa lạ với các học sinh, cán bộ, công chức, viên chức. Tuy vậy, đôi lần tham dự và chứng kiến lễ chào cờ trên đảo Trường Sa, chúng tôi lại cảm nhận bao điều mới mẻ, đem lại không ít bài học cả về sự nghiêm túc cần thiết của mỗi người khi tham dự và lớn lao hơn là ý thức trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, nhân dân một cách rất tự nhiên, chân thành.