“Chỉ số giá cả năm đạt mức khoảng 7% là tương đối khả thi nếu chúng ta thực hiện quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp cùng việc thực hiện Nghị quyết 18 của Chính phủ”- ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính khẳng định.
Ông Thoả cho rằng: “Trước hết phải tổ chức dự báo sát nhu cầu để triển khai tích cực kế hoạch sản xuất kinh doanh bảo đảm đủ lượng hàng hóa cho tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng gây sốt giá (thường nhu cầu cho tiêu dùng Tết tăng khoảng 20%). Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn về mở rộng thị trường, về thủ tục hành chính... để giúp các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, chuẩn bị đủ chân hàng đáp ứng nhu cầu tăng cường công tác khuyến mại, giảm giá, bán hàng hóa dịch vụ thấp hơn giá thị trường.
Tiếp tục giữ ổn định giá một số hàng hóa, vật tư quan trọng mà Nhà nước còn định giá như: điện, than, khí bán cho điện, nước sạch sinh hoạt; cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt trong đô thị, khu công nghiệp... Đồng thời, áp dụng kịp thời các biện pháp bình ổn giá khi thị trường có những biến động bất thường.
Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ các phương án giá hàng hóa dịch vụ do Nhà nước đặt hàng chi từ nguồn ngân sách; hàng hóa dịch vụ còn được trợ giá, trợ cước. Không bổ sung tăng kinh phí cho những nhiệm vụ này mặc dù giá thị trường có biến động.
Triển khai kiểm soát công tác đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật Nhà nước về giá”.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 đã tăng 0,23% so với tháng 7. Mặc dù CPI vẫn duy trì mức tăng thấp, nhưng nhiều nguyên nhân tác động tăng giá vẫn còn, như thay đổi tỷ giá, điều chỉnh giá xăng dầu; hay giá gas mới được đồng loạt điều chỉnh trong thời gian gần đây; phí vận tải đang đứng trước áp lực tăng giá...
Ông thoả cho rằng: “Với mức tăng chung của cả nước trong tháng 8 như vậy có thể chấp nhận được. Tuy nhiên mức tăng của một số địa phương lại khá cao; cần được đánh giá đúng để có biện pháp bình ổn giá phù hợp như: Vĩnh Long 3,42%; Long An: 0,89%; Hà Nam: 0,54%; Thái Bình: 0,48%. Đồng thời mức tăng của chỉ số giá một số mặt hàng cũng có những điều bất hợp lý, như: lương thực, giáo dục... cần được chú ý đúng mức trong điều hành...”.
Về nguyên nhân CPI tháng 8 tăng, ông Thoả cho rằng: “Đáng chú ý là trong dịp này học sinh cả nước bước vào năm học mới, nhu cầu đồ dùng học tập tăng đẩy giá tăng, đồng thời một số địa phương cũng đã tăng học phí vào dịp này làm cho chỉ số giá nhóm hàng giáo dục tăng 1,29%. Ngoài ra còn có tác động do các doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng dầu, giá sữa, giá một số vật liệu xây dựng... và tác động của những khó khăn, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra...”.
Ngoài ra, trên thị trường thế giới, giá một số mặt hàng có biến động nhẹ tác động vào giá thị trường trong nước như: gạo, đường, phân bón, phôi thép, thức ăn chăn nuôi, bột giấy... ở thị trường trong nước, giá lương thực sau 5 tháng giảm liên tiếp đã tăng 0,67% (tháng 3 giảm 0,9%, tháng 4:- 1,91%, tháng 5:- 1,29%, tháng 6:- 0,83%, tháng 7:- 0,97%); trong đó: gạo tăng 0,7%, bột mỳ và ngũ cốc khác tăng 1,57%, lương thực chế biến tăng 0,19%. Giá lương thực tăng, nhóm hàng thực phẩm cũng tăng nhẹ.