(GLO)- Sau bài “Đak Pơ hôm qua và nay...” in trên báo Gia Lai tuần trước, tôi tưởng thế là đã xong một bài báo. Nhưng như một dự cảm nào đấy khiến tôi lục tìm tài liệu để đọc. Té ra với từ khóa “GM.100, An Khê” chỉ trong vòng 30 giây, có 7.220 kết quả hiện lên từ trang tìm kiếm Google. Còn nếu thay “An Khê” bằng “Mang Yang” thì cũng chỉ trong 30 giây có tới 253.000 kết quả.
Phải nói thật là, cái chiến thắng GM.100 ấy, ngay ở Gia Lai thôi, cũng ít người biết, dù nó được học khá kỹ trong môn lịch sử, bởi nó là cái kết thúc hoàn hảo kết hợp với cú The End Điện Biên Phủ lẫy lừng, nó làm cho người Pháp hoàn toàn từ bỏ ý định tiếp tục dính líu tới Việt Nam.
Đường lên Đài tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ. Ảnh: V.C.H |
Với cú “bọc hậu” vang dội ấy, lẽ ra nó phải được nhiều người biết đến hơn, phải được đời sống ghi nhận cụ thể và sống động hơn. Lần trước về huyện Chư Prông tôi cũng thấy địa danh Plei Me gần giống vậy. Tất nhiên nguyên nhân thì có nhiều nhưng trong đó cũng có vai trò của người cầm bút nữa. Chạy theo các sự kiện, các đề tài hiện đại, chúng ta vô tình bỏ quên một quá khứ hào hùng sau lưng.
Và tôi cũng là người như thế nếu không có cái hôm xuống Đak Pơ được một ngày và sau đó cả tuần đã đắm chìm trong đống tài liệu tôi tra từ Google. Trong đống tài liệu tôi tiếp cận, có một bài viết rất thú vị của một người từ phía bên kia-Đại úy Kirk A.Luedeke, người Mỹ-viết trên tạp chí ARMOR (ARMOR Magazine).
Thì ra dư âm của chiến thắng này nó lớn hơn ta tưởng, nó trở thành một vết thương khó lành trong tâm trí những người đã trải qua nó, hoặc chỉ nghe nói về nó. Trung tướng về hưu Harold G. Moore đã tổng kết số phận GM.100 trong cuốn sách của ông, “We Were Soldiers Once. And Young” như thế này: “Ngay sau khi tới Việt Nam, Thượng sĩ Plumley và tôi lấy 1 chiếc Jeep và 1 cảnh vệ mang shotgun lái 10 dặm về phía Tây An Khê trên đường 19, vào khu vực trận địa, tới mốc cây số 15.
Tại đây, Việt Minh đã tiêu diệt phần lớn liên đoàn cơ động 100 của Pháp trong một trận phục kích... Plumley và tôi đi quanh đó trong 2 giờ. Những mảnh xương, bộ phận vũ khí và xe cộ, quân trang, đầu đạn và vỏ đạn vẫn bừa bãi trên mặt đất. Từ cuộc viếng thăm này tôi rút ra được bài học: Chết là cái giá phải trả cho việc đánh giá thấp đối thủ ngoan cường này”.
Có lẽ đấy là một nhận xét mang tính tổng kết khá sâu của chiến thắng Đak Pơ, mà phía bên kia hay gọi là “Trận đánh cây số 15 đèo Mang Yang”. Có thể nói nếu không có chiến thắng Đak Pơ, Hội nghị Giơ-ne-vơ còn giậm chân tại chỗ, cuộc kháng chiến chống Pháp chưa thể dứt điểm, quân và dân ta còn phải hy sinh nhiều xương máu. Chiến thắng Đak Pơ có quy mô, tầm vóc lịch sử, ý nghĩa chiến lược quan trọng, các nhà quân sự cho rằng, nó chỉ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng bao năm qua rõ ràng đã ít được chúng ta nói đến…
Kirk A.Luedeke viết: “Đội ngũ lãnh đạo của GM.100 rất mạnh, bao gồm các sĩ quan tận tụy và dày dạn không lạ lẫm gì với cuộc chiến ở Việt Nam. Chỉ trong 4 phút, trung đội thiết giáp đã bị tiêu diệt. Cả 3 xe half track và 1 xe M8 bốc cháy.
Chiếc M8 còn lại, mặc dù bị bất động, vẫn phát hiện được ổ súng máy của đối phương đang chặn đoàn xe Pháp trên đường và bắn tung nó bằng một loạt đạn liên thanh. Lúc 14 giờ 25 phút, xe thông tin của GM.100 trúng một phát đạn bắn trực tiếp từ khẩu không giật 57 mm của đối phương và nổ tung trong một quả cầu lửa. Tất cả những ai có thể giải thích vì sao tiểu đoàn thuộc địa 43 không được cảnh báo về sự hiện diện của Việt Minh đều chết một cách đau đớn. Ra đi cùng với chiếc xe là khả năng chỉ huy và điều khiển đoàn xe của Đại tá Barrou cũng không còn. Tiểu đoàn 43 và đại đội chỉ huy đều đang tự lực chiến đấu vì sự sống còn. Hỗn loạn bao trùm…”.
Bây giờ chả cứ các liệt sĩ của ta, rất nhiều binh lính Pháp, Âu Phi và lính Pháp người Việt cũng đang nằm cùng nhau ở cây số 15 đèo Mang Yang ấy.
Kirk A.Luedeke viết tiếp: “Những người lính của GM.100 là những binh sĩ tốt nhất của quân đội Pháp. Họ đã “đối mặt với voi” trong nhiều thời điểm trên các cao nguyên của Việt Nam năm trước và nằm trong số những binh sĩ chuyên nghiệp, có kinh nghiệm nhất trên thế giới. Tiểu đoàn 1 và 2 Triều Tiên đã giành chiến thắng vinh quang ở Chipyong-Ni và Arrowhead Ridge nhiều năm trước và rất tự hào về điều đó. Nhưng, như các cựu binh sớm nhận ra, “Indochine no est Coree”. Việt Nam (đúng ra phải là Đông Dương) không phải là Triều Tiên.
GM.100 chết ở cây số 15 vì một loạt những sai lầm đã dẫn tới một trận đánh mà họ không có cơ hội chiến thắng. Quyết định sai lầm của các chỉ huy cấp cao làm mất mạng rất nhiều binh sĩ, trong khi sự chỉ huy nổi bật ở cấp dưới đã cứu nhiều người. Đó là chiến tranh”…
Rõ ràng là người của “phía bên kia” từ tướng lĩnh cao cấp tới binh sĩ đã rất đề cao và ám ảnh với trận đánh “cây số 15” này. Hàng ngày vẫn thường xuyên có nhiều người ghé đến viếng tượng đài, thắp hương cho các liệt sĩ đang yên nghỉ ở đây. Suốt 60 năm rồi, các liệt sĩ vẫn đồng hành cùng chúng ta, một cách âm thầm và lặng lẽ…
Văn Công Hùng