Chợ tự phát lấn át chợ chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khi tình hình mua bán tại chợ Thắng Lợi (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thưa vắng thì khu vực chợ tự phát ngay bên cạnh lại nhộn nhịp kẻ bán người mua.

Tiểu thương ngồi không từ sáng đến trưa

Theo phản ánh của các tiểu thương, tình trạng vắng khách diễn ra đã vài năm nay và ngày càng trầm trọng hơn khi người dân không vào chợ chính mà chủ yếu ra chợ tự phát để mua bán. Nằm sát bên cạnh tường của chợ chính, chợ tự phát nhóm họp tại khu vực hẻm 376 Lê Duẩn và đường Mạc Thị Bưởi. Đây chính là nguyên nhân khiến tình hình mua bán trong chợ Thắng Lợi trở nên ế ẩm, số lượng hộ kinh doanh ngày một giảm. Nếu năm 2004, chợ có khoảng 100 hộ kinh doanh thì đến nay chỉ còn khoảng 50 hộ.

Trong chợ Thắng Lợi chỉ còn duy nhất 1 hộ kinh doanh hàng hải sản, vì nhiều hộ kinh doanh đã bỏ ra chợ tự phát để mua bán. Ảnh: Vũ Thảo

Trong chợ Thắng Lợi chỉ còn duy nhất 1 hộ kinh doanh hàng hải sản, vì nhiều hộ kinh doanh đã bỏ ra chợ tự phát để mua bán. Ảnh: Vũ Thảo

Chị Nguyễn Thị Yến-hộ kinh doanh cá đồng ở chợ Thắng Lợi-cho biết: “Lúc trước, tình hình mua bán ở chợ chính rất sôi động, người mua người bán tấp nập. Nhờ đó, việc kinh doanh của tôi khá thuận lợi. Thế nhưng, từ khi chợ tự phát mọc lên ngay bên cạnh, mỗi ngày tôi bán chỉ được vài ký cá. Hàng tháng, tôi chỉ ra chợ chừng 15 ngày, còn lại nghỉ ở nhà, vì có ngồi từ sáng đến trưa chỉ bán được dăm ba ký cá. Hai người bán ngồi bên cạnh tôi vì quá ế nên đã nghỉ mấy tháng nay rồi”.

Còn chị Phan Thị Út-hộ kinh doanh hàng khô thì cho hay: “Tôi còn bán được là nhờ duy trì bạn hàng là các quán ăn, chứ bán lẻ rất ít. Chợ chính thì xuống cấp, trong khi chợ tự phát có lợi thế nằm ngay trên đường đi nên khá là thuận tiện cho người dân ghé mua”.

Theo bà Đoàn Thị Lệ Thủy-nhân viên Ban Quản lý chợ Thắng Lợi: “Khi chưa có chợ tự phát, nguồn thu ở chợ khá lớn. Hiện nay, tình hình buôn bán ế ẩm nên mỗi lần thu tiền phí, các hộ kinh doanh phản ứng rất gắt. Tôi cũng thấy ái ngại vì họ có mua bán gì được đâu. Hiện nay, số hộ đăng ký kinh doanh cố định khu vực nhà lồng hàng tươi sống cũng đã nghỉ đến 1/3. Như 3 hộ kinh doanh cá đồng đã nghỉ 2, nguyên cả dãy cá biển chỉ còn 1 người, dãy hàng thịt thì còn 4-5 người. Bên khu vực nhà lồng kinh doanh quần áo, giày dép, hàng khô cũng đóng cửa khá nhiều”.

“Chúng tôi ngồi chợ từ sáng đến trưa đếm được từng người khách hàng. Nói thế để hình dung được cảnh bán mua thưa thớt tới mức nào. Nếu cứ để chợ tự phát tồn tại thì khi hết hợp đồng, chắc chẳng còn mấy người dám đấu giá để vào chợ bán tiếp”-chị Lương Thị Thanh-hộ kinh doanh thực phẩm-ngao ngán nói.

Khó khăn trong việc giải tỏa chợ tự phát

Trái ngược với cảnh mua bán ở chợ chính, phía bên cạnh là khu chợ tự phát có gần trăm hộ thuê mặt bằng hoặc thuê các khu đất trống xây ki ốt, dựng sạp để kinh doanh. Cảnh mua bán ở đây khá nhộn nhịp. Bà Ba đã từng kinh doanh thực phẩm tươi sống trong chợ chính rất nhiều năm, nay cũng dọn ra ngoài thuê sạp để bán. “Tôi thuê lô ở đây đủ để 1 sạp hàng bán thôi, giá thuê 700 ngàn đồng/tháng. Từ khi ra đây, tôi bán được hơn trong chợ. Bây giờ, hầu hết tiểu thương ai cũng muốn ra ngoài bán, chứ không ai muốn ngồi chợ chính cả, chẳng qua họ cố gắng ở lại là còn hợp đồng thuê lô sạp trong chợ”-bà Ba nói.

Chợ tự phát tại khu vực hẻm 376 Lê Duẩn bên cạnh chợ Thắng Lợi . Ảnh: V.T

Chợ tự phát tại khu vực hẻm 376 Lê Duẩn bên cạnh chợ Thắng Lợi . Ảnh: V.T

Theo các hộ kinh doanh, chợ tự phát có xu hướng ngày càng đông người bán, trong khi không thể mạnh tay dẹp được. Thêm nữa, chợ chính có lối vào nhỏ hẹp, các hạng mục xuống cấp, rồi hàng thực phẩm lại không phong phú bằng bên ngoài. Trong khi đó, chợ tự phát nằm ngay bên cạnh, xếp dài các hàng sạp hai bên đường với đủ mặt hàng từ gia dụng, hàng khô, hàng tươi sống, hoa quả... Bà Lê Thị Mai (tổ 7, phường Thắng Lợi) cho hay: Nhiều khi chỉ mua miếng thịt, bó rau mà đi bộ vào bên trong mất công gửi xe, thôi thì tiện đâu mua đó cho nhanh.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, số lượng người kinh doanh bên chợ tự phát hiện đang đông gấp đôi bên chợ chính. Hàng ngày, xe của tổ quản lý trật tự đô thị ra quân xử lý những người mua bán dưới lòng lề đường, người họp chợ trái phép. Khi có lực lượng chức năng thì họ thực hiện nghiêm, còn khi xe của tổ quản lý trật tự đô thị đi khỏi thì việc mua bán ở chợ tạm lại diễn ra bình thường.

Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Phương-Phó Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi-cho biết: Qua kiểm tra trên thực tế, khu mua bán tự phát này hầu hết các hộ đều có giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng, do đó theo quy định họ mua bán là không vi phạm. Do đó, chính quyền địa phương chỉ có thể can thiệp và xử lý những hộ mua bán dưới lòng lề đường, những hộ không có giấy phép kinh doanh.

Cũng theo bà Phương, khu chợ tự phát này đã tồn tại từ lâu khiến các hộ kinh doanh trong chợ rất bức xúc. Để đảm bảo quyền lợi cho những hộ kinh doanh trong chợ chính, địa phương cũng đã xây dựng các kế hoạch triển khai nhiệm vụ của tổ quản lý kiểm tra, xử lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị. Việc kiểm tra, xử lý được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, khi không có lực lượng này thì việc mua bán đâu lại vào đó.

“Chúng tôi cũng đã nghiên cứu phương án mở hết khu vực tường phía bên cạnh chợ Thắng Lợi để các hộ ở chợ tự phát vào bên trong. Chợ hiện còn hơn 1 năm nữa là hết thời hạn hợp đồng. Đây cũng là vấn đề nan giải. Mong có nhà đầu tư xây dựng lại chợ cho bài bản, lúc đó mới mong thu hút được các hộ kinh doanh vào chợ”-bà Phương cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Quân và dân chung tay làm sạch môi trường suối Hội Phú

Quân và dân chung tay làm sạch môi trường suối Hội Phú

(GLO)- Những ngày cuối năm 2024, bờ kè suối Hội Phú (TP. Pleiku) như được khoác lên mình tấm áo mới khi các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5), Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 34) và đoàn viên, thanh niên cùng nhau phát quang cỏ dại, cải tạo cảnh quan để chào đón năm mới.

Người dân trên địa bàn tỉnh khoan giếng để lấy nước sinh hoạt và tưới cho cây trồng. Ảnh: Lê Nam

Báo cáo tình hình khai thác tài nguyên nước và lắp đặt thiết bị giám sát tài nguyên nước trước ngày 30-1-2025

(GLO)- Triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2023, Sở TN-MT Gia Lai vừa có Công văn số 4642/STNMT-KS-TNN, yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh thực hiện lập báo cáo tình hình khai thác tài nguyên nước gửi về Sở trước ngày 30-1-2025.

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: TẦM NHÌN MỚI, CƠ HỘI MỚI, GIÁ TRỊ MỚI

E-magazineQuy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: TẦM NHÌN MỚI, CƠ HỘI MỚI, GIÁ TRỊ MỚI

VỚI TẦM NHÌN DÀI HẠN NHẰM PHÁT HUY HIỆU QUẢ CÁC LỢI THẾ CỦA TỈNH, QUY HOẠCH LÀ CĂN CỨ KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN ĐỂ BÌNH PHƯỚC SẮP XẾP, BỐ TRÍ HIỆU QUẢ CÁC KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN, HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ, KẾT CẤU HẠ TẦNG, PHÂN BỔ ĐẤT ĐAI…

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa thống nhất không ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 137 Luật Đất đai năm 2024 đối với 4 loại giấy tờ do UBND TP. Pleiku và Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh thành phố đề xuất.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.