Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai: Quyết sách đúng đắn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo bước đột phá trong việc làm thay đổi diện mạo và đời sống người dân tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một trong những dấu ấn đậm nét của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, là điểm tựa vững chắc để nhiều vùng nông thôn trong tỉnh chuyển mình phát triển.
Thay đổi diện mạo vùng nông thôn
Trước đây, nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập như: kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, cảnh quan môi trường, quy hoạch thôn, làng chưa đồng bộ và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Xuất phát từ thành công của Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng căn cứ cách mạng của xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện), nhất là việc triển khai điểm sắp xếp lại khu dân cư và ổn định đời sống nhân dân làng Pông, ngày 13-2-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12, chọn Phú Thiện làm huyện điểm xây dựng NTM và lấy xã Chư A Thai để triển khai thực hiện đầu tiên. Đây là xã có các làng đặc biệt khó khăn, nằm ở vùng sâu, vùng xa, đất đai cằn cỗi, điều kiện sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nếp sống sinh hoạt lạc hậu.
Việc giúp dân di dời nhà ở đã thể hiện sự đồng sức đồng lòng giữa chính quyền, quân và dân trong triển khai thực hiện chủ trương xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Minh Nguyễn
Việc giúp dân di dời nhà ở đã thể hiện sự đồng sức, đồng lòng giữa chính quyền, quân và dân trong triển khai thực hiện chủ trương xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Minh Nguyễn
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12, diện mạo các làng đã dần khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Trước đây, tổng diện tích đất ở tại các làng chỉ có 3,62 ha thì nay được quy hoạch lên 47,15 ha để bố trí 451 lô đất ở, bình quân mỗi lô 600 m2; mở thêm và bê tông hóa các tuyến đường giao thông nội làng, khu sản xuất.
Các đơn vị lực lượng vũ trang hợp sức với dân làng di dời 294 căn nhà của 260 hộ đến vị trí mới. Huyện Phú Thiện huy động hơn 50 tỷ đồng và trên 27.000 ngày công để di dời, sắp xếp nhà cửa, bước đầu bố trí sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi khoa học, hợp lý hơn.
Đến nay, các hộ dân tại các làng nói trên đều ổn định về nhà ở, có hàng rào, chuồng trại, vườn rau, trồng cây ăn quả, nhà vệ sinh đảm bảo. Đến nay, làng Pông và Kinh Pênh đã đạt 16/19 tiêu chí NTM; làng Hek và làng Trớ đạt 15/19 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 được công nhận đạt chuẩn làng NTM.
Cùng chúng tôi đi dạo trên con đường bê tông rộng thoáng một vòng quanh làng, ông Đinh Dung-nguyên Bí thư Chi bộ làng Trớ-cho hay: Trước đây, làng có 115 hộ dân, nhà ở chen chúc, lộn xộn, nhếch nhác; giao thông nội làng chủ yếu là đường đất lầy lội; nước sinh hoạt thiếu thốn.
“Giờ đây, dân làng ai cũng phấn khởi, nhà cửa được sắp xếp ngay ngắn; chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh được xây dựng mới tách biệt; điện, đường, nước sinh hoạt, môi trường cũng được quan tâm đầu tư. Cuộc sống của dân làng thay đổi nhiều lắm, việc đi lại cũng dễ dàng, thuận tiện hơn, bà con có điều kiện để phát triển kinh tế”-ông Dung nói.
Ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy: Nhiệm kỳ này, cán bộ chủ chốt Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã luôn sâu sát cơ sở; cấp ủy các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó khăn của địa phương, phản ánh từ nhân dân. Đặc biệt, chương trình xây dựng NTM gắn với việc nâng cao đời sống nhân dân đã tạo nên một khí thế mới, bộ mặt mới vùng nông thôn, nhất là kết quả từ mô hình xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đã góp phần hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra.

Thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các địa phương trong tỉnh đã huy động sức mạnh tổng hợp của cán bộ, nhân dân và sự hỗ trợ của các đơn vị lực lượng vũ trang để triển khai công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại dân cư, di dời nhà cửa cho người dân đến định cư ở nơi mới; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng với quy mô lớn và trên diện rộng. “Luồng sinh khí” từ Chỉ thị số 12 đã lan tỏa khắp các thôn làng, trở thành điểm tựa vững chắc để nhiều vùng nông thôn trong tỉnh đổi thay một cách căn bản và toàn diện.

Ông Đỗ Văn Hùng-Bí thư Đảng ủy xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) cho biết: Làng Bi Giông được huyện chọn làm điểm xây dựng NTM theo tinh thần Chỉ thị số 12. Đây là làng Bahnar đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 66%. Bắt đầu từ tháng 6-2018, việc sắp xếp, quy hoạch lại khu dân cư được triển khai và nhanh chóng hoàn tất vào cuối năm, đời sống người dân dần đi vào ổn định. Trong số 131 ngôi nhà, có 71 căn được di dời, sửa chữa và sắp xếp lại; một số tuyến đường giao thông nội làng và hệ thống nước sinh hoạt được xây dựng, vườn tược được cải tạo. Bộ mặt làng Bi Giông bây giờ thay đổi rõ nét, nhà ở, hàng rào, cổng ngõ khang trang; trường học, đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư xây dựng, chỉnh trang sạch đẹp.

Theo ông Võ Anh Tuấn-Bí thư Huyện ủy Ia Pa: “Từ kết quả triển khai tại làng Bi Giông, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng cơ sở tiếp tục thực hiện đề án sắp xếp, bố trí dân cư tại các làng: Biah A (xã Ia Tul), Bi Gia (xã Pờ Tó), Blôm (xã Kim Tân) và làng Jứ (xã Ia Broăi); đồng thời nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy giao cấp ủy, chính quyền các xã hàng năm lựa chọn ít nhất 1 làng để xây dựng làng NTM, cải thiện mọi mặt đời sống người dân; huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện đề án xây dựng mô hình làng NTM; từng bước tháo gỡ khó khăn và nhân rộng mô hình ra các làng khác”.
Tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân
Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã huy động được trên 145 tỷ đồng, cùng sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng vũ trang để xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến đến cuối năm nay, toàn tỉnh sẽ có 84 làng NTM.
Tại hội nghị tổng kết giai đoạn 1 thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng căn cứ: Pông, Trớ, Hek, Kinh Pêng mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Đó là kết quả bước đầu. Thời gian tới, chúng ta phải tập trung giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất. Chính quyền huyện, xã, các ngành phải vào cuộc giúp người dân đưa cây-con giống mới và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến sản xuất hàng hóa, liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập. Có giải quyết được những vấn đề này mới cải thiện được tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con”.
Trao đổi với P.V về chỉ đạo này, ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-khẳng định: Để giúp người dân 4 làng căn cứ xã Chư A Thai giảm nghèo bền vững và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, UBND huyện Phú Thiện đã xây dựng đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2 (2021-2024). Trong đó, tiến hành rà soát điều kiện đất đai để triển khai hiệu quả các mô hình sản xuất mới, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.
“Thời gian tới, huyện tập trung nguồn lực giúp người dân chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây lúa cạn năng suất chất lượng cao, cây mì cao sản, điều, xoài Úc. Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp triển khai một số mô hình sản xuất hiệu quả, kết hợp với chính sách đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước để chương trình xây dựng làng NTM thực sự bền vững”-ông Thành cho biết.
Nói về nhiệm vụ chính trị quan trọng này, Bí thư Huyện ủy Ia Pa Võ Anh Tuấn cho hay: Sau khi hoàn thành việc sắp xếp nhà ở, bố trí lại dân cư, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền chú trọng hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, ưu tiên các công trình tác động nhanh, thiết thực đến đời sống người dân, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
“Chỉ thị số 12 vừa là điểm tựa, vừa là động lực để các làng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, hướng người dân đến cuộc sống ấm no”-Bí thư Huyện ủy Ia Pa khẳng định.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 2-Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) để điều tra về tội “Giết người”, người dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch nơi nghi phạm cư trú không khỏi bàng hoàng với thủ đoạn tàn độc của người phụ nữ này.
Các đội thi thuyết trình về sản phẩm tái chế của mình trước Ban Giám khảo cuộc thi

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường giành giải nhất hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường” thị xã An Khê

(GLO)- Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2024), ngày 24-6, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã An Khê tổ chức Hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường”. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường-hội viên phụ nữ xã Cửu An xuất sắc giành giải nhất hội thi.