(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại một số nước trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa phải triệu tập cuộc họp bàn giải pháp chống dịch, kiên quyết không để dịch lây lan sang Việt Nam, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Tinh thần là chống vi rút để ngăn ngừa dịch bệnh đồng thời với chống con “vi rút trì trệ” cản trở sự phát triển của đất nước.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa phải triệu tập cuộc họp bàn giải pháp chống dịch, kiên quyết không để dịch lây lan sang Việt Nam, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Tinh thần là chống vi rút để ngăn ngừa dịch bệnh đồng thời với chống con “vi rút trì trệ” cản trở sự phát triển của đất nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tính đến nay, 16/16 ca nhiễm Covid-19 ở nước ta đã được xuất viện về với gia đình. Đó là thành công lớn của ngành Y tế và sự nỗ lực, chung tay của tất cả các cấp, các ngành trên tinh thần chống dịch như chống giặc mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo từ cuộc họp đầu tiên về công tác này. Người dân thêm vững tin vào các giải pháp phòng-chống dịch mà Chính phủ đang thực hiện.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm mới và số người tử vong vì dịch bệnh tiếp tục tăng tại một số nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “không được để tình trạng dịch lây lan sang Việt Nam, tiếp tục bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân”. Đây là một yêu cầu mà đương nhiên chúng ta bằng mọi giá phải làm cho được. Thử thách này không chỉ đối với ngành Y tế mà còn với cả hệ thống chính trị của đất nước. Những thành quả đã đạt được trong phòng-chống dịch của Việt Nam bước đầu được thế giới ghi nhận. “Phần thưởng rất lớn đối với Chính phủ và hệ thống chính trị là niềm tin của nhân dân, làm nên một tinh thần Việt Nam”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy.
Lại thêm một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: kiên quyết chống dịch nhưng phải bình tĩnh, nỗ lực thực hiện cho được mục tiêu kép là vừa chống dịch thành công, vừa đảm bảo thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội; không để vì chống dịch mà bộ máy lại nhiễm cả con “vi rút trì trệ”. Bởi những thiệt hại do con “vi rút trì trệ” gây ra cho nền kinh tế còn dai dẳng và khó trị hơn nhiều.
Đó là nguy cơ thiếu điện cận kề cho sản xuất và sinh hoạt của người dân nhưng tiến độ triển khai các dự án nguồn điện lại vô cùng chậm chạp. Đó là những dự án có “tiến độ rùa” như Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1; là đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2… Đó là tình trạng giải ngân các dự án đầu tư công thấp khiến dòng vốn chỉ chảy nhỏ giọt vào nền kinh tế trong khi không ít dự án trong số đó vẫn phải trả lãi vay.
Đó là tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp quá chậm chạp. Từ năm 2017 đến nay, có 171 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên mới chỉ có 36/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo kế hoạch, đạt 28%. Chậm cổ phần hóa đồng nghĩa với chậm huy động nguồn lực xã hội, nhà nước phải lo bao đồng những việc mà lẽ ra là các thành phần kinh tế khác có thể gánh vác.
Đó là nguy cơ hạn hán, cháy rừng lăm le đe dọa sản xuất và đời sống người dân nhưng tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác nước ngầm quá mức, sử dụng lãng phí năng lượng… vẫn chưa được các cấp, ngành, địa phương nỗ lực ngăn chặn.
Nêu ra một vài con số để thấy rằng, con “vi rút trì trệ” vẫn tồn tại ở không ít cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương và trong cả tư duy của nhiều người có trách nhiệm. Con vi rút ấy còn khó trị hơn cả vi rút gây dịch bệnh Covid-19, bởi nó đã tồn tại suốt nhiều năm nay, lây lan ở nhiều nơi mà chưa có thuốc đặc trị. Đó mới là những con vi rút nguy hiểm nhất, đe dọa sự tăng trưởng của nền kinh tế trong hiện tại và tương lai. Đó là chưa kể những con vi rút na ná khác như “sợ trách nhiệm”, “giữ tròn mình”... cũng cản trở sự phát triển của đất nước không kém.
Hãy khởi động cho một môi trường du lịch an toàn, một ngành hàng không an toàn đối với du khách; các doanh nghiệp nỗ lực khắc phục sự đứt gãy của chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, Hàn Quốc để lại do dịch bệnh; phát triển đô thị, giải quyết việc làm; sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam; các địa phương tùy theo tiềm năng, điều kiện cụ thể của mình có thể đẩy mạnh việc sản xuất và xuất khẩu một số ngành hàng không bị ảnh hưởng của Covid-19 như xuất khẩu gỗ, rau củ quả, hàng điện tử... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu như vậy.
Hơn lúc nào hết, trong khó khăn càng chứng tỏ bản lĩnh của người cầm lái. Niềm tin của nhân dân, niềm tin của cộng đồng quốc tế vào tinh thần Việt Nam, vào quyết tâm, hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị cần phải được phát huy hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
NGUYỄN VÂN