Chồng biết vợ ngoại tình qua lời nói ngây thơ của con gái 3 tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tuần trước, tôi lên thăm con gái, nghe con kể: 'Mẹ có người yêu, chú đó mua cho con nhiều váy đẹp' khiến tôi điếng người.

Ảnh: Pinterest.com
Ảnh: Pinterest.com



Hai vợ chồng tôi năm nay 30 tuổi. Vợ tôi làm ngân hàng ở huyện, công việc bận rộn, đi sớm về muộn. Tôi làm kỹ sư cho nhà máy sản xuất, do tính chất đặc thù nên tôi làm nửa tháng, nghỉ nửa tháng. Do vậy tôi cũng có thời gian dành cho gia đình hơn cô ấy.

Trái ngọt cuộc hôn nhân của chúng tôi đó là một cô con gái rất bụ bẫm, đáng yêu.

Ngày trước hai vợ chồng tôi ở cùng nhà ông bà nội. Bố mẹ tôi là nông dân, tính tình hiền lành. Ông bà chỉ sinh được một mụn con nên có gì đều dành tất cả cho vợ chồng tôi.

Vợ tôi làm trên huyện, cách nhà 10 km, ngày nào cũng tối mịt mới về nhà. Con gái tôi gửi nhà trẻ, chiều ông bà nội đón về, chăm bẵm, tắm rửa giúp.

Mặc dù nhà tôi làm nông nghiệp nhưng từ ngày về làm dâu, vợ tôi chưa phải động tay chân vào bất cứ việc gì. Kể cả việc nhà như rửa bát, nấu cơm, mẹ tôi cũng giành làm hết.

Thế nhưng trái ngược với những gì bố mẹ dành cho mình, vợ tôi luôn miệng than vãn không thể hòa hợp với mẹ chồng. Cô ấy nói lối sống của mẹ tôi cổ hủ, quê mùa. Ngay ngày cưới, vợ tôi đã gây chuyện với mẹ chồng.

Hôm đó, sau một ngày mệt nhọc, khách đã ra về chỉ còn lại hội trường ngổn ngang. Mẹ tôi sợ con dâu mệt nên để con dâu nghỉ ngơi còn mình lụi cụi ra dọn dẹp, rửa bát.

Tôi đang thiu thiu ngủ thì nghe tiếng vợ hét toáng lên ở nhà dưới. Tôi chạy xuống xem thì thấy vợ tôi đang khóc lóc ầm ĩ, còn mẹ tôi thì đứng chết lặng.

Thấy chồng xuống, vợ tôi bắt đầu kể lể về chiếc váy trắng đắt tiền bạn gửi từ Mỹ về tặng. Mẹ tôi thấy treo trên mắc nhà tắm liền lấy ra giặt chung với đồ màu nên chiếc váy bị loang màu.

Mẹ tôi không muốn láng giềng cười chê khi thấy nhà cửa ầm ĩ như vậy nên rối rít xin lỗi con dâu.

Sau hôm đó, vợ tôi tỏ ra khó chịu với mẹ chồng ra mặt. Trừ bữa cơm, ít khi cô ấy ngồi trò chuyện, gần gũi với bà. Lúc nào cô ấy cũng kêu cuộc sống ở với mẹ chồng ngột ngạt, bí bách, nhà thì chật chội, nóng bức.

Hễ về đến nhà là vợ tôi mặt nặng mày nhẹ, cáu gắt, nổi nóng với chồng con. Con tôi bé, vẫn thèm hơi mẹ, nhiều lần thấy mẹ đi làm về đến cửa là sà vào lòng, nũng nịu nhưng vợ tôi toàn quát mắng, đẩy con ra.

Lâu dần bé sợ, chẳng còn dám ríu rít với mẹ. Đêm đến bà nội lại ôm cháu vỗ về, cho con bé ngủ. Thấy con dâu như vậy, bố mẹ tôi cũng chẳng bao giờ trách móc nửa lời. Ông bà chỉ khuyên tôi nhẫn nhịn, để gia đình yên ấm.

Khi con tôi tròn 3 tuổi, vợ tôi ngọt nhạt bàn với chồng chuyển về nhà bà ngoại sống, để gần cơ quan vợ. Cuối tuần cô ấy sẽ đưa con về thăm bố và ông bà nội. Chiều vợ nên tôi đồng ý, mặc dù biết làm vậy bố mẹ tôi sẽ buồn.

Chuyển về ngoại sống, vợ tôi ít khi đưa con về thăm ông bà nội như đã hứa. Thi thoảng tôi nhớ con quá thì lên đón về chơi.

Nhiều người biết chuyện, khuyên tôi về nhà ngoại ở cùng vợ nhưng họ đâu hiểu tôi không hợp tính bà ngoại. Bởi bà ngoại sống bỗ bã, hay văng tục. Mẹ vợ tôi xưng hô với con cháu lúc nào cũng mày - tao khiến tôi rất khó chịu.

Nhiều lần tôi chứng kiến cảnh vợ tôi và bà ngoại còn cãi nhau tay đôi trước mặt con rể, không chút ngượng ngùng.

Mẹ vợ tôi sống ở phố huyện, nhà buôn bán nên cuộc sống rất hiện đại. Cứ chiều chiều bà dọn cửa hàng, đi tập thể dục, đánh cầu lông với bạn bè.

Bố vợ tôi mất từ lâu nên bà cũng không bận bịu chuyện chồng con nhiều. Có hôm, bà đi đến 11 giờ đêm mới về. Vợ tôi thấy con nheo nhóc, đêm khuya vẫn chưa được tắm rửa, cứ tha thẩn chơi một mình quay sang quát tháo, hỗn láo với cả mẹ mình.

Mỗi lần lên thăm vợ con, thấy họ cãi nhau tôi ngán ngẩm, bế con đi chơi loanh quanh ở ngoài để đỡ phải nhức đầu.

Vợ chồng tôi cũng từng có ý định xây nhà ở riêng nhưng cuối cùng không thực hiện được. Ban đầu, ông bà nội tách cho hai vợ chồng 60 mét đất ngay cạnh nhà nhưng vợ tôi không đồng ý. Cô ấy chê ở đây xa cơ quan, gần đồng ruộng, khó ở vì vậy tôi đành gác việc đó lại.

Gần đây, bà ngoại gọi tôi lên bảo cho vợ chồng tôi mảnh đất sát nhà mình. Mảnh đất này cùng bìa đỏ với căn nhà mẹ vợ tôi đang ở. Mang tiếng là cho nhưng bà nhất quyết không chịu tách bìa đỏ cho vợ chồng tôi đứng tên.

Bà nói, hai vợ chồng cứ xây nhà, sau này bà tự đi tách bìa đỏ. Biết tính mẹ vợ thất thường, sớm nắng chiều mưa nên tôi không muốn mạo hiểm. Tôi sợ bỏ tiền ra xây nhà, sau này vẫn mang tiếng là đi ở rể trên đất của nhà vợ.

Thấy chồng không đồng ý xây nhà, vợ tôi tỏ thái độ, giận dỗi chồng. Giờ vợ chồng tôi sống gần như ly thân, cả tháng chẳng gặp mặt nhau, trò chuyện với nhau một lần.

Tôi lên nhà thăm lần nào cô ấy cũng tránh mặt, có hôm đi chơi với bạn bè, gửi con cho hàng xóm trông giúp.

Bố mẹ tôi nhớ cháu, giục tôi đưa con về thăm nhưng mẹ vợ tôi ngăn cản, không cho đón. Con bé không được chăm sóc cẩn thận, ngày càng gầy. Xót con, tôi nói với vợ muốn đón con về. Vậy mà cô ấy gào ầm lên, bảo tôi coi thường nhà ngoại không biết chăm cháu.

Tôi giận vợ sống không biết cư xử, vun vén cho hạnh phúc gia đình nên cũng chẳng nói chuyện với cô ấy nữa.

Đau đớn hơn, tuần trước, tôi lên thăm con gái, nghe con kể: "Mẹ có người yêu, chú đó mua cho con nhiều váy đẹp" mà tôi điếng người.

Tôi gọi cho vợ hỏi sự tình thì cô ấy tuyên bố sẽ ly hôn, không muốn tiếp tục chung sống với tôi nữa. Giờ tôi đau đớn khôn nguôi, tâm trạng rất rối bời.

Ngô Nam (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.