Nhà lắp ghép là khái niệm còn khá mới mẻ đối với nhiều người nhưng nhờ vào những ưu điểm như dễ thi công, giá thành rẻ mà gần đây nó đã nhận được rất nhiều sự chú ý từ người dân và các chủ đầu tư.
Trước đây, nhắc đến nhà lắp ghép là mọi người sẽ nghĩ ngay đến những căn nhà tạm bợ có giá thành rất rẻ dùng làm chỗ ở cho công nhân, làm nhà kho hay nhà tạm cho các khu điều hành của dự án. Nhưng cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, giờ đây nhà lắp ghép còn được sử dụng làm nhà để ở cho những người trẻ tuổi, cặp vợ chồng mới cưới hoặc làm homestay cho những địa điểm kinh doanh du lịch với chi phí vừa phải.
Với những ưu điểm về giá thành thấp, thi công dễ dàng nhanh chóng, tính thẩm mỹ cao, mẫu mã đa dạng và rất thân thiện với môi trường nên nhà lắp ghép ngày càng được biết đến và sử dụng rộng rãi.
|
Giá thành rẻ, thi công dễ dàng, nhanh chóng khiến nhà lắp ghép được nhiều người ưa chuộng. |
Cấu tạo của một ngôi nhà lắp ghép sử dụng những loại vật liệu nhẹ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cũng như an toàn tuyệt đối. Khung cột, kèo, xà gỗ đều được sử dụng thép CT3 mạ kẽm. Tấm che, vách ngăn sử dụng loại có cấu tạo 2 mặt bằng tôn, ở giữa là lớp xốp/PU cách nhiệt và cách âm. Tấm lợp mái nhà dùng loại tôn dày. Cửa đi và cửa sổ thường là loại cửa nhôm kính, cửa thép hoặc cửa panel.
|
Nhà lắp ghép được cấu tạo từ những vật liệu nhẹ nhưng rất bền bỉ, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. |
Giá thành của một ngôi nhà lắp ghép tùy thuộc vào diện tích cũng như loại vật liệu được sử dụng. Rẻ nhất là 50 triệu đồng cho một căn nhà lắp ghép, loại đắt tiền hơn thì có thể dao động từ khoảng 150 triệu đến 600 triệu đồng, chưa bao gồm chi phí thi công điện, nước. Mức giá trên thị trường hiện nay cho một ngôi nhà lắp ghép sử dụng khung thép là vào khoảng 1,2 - 2,5 triệu đồng/m2. Cao cấp hơn thì có nhà phong cách thuần Việt với giá dao động khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/m2. Đắt nhất là loại nhà Nhật di động với giá lên đến hơn 5 triệu đồng/m2.
|
Nhà lắp ghép có tính thẩm mỹ cao và rất đa dạng về mẫu mã. |
Theo anh Đức Việt - giám sát thi công nhà lắp ghép tại Hà Nội chia sẻ, hiện nay thời gian để thi công hoàn chỉnh một ngôi nhà cho khách hàng chỉ khoảng 7 đến 10 ngày. Đây là với những mẫu nhà đã có sẵn, còn những ngôi nhà 2 tầng hoặc có điều chỉnh trong thiết kế theo ý thích của chủ nhân thì thời gian thi công sẽ lâu hơn, khoảng chừng 20 - 25 tuần để hoàn thiện.
Khách hàng lựa chọn nhà lắp ghép đa phần là những người còn trẻ tuổi, họ có đất nhưng chưa có nhiều kinh phí để xây dựng một ngôi nhà kiểu truyền thống nên đã lựa chọn kiểu nhà này để tiết kiệm tiền bạc cũng như thời gian. Tuổi thọ trung bình của một ngôi nhà lắp ghép lên đến 30 - 50 năm, hoàn toàn phù hợp để những gia đình trẻ sử dụng lâu dài.
Có nhiều thế mạnh vượt trội như vậy nhưng theo anh Đức Việt, nhà lắp ghép vẫn tồn tại một số nhược điểm. Đó là về độ bền nếu so với nhà bê tông bình thường, dù làm bằng những loại vật liệu tiên tiến nhất nhưng loại nhà này vẫn không thể bền vững bằng nhà kiểu truyền thống. Một điểm trừ nữa là thi công xây dựng nhà lắp ghép đòi hỏi không gian, diện tích rất rộng. Chính vì thế nhà lắp ghép không phù hợp với nhà ngõ hoặc phố nhỏ với diện tích khiêm tốn.
|
Nhược điểm của kiểu nhà này là cần không gian rộng để thi công, lắp ghép. |
Nhiều người khi có định xây dựng một căn nhà lắp ghép lại đang gặp phải một vấn đề khá đau đầu khi thông tin về kiểu nhà này đang khá nhiễu loạn. Vì là xu thế mới nên chưa nhiều người tìm hiểu rõ các thông tin về giá thành cũng như các loại vật liệu dựng nhà.
Trần Hiền (28 tuổi sống tại Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng chị đang có ý định xây dựng một căn nhà lắp ghép với tài chính khoảng 150 triệu đồng. Thế nhưng khi nhận được tư vấn báo giá, chị cảm thấy khá lúng túng vì có quá nhiều loại vật liệu, giá cả thì chênh lệch đến hàng chục triệu đồng. Trước ma trận thông tin ấy, chị Hiền vẫn chưa thể quyết định được sẽ xây dựng căn nhà của mình như thế nào.
“Một bên khá lớn tư vấn cho tôi nên dùng vách ngăn có cấu tạo 2 mặt bằng tôn, giữa lớp xốp/ PU cách nhiệt tốt, cách âm dày 50- 100 mm, tấm lợp là loại dày 100 - 150 mm. Hệ thống cửa đi và cửa sổ thì sử dụng cửa nhôm kính. Một bên khác thì lại mời chào tôi sử dụng cửa nhựa lõi sắt, cửa gỗ, cửa uPVC, cửa kính cường lực... làm cho tôi chóng hết cả mặt” - chị Hiền tỏ ra hoang mang.
Theo một nhà thầu chuyên thi công nhà lắp ghép, trước những thông tin nhiễu loạn như vậy, khách hàng cần bình tĩnh và xác định rõ số chi phí mà mình bỏ ra cho ngôi nhà. Để có thể cân đối giữa diện tích cũng như chi phí vật liệu, chi phí hoàn thiện tránh việc phát sinh hạng mục dẫn đến đội vốn quá cao so với dự tính ban đầu.
CTV Trần Ngân/VOV.VN (Tổng hợp)