"Chợ sạch" từ núi rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các chợ của người đồng bào dân tộc thiểu số có mặt ở khắp Gia Lai, Kon Tum cung cấp sản phẩm sạch, tươi ngon từ núi rừng, nương rẫy
Những ngày này, ở lưng chừng đèo Măng Rơi trên Quốc lộ 40B (đoạn qua huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) xuất hiện các quầy bán hàng nông sản đồng giá. Tất cả mặt hàng như rau, bí, măng… đều được chia thành những túm nhỏ và bán đồng giá 10.000 đồng. Chủ quán là những phụ nữ dân tộc Ê Đê, Ba Na, có cả những em nhỏ đang độ tuổi học sinh. Khách hàng chủ yếu là các cán bộ đang công tác tại huyện Tu Mơ Rông và khách lên huyện này làm việc rồi trở ra.
Chị Y Hiền, một người thường xuyên bày bán rau củ tại đây, cho biết tất cả số rau, củ chị bán đều do gia đình chị trồng trên nương rẫy, măng đào trong rừng, ốc và cá thì chồng chị bắt dưới suối cho hai mẹ con bày bán. "Trước đây ăn không hết cứ để héo ngoài vườn nhưng thấy mọi người bán có tiền mua gạo, đóng học phí cho con nên mình cũng mang lên cho con bán lấy tiền" - chị Hiền chia sẻ.
 
Các phụ nữ dân tộc mang rau củ đi bán rong. Ảnh: Hoàng Thanh
Còn tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, thi thoảng trên các tuyến phố, người dân sẽ bắt gặp những phụ nữ rảo bước chào bán rau, quả, trứng gà… Họ cứ đi khắp các ngả, ai nhìn thấy thì gọi lại mua. Nhiều người tụm lại thành các nhóm nhỏ bày bán ở ven đường, bên hông chợ, lâu dần thành địa chỉ cho những người muốn mua hàng tìm đến.
Tại khu vực chợ Bà Định (phường Yên Đổ, TP Pleiku) có hẳn một dãy mà những người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số mang rau, ốc… ra bày bán. Khu vực này luôn tấp nập khách tìm tới mua so với những sạp hàng khác trong chợ. Chị Đậu Thùy Dung, thường xuyên mua hàng, cho biết chọn mua tại những sạp hàng này vì muốn mua đồ sạch.
"Bây giờ thấy người ta trồng rau phun thuốc nhiều quá nên tôi rất lo. Tìm đến đây mua vì những người đồng bào dân tộc thiểu số này thường mang đồ nhà ra bán nên hy vọng không phun thuốc" - chị Dung chia sẻ. Còn chị Lệ, một người thường xuyên mang hàng ra khu vực "chợ" của làng 50 (TP Pleiku) để bán, khẳng định tất cả đồ bán tại đây đều là do gia đình tự làm ra. Chợ ở đây không có quy luật, ai mang hàng ra trước thì ngồi trước, cứ thế người này nối tiếp người kia. Hôm nào trong vườn hết rau, không đi bắt được con cua, con ốc thì nghỉ bán.
"Mỗi ngày như vậy cũng được 50.000 - 70.000 đồng, đủ tiền chi tiêu trong gia đình. So với trước đây làm rẫy quanh năm, chỉ thu nhập khi thu hoạch nông sản thì cuộc sống bây giờ đỡ hơn rất nhiều" - chị Lệ nói.
Hoàng Thanh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.