"Khi triển khai tiêm vắc-xin phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ, cũng phải bình tĩnh xử lý".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra yêu cầu trên với Bộ Y tế tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 ngày 5-3. Sau đợt tập huấn ngày 6-3, dự kiến ngày 8-3 sẽ bắt đầu tiêm những mũi vắc-xin đầu tiên tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19, các vùng có dịch, các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Sau đợt đầu tiên tại tỉnh Hải Dương, TP Hà Nội và TP HCM, đến ngày 19-3, dự kiến sẽ tiêm vắc-xin ở tỉnh Gia Lai. Các đối tượng được tiêm thuộc nhóm ưu tiên như: nhân viên y tế, cán bộ, nhân viên tuyến đầu chống dịch ở nơi có dịch và các yếu tố dịch tễ nguy cơ có ca bệnh.
Việt Nam dự kiến nhận 150 triệu liều vắc-xin trong năm nay và đầu năm sau, chia thành 7 đợt, được cung ứng từ AstraZeneca, COVAX và sản xuất trong nước. Trong nước, Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc-xin Covivac, là vắc-xin Covid-19 thứ hai của Việt Nam được thử nghiệm lâm sàng trên người. Dự kiến tiêm mũi thử đầu tiên vào giữa tháng 3. Vắc-xin Covid-19 đầu tiên của Việt Nam là Nanocovax do Công ty CP Sinh học dược Nanogen sản xuất, hiện đã bước sang thử nghiệm giai đoạn 2. Một đơn vị khác cũng đang nghiên cứu vắc-xin Covid-19 là Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), chuẩn bị nộp hồ sơ thử nghiệm lâm sàng.
Nếu nghiên cứu, phát triển thành công vắc-xin Covid-19, Việt Nam sẽ chủ động được nguồn vắc-xin cho 100 triệu dân. Do vắc-xin Covid-19 chỉ sinh ra kháng thể trong thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hằng năm phải tiêm nhắc lại chứ không phải một đợt hay một năm là xong. Vì vậy, chủ động nguồn vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài trong phòng chống dịch. Điều đáng mừng là trong các đợt tiêm thử nghiệm vắc-xin trong nước đều có đông đảo tình nguyện viên tham gia với mong muốn sớm đưa vắc-xin vào phục vụ cộng đồng. Khi sản xuất thành công vắc-xin, Việt Nam lại ghi dấu ấn của đội ngũ nghiên cứu khoa học và làm công tác y tế dự phòng bên cạnh những tiến bộ và thành công của điều trị lâm sàng như đã từng cứu sống những bệnh nhân Covid-19 sinh mạng "ngàn cân treo sợi tóc", điển hình như bệnh nhân - phi công người Anh vào năm trước.
Ngay tại Mỹ, thông tin từ phóng viên thường trú Đài Truyền hình Việt Nam cũng cho biết cái nhìn của người dân về vắc-xin đã khác. Đại đa số người dân đều thấy rõ hiệu quả của vắc-xin để sẵn sàng đi tiêm phòng Covid-19 với sự an tâm, tin tưởng nhiều hơn. Theo các chuyên gia, vào năm 2022, virus corona vẫn tồn tại nhưng sẽ không còn khả năng khiến người nhiễm bị bệnh nặng nữa và sẽ giống cúm mùa, trở lại trong các tháng lạnh hằng năm. Có thể vẫn còn có người chết vì Covid-19 nhưng virus sẽ không thể hoành hành ngoài tầm kiểm soát một lần nữa.
Dù vậy, từ nay đến đó là hành trình dài và cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn quyết liệt. Bên cạnh việc tiêm chủng vắc-xin vẫn phải tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa căn bản, như thực hiện nguyên tắc 5K cùng các biện pháp quản lý linh hoạt ở từng địa phương, để Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Theo THÔNG ĐẠT (NLĐO)