'Chiêu' để khởi nghiệp thành công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chị Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và anh Nguyễn Minh Thảo, CEO của Umbala, chỉ ra nhiều 'chiêu' để khởi nghiệp thành công trong buổi tọa đàm 'Công nghệ có phải là tất cả' do ban tổ chức cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel vừa tổ chức tại TP.HCM.
 Bạn trẻ thuyết trình về dự án công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp tại cuộc thi Startup Wheel 2017
Bạn trẻ thuyết trình về dự án công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp tại cuộc thi Startup Wheel 2017
Công nghệ có phải là tất cả?
Nhiều bạn trẻ đặt tiêu chí phát triển công nghệ lên trên khi khởi nghiệp. Nhưng liệu công nghệ có phải là tất cả và quyết định đến sự thành bại cho một doanh nghiệp khởi nghiệp?
Là một người dẫn dắt nhiều người trẻ khởi nghiệp, chị Phi cho rằng đa phần bạn trẻ khi đi thi hay tiếp cận nhà đầu tư thì cứ thích giới thiệu trình độ về công nghệ của dự án. Có những hiểu biết gì về công nghệ đều đưa vào sản phẩm của mình và khẳng định trên thị trường chưa có sản phẩm nào đạt được tiêu chuẩn như vậy.
“Thật ra trong khởi nghiệp, công nghệ chỉ là một phần. Thông thường mọi người nghĩ khởi nghiệp là phải dựa trên nền tảng công nghệ nhưng cần phải cân bằng giữa khả năng thương mại hóa với công nghệ”, chị Phi nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, anh Thảo chia sẻ: “Lúc mới khởi nghiệp thì mình cũng như các bạn rất đam mê công nghệ và cứ nghĩ công nghệ là số một, là tất cả. Thế nhưng nếu bạn không biết dung hòa giữa công nghệ và bài toán kinh doanh thì doanh nghiệp của các bạn sẽ chết ngay”.
Dùng tiền của người khác?
Anh Thảo cũng khuyên sinh viên không nên dùng tiền của mình để khởi nghiệp. Từ kinh nghiệm bản thân cũng như của các doanh nhân đi trước, anh Thảo nhấn mạnh: “Trong kinh doanh không nên dùng tiền của mình để làm. Những người giàu thường chỉ mượn của người khác để làm”.
Anh Thảo giải thích: “Ví dụ mình có sản phẩm, hãy mang giới thiệu với bạn bè hay những người xung quanh và hỏi thử họ có chịu chi tiền cho sản phẩm đó của mình không. Họ chịu chi tiền là coi như mình mượn tiền của người khác để khởi nghiệp”.
Ngược lại, chị Phi cho rằng trong kinh doanh đừng nghĩ mình là người bán mà hãy nghĩ mình là người mua. Và phải tự hỏi, nếu là nhà đầu tư thì tôi có đầu tư vào sản phẩm này không? Nếu bạn trả lời được câu hỏi này và tin hoàn toàn vào sản phẩm của mình thì dự án khởi nghiệp mới thành công được.
Đừng mất thời gian đi tìm nhà đầu tư
“Nếu em có một sản phẩm thì nên tham gia các cuộc thi để gọi vốn hay đi tìm các nhà đầu tư?”, Nguyễn Duy Tâm, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thắc mắc.
Anh Thảo thẳng thắn: “Nếu bạn có sản phẩm hay ý tưởng thì nên mang đến những công ty khởi nghiệp. Đừng mất thời gian đi tìm các nhà đầu tư, vì họ không tin các bạn đâu. Ý tưởng về sáng tạo để thành một doanh nghiệp khởi nghiệp là một chặng đường rất dài, nhà đầu tư sẽ nhìn vào doanh thu của các bạn hơn là ý tưởng các bạn có. Vì các bạn chưa làm ra được gì, nên đi tìm những người đã từng như các bạn, họ sẽ hiểu hoàn cảnh và sẽ giúp các bạn tốt nhất. Và đừng bao giờ dùng cuộc thi để gọi vốn, các cuộc thi khởi nghiệp không có giá trị gì để cho các bạn gọi vốn. Nhưng đi thi thực chất là đi tìm khách hàng nên sẽ rất hữu ích để bạn kiểm tra sản phẩm của mình, và tìm kiếm những phản hồi của khách hàng”.
Chị Phi nhìn nhận: “Nếu bạn mới khởi nghiệp và trong giai đoạn muốn kiểm tra sản phẩm, xem những thứ bạn dùng khách hàng có cần không thì lúc này các cuộc thi rất quan trọng. Đây cũng là cơ hội quảng bá sản phẩm của mình để các nhà đầu tư biết đến”.
Nữ Vương (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.