(GLO)- Chợ không chỉ là nơi trao đổi, buôn bán mà còn là nơi lưu giữ những nét đẹp mộc mạc, gần gũi của dân quê. Phiên chợ những ngày giáp Tết cũng trở nên đa dạng hơn với những thức quà “cây nhà lá vườn”. Tuy nhiên, không khí mua bán tại các chợ quê cho đến giờ vẫn còn khá trầm lắng, đìu hiu.
“Cây nhà lá vườn”
Ở các phiên chợ quê, bên cạnh các hàng, sạp có mái che thì xung quanh là những khoảng đất trống, nơi dành cho những người buôn thúng bán bưng. Họ là những người tranh thủ phiên chợ sớm, đem mớ rau tự trồng, con cá bắt được, con gà sẵn có trong nhà đi bán, mong muốn kiếm đủ tiền chợ cho gia đình ngày hôm đó. Những món hàng được bày bán trong chợ “chồm hổm” này thường rất rẻ. Mọi người đều tranh thủ bán thật nhanh hàng hóa của mình để kịp về chuẩn bị cho một ngày lao động đồng áng tiếp theo.
Chợ quê là nơi trao đổi, mua bán những món “cây nhà lá vườn”. Ảnh: P.V |
Chợ Bàu Dồn (xã Thành An, thị xã An Khê) những ngày giáp Tết dường như đã đông kẻ bán người mua hơn. Đã thấy hàng tạp hóa bày biện kẹo bánh Tết, sạp quần áo cũng rực rỡ với nhiều màu sắc, kiểu dáng bắt mắt. Từ khá sớm, bà Diệu (thôn 4, xã Thành An) đã nhanh chân trải một tấm bao ni-lông ngay vị trí đầu tiên, đặt lên trên vài quả trứng gà ta, vài kg đậu đen mà bà mua lại được của người dân tộc bản địa và vài nhánh chuối vừa chặt trong vườn. Kế bên cạnh, những người khác cũng dần dần xếp hàng hóa nào thúng gà con, vài bó rau, rổ củ kiệu, chồng bánh tráng… thành hai hàng đối diện nhau, thẳng tắp và trật tự. Chợ dần dần trở nên đông vui bởi tiếng cười nói, tiếng hỏi thăm, tiếng trả giá giữa người bán và người mua. Bà Diệu chia sẻ: “Bình thường tôi vẫn hay mua gạo rẫy, đậu đen và đem vài nhánh chuối trong nhà đến chợ bán. Dịp cuối năm này thì chuối bán chạy nhất vì người ta cần để cúng lễ nhiều. Cũng chẳng lời lãi là bao nhưng của nhà trồng được, ăn với dùng không hết nên đem bán thôi”.
Cũng như bà Diệu, bà Diệp (thôn 1, xã Thành An) có trồng được vài luống rau tần ô, rau cải. Tranh thủ buổi chợ sớm, bà nhổ vài bó đem lên bán với giá chỉ 5.000 đồng/3 bó. Bà Diệp cười: “Rau nhà trồng nên ngon lắm, đảm bảo không có phân có thuốc gì hết. Dân quê người ta nhìn là biết rau sạch hay không ngay”.
Trầm lắng phiên chợ quê
Tết sắp đến gần nhưng phiên chợ tại xã Tú An (thị xã An Khê) vẫn không khác ngày thường là mấy. Sạp quần áo nằm ngay gần đường nhưng vẫn không thu hút được khách hàng. Cửa hàng tạp hóa mặc dù đã trưng bày khá nhiều loại bánh kẹo Tết nhưng vắng bóng người mua. Mới khoảng 9 giờ sáng nhưng cả khu chợ nhỏ đã vãn người mua bán.
Sạp quần áo của bà Nguyễn Thị Hà nằm ngay trong khu chợ trung tâm của huyện Đak Đoa nhưng khá ế ẩm. Bà Hà tỏ vẻ chán nản cho biết, năm nay giá cà phê, cao su đang giảm, người dân chưa bán được nên chưa đi sắm đồ Tết. Trong khi đó, các cửa hàng quần áo ngày càng nhiều, mẫu mã đa dạng nên người ta thích vào đó hơn. Chỉ có một bộ phận nhỏ những người có thu nhập trung bình mới ghé vào chợ sắm quần áo.
Không riêng mặt hàng quần áo, các loại bánh kẹo Tết cũng chịu chung tình trạng ế ẩm. Bà Trần Thị Khung-chủ quầy tạp hóa ở chợ Đak Đoa (huyện Đak Đoa) cho biết: “Cô bán ở đây đã 15 năm rồi mà chưa năm nào hàng ế khách như năm nay. Mấy năm trước cứ đến tầm này là người dân đi mua kẹo, bánh, mứt Tết đông lắm rồi thế mà năm nay hàng quán vẫn vắng teo”. Tình hình các mặt hàng Tết ở chợ Mang Yang (huyện Mang Yang) cũng chẳng khá khẩm hơn. Chị Lê Thị Mỹ Linh-chủ cửa hàng gia cầm ở chợ Mang Yang cho biết: “Mọi năm đến giờ này là gà, vịt đã bán đắt như tôm tươi rồi. Họ mua về nuôi chuẩn bị cho các khoản ăn uống Tất niên, ở đây làm Tất niên sớm lắm. Thế mà năm nay gà vịt cứ nằm ỳ ra đấy. Tiền lời chưa thấy đâu mà tiền thức ăn cho chúng đã đủ lỗ vốn rồi”. Chị Hằng (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang)-một khách hàng giải thích: “Giá cà phê đang giảm nên gia đình tôi vẫn đang đợi giá tăng lên chút nữa mới bán, khi đó mới sắm đồ Tết được. Với lại cũng còn lâu mới tới Tết nên tôi cũng không vội”.
Phương Vy-Nguyễn Nhật