(GLO)- Ở những làng vùng sâu, vùng xa của huyện Chư Pah hiện vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, trong đó hủ tục tảo hôn. Những năm qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này.
Tồn tại dai dẳng
Lấy chồng tháng 3-2014 khi vừa tròn 13 tuổi, Rơ Châm Nuch (làng Prép, xã Ia Phí) sinh con ngay. Làm mẹ khi còn quá nhỏ, Nuch chưa biết tự lo cho bản thân và chăm sóc chồng, con. Cuộc sống của gia đình Nuch tất cả đều dựa vào bố mẹ.
Con của Nuch đến nay đã hơn 2 tuổi mà vẫn chưa làm được giấy khai sinh. Khi chúng tôi đến, trong bộ đồ xộc xệch nhuốm màu đất đỏ, Nuch ôm con vào lòng, nói trong nước mắt: “Thấy các bạn đi học, mình cũng thấy nhớ, cũng muốn được đi học lắm. Nếu biết như thế này thì không lấy chồng đâu. Chồng mình hay say rượu, lúc tức giận nó cũng hay đánh đập mình”.
Tuyên truyền về nạn tảo hôn cho người dân (ảnh minh họa). |
Rơ Châm Nuch chỉ là một trong hàng trăm trường hợp tảo hôn trên địa bàn xã Ia Phí tính từ năm 2013 đến nay. Đây là địa phương có tình trạng tảo hôn cao nhất huyện Chư Pah nhiều năm nay. Kết hôn khi chưa đến tuổi trưởng thành, chưa tự lập về kinh tế, lại thiếu hiểu biết và kinh nghiệm sống… nên phần lớn các trường hợp tảo hôn đã sớm rơi vào bi kịch như vợ chồng bỏ nhau, nhiều đứa trẻ sinh ra thiệt thòi đủ bề.
Rung (làng Cụm, xã Đak Tơ Ve) cũng lấy chồng từ năm 15 tuổi. Ở tuổi 17, em đã 2 lần sinh nở. Đứa đầu mất từ lúc mới sinh do thiếu tháng, còn đứa thứ hai được 3 tháng thì còi cọc, ốm yếu. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn do gia đình chỉ có mình chồng Rung là lao động chính.
Khi chúng tôi đến nhà cũng là lúc Rung vừa ngồi dậy húp được miếng cháo, hỏi ra mới biết em thường xuyên đau ốm. Uể oải uống hết liều thuốc, Rung kể về chuyện lấy chồng sớm: “Mình đi học đến lớp 2 thôi, lấy chồng sớm quá mới có 15 tuổi, không biết làm cái gì hết. Còn chồng thì đi làm thuê cho người ta lấy tiền mua gạo, bữa nào làm được thì có gạo ăn, bữa nào không ai thuê thì cả nhà ăn củ mì”-Rung nói.
Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn xã Đak Tơ Ve có trên 60 trường hợp tảo hôn. Những trường hợp tảo hôn hầu như không được đi học, hoặc chỉ học lớp 1, lớp 2. Có trường hợp bị gia đình ngăn cản thì các em lại tự tìm đến cái chết.
Như em Djam làng Hde, xã Đak Tơ Ve) là một ví dụ. Djam bỏ học từ năm lớp 2 do nhà nghèo. Mới 15 tuổi, trong một lần đi chơi với đám bạn trong làng, Djam đã gặp Siu Huyền-người xã bên, cũng 15 tuổi. Thấy ưng cái bụng Djam đòi lấy vợ, bị cha mẹ ngăn cản, Djam đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. May mắn em được gia đình phát hiện cấp cứu kịp thời nên mới giữ được tính mạng.
Tập trung ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn
Từ đầu năm 2013 đến tháng 6-2017, huyện Chư Pah có gần 400 trường hợp tảo hôn cả nam và nữ, trong đó chủ yếu là nữ. Tình trạng tảo hôn đang có chiều hướng gia tăng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để hạn chế tình trạng này, mới đây Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình huyện Chư Pah đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Phòng Tư pháp huyện thành lập Câu lạc bộ “Gia đình hội viên phụ nữ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại làng Yăng 2 (xã Ia Phí); đồng thời phối hợp với các trường THCS trên địa bàn huyện để tuyên truyền những kiến thức về tâm lý lứa tuổi, sức khỏe sinh sản vị thành niên, vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho khoảng 4 ngàn học sinh trên địa bàn huyện, qua đó nâng cao nhận thức, giúp các em học sinh đang ở tuổi dậy thì chăm lo học hành, hạn chế tình trạng tảo hôn.
Trao đổi với P.V, ông Luyện Văn Toàn-Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình huyện Chư Pah nói: “Tảo hôn trên địa bàn huyện vẫn xảy ra phức tạp, nhất là ở các xã: Ia Phí, Đak Tơ Ve, Ia Kreng và thị trấn Ia Ly. Để giảm thiểu tình trạng này, theo tôi cần tăng cường công tác tuyên truyền vận động đối với lứa tuổi vị thành niên về những hệ lụy của nạn tảo hôn. Chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa vai trò của chính quyền địa phương; đặc biệt, UBND các xã, thị trấn cũng như bộ phận tư pháp, trưởng thôn, già làng cần phát hiện sớm những trường hợp tảo hôn để tuyên truyền, giải thích, ngăn chặn ngay từ đầu. Ngoài ra, phải có những biện pháp xử lý nghiêm minh để họ chấp hành pháp luật nghiêm túc hơn”.
Tường Vy