Chọn sách giáo khoa lớp 1: Công khai, phù hợp với điều kiện thực tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến thời điểm này, tất cả cơ sở giáo dục trong tỉnh đã hoàn thành việc chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới. Quá trình thực hiện đảm bảo tính dân chủ, công khai, phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương cũng như điều kiện tổ chức dạy và học.
Theo lộ trình, từ năm học 2020-2021, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ đổi mới chương trình, SGK đối với lớp 1. Bộ GD-ĐT đã ban hành danh mục SGK được sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông gồm 5 bộ sách với 46 đầu sách. Trong đó có 4 bộ sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm: “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”; còn lại là bộ sách của Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh mang tên “Cánh diều”. Để kịp thay SGK trong năm học tới, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30-1-2020 hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông và yêu cầu các địa phương trên cả nước phải công bố kết quả lựa chọn trước ngày 20-5.
Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam được 142 trường học lựa chọn. Ảnh: Hồng Thi
Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam được 142 trường học lựa chọn. Ảnh: H.T
Nhiều sự lựa chọn
Đầu tháng 5, Trường Tiểu học Cù Chính Lan (TP. Pleiku) đã hoàn tất khâu lựa chọn SGK lớp 1 mới và gửi báo cáo lên Phòng GD-ĐT TP. Pleiku. Hội đồng nhà trường đã bỏ phiếu kín và lựa chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” cho tất cả các môn thay vì lựa chọn theo đầu sách. Theo cô Phan Thị Hợp-Hiệu trưởng nhà trường, việc chọn 1 bộ sách duy nhất sẽ tạo thuận lợi cho cả giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh. Trước đó, giáo viên khối lớp 1 và tổ chuyên môn đã nghiên cứu kỹ lưỡng từng bộ sách để cùng thảo luận, đưa ra những nhận định, đánh giá khách quan và lựa chọn phù hợp. “Đây là lần đầu tiên nhà trường tổ chức lựa chọn SGK nên không tránh khỏi những băn khoăn. Cả 5 bộ sách đều hay, hình ảnh đẹp và đáp ứng mục tiêu giáo dục chung là phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” vì thấy thích hợp nhất với đơn vị mình cả về nội dung lẫn hình thức; giá thành cũng thấp hơn các bộ sách còn lại”-cô Hợp thông tin.
Việc các trường lựa chọn những bộ SGK khác nhau khiến không ít phụ huynh băn khoăn về những bất cập có thể xảy ra trong trường hợp con chuyển trường. Theo ghi nhận của P.V, để tháo gỡ vấn đề trên, một số trường đã đặt mua thêm 5-10 bộ SGK đặt tại thư viện làm tư liệu và hỗ trợ cho học sinh chuyển đến giữa năm học (nếu có). Hơn nữa, theo các trường này, dù sử dụng bộ sách không giống nhau nhưng các trường vẫn theo một khung giáo dục chung, do đó việc kiểm tra, đánh giá sẽ không ảnh hưởng nhiều đến học sinh khi các em chuyển trường.

Thầy Trương Tiến Sỹ-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP. Pleiku) cho hay: Theo hướng dẫn của Phòng GD-ĐT thành phố, các trường khi lựa chọn SGK không nhất thiết phải theo 1 bộ sách mà có thể theo từng môn học. Sau khi thảo luận, nhà trường đã thống nhất sử dụng bộ sách “Cánh diều” với 8 môn học là Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm và Giáo dục thể chất. Riêng môn Tiếng Anh, nhà trường chọn sách “I learn Smart Start” của Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh vì hiện tại đơn vị đang giảng dạy theo sách này. 

Giáo viên Trường Tiểu học Cù Chính Lan (TP. Pleiku) trao đổi về ưu, nhược điểm của các bộ SGK lớp 1 mới. Ảnh: H.T
Giáo viên Trường Tiểu học Cù Chính Lan (TP. Pleiku) trao đổi về ưu, nhược điểm của các bộ SGK lớp 1 mới. Ảnh: H.T
Tại huyện Kông Chro, 15/15 trường có cấp tiểu học đã hoàn thành việc chọn SGK lớp 1 theo đúng quy trình, tiến độ đề ra; trong đó có 8 trường chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” và 7 trường chọn bộ sách “Cánh diều”. Ông Nguyễn Chí Thanh-Trưởng phòng GD-ĐT huyện-cho biết: Dựa trên sự chỉ đạo của cấp trên, Phòng đã có văn bản hướng dẫn và gửi đường link do các nhà xuất bản cung cấp (kể cả sách mẫu sau này) cho các trường để cán bộ quản lý và giáo viên lớp 1 tham khảo trong thời gian học sinh tạm nghỉ học phòng-chống dịch Covid-19, từ đó có cơ sở khoa học để lựa chọn sách. Vì có trên 90% học sinh dân tộc thiểu số nên giáo viên của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Sró rất chú trọng đến sự phù hợp về đặc tính vùng miền, phương ngữ và trình độ, năng lực của học sinh khi chọn SGK. “Qua hơn 1 tháng nghiên cứu, phần lớn giáo viên trong tổ chuyên môn đều quyết định chọn bộ sách “Cánh diều”. Bởi chúng tôi nhận thấy mức độ kiến thức trong bộ sách đi từ thấp đến cao, dễ đến khó; có đưa hình ảnh học sinh dân tộc thiểu số và nhiều hình ảnh quen thuộc, gần gũi vào minh họa. Môn Toán và Tiếng Việt gần giống với SGK hiện hành. Điều đó sẽ giúp chúng tôi dễ giảng dạy, học sinh cũng dễ tiếp thu”-cô Bế Thị Xuân-giáo viên lớp 1-đánh giá.
Dân chủ, đúng quy trình
Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Khoa Nghi cho hay, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc lựa chọn SGK, trong tháng 2-2020, Sở đã phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội thảo giới thiệu SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2019. Tại hội thảo, các chủ biên, tác giả biên soạn đã trực tiếp chia sẻ về từng bộ sách, môn học; Sở cũng hướng dẫn cụ thể việc thực hiện lựa chọn SGK theo Thông tư 01/2020 của Bộ GD-ĐT. 
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ được học theo chương trình, sách giáo khoa mới đã được lựa chọn. Ảnh: H.T
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ được học theo chương trình, sách giáo khoa mới đã được lựa chọn. Ảnh: H.T
Đến nay, tất cả các trường đã hoàn thành nhiệm vụ này một cách nghiêm túc, dân chủ, đúng quy trình. Theo thống kê từ Sở GD-ĐT, toàn tỉnh có 2/5 bộ sách được lựa chọn nhiều nhất gồm: “Kết nối tri thức với cuộc sống” (142 trường, 18.255 học sinh, chiếm tỷ lệ 50,4%) và “Cánh diều” (146 trường, 17.964 học sinh, chiếm 49,6%). Riêng môn Tiếng Anh, sách “I learn Smart Start” của Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh được chọn nhiều nhất (10.866/20.076 học sinh, chiếm 54,1%), tiếp đến là sách “Tiếng Anh 1” của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (chiếm tỷ lệ 44,9%). 
Bà Bùi Khoa Nghi cho biết thêm: “Hiện các cơ sở giáo dục đã công khai danh mục SGK và niêm yết tại bảng thông báo của trường để phụ huynh nắm bắt thông tin. Về phía Sở GD-ĐT, chúng tôi đã tổng hợp kết quả lựa chọn SGK lớp 1 trên địa bàn tỉnh để báo cáo Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và các nhà xuất bản để phối hợp tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên sử dụng SGK lớp 1 mới trong thời gian tới; đồng thời triển khai kế hoạch phát hành, cung ứng đầy đủ, kịp thời SGK cho năm học 2020-2021”.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.