Chênh vênh đường về Triều Châu, xóm Bàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày cuối đông, đường về làng đan rổ Triều Châu (thôn Triều Châu, xã Duy Phước), xóm Bàu (thôn Văn Quật, xã Duy Thành, Duy Xuyên) với những con đường nhỏ, yên bình bỗng hóa chênh vênh. Ngôi làng nhỏ, nơi lưu giữ ký ức, tuổi thơ hồn nhiên, lưu giữ những giá trị tinh hoa một thuở đang biến động từng ngày. Làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một khi thế hệ người già dần xa vắng, còn người trẻ không ai mặn mà bám nghề.
 
Để có được những sản phẩm tinh xảo, người đan phải trải qua rất nhiều khâu tỉ mỉ.
Để có được những sản phẩm tinh xảo, người đan phải trải qua rất nhiều khâu tỉ mỉ.
Vang bóng một thuở
Triều Châu, xóm Bàu là ngôi làng, ngõ xóm mà chỉ cần gọi tên thôi đã nghe quen thuộc như một phần ký ức của người con Duy Phước, Duy Thành. Với nhiều người sinh ra và lớn lên trên đất này, mỗi cuộc trở về với những tên làng, địa danh như khơi gợi trong miền ký ức về tuổi thơ tươi đẹp, hồn nhiên.
Nơi đó, bao thế hệ cư dân đã miệt mài làm nên những chiếc rổ, chiếc sàng, mủng, dừng, thúng, nia, dí… Chính đôi bàn tay tài hoa, tảo tần đã nuôi sống bao thế hệ trưởng thành.
Trong thời đại 4.0, các loại túi ny lon, sản phẩm nhựa lên ngôi, chợt se sắt khi bất chợt bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ bưng rổ cá, rổ rau đậy tàu lá chuối thoăn thoắt ra chợ. Vô hình chung, họ - một bộ phận nông dân, những nghệ nhân làng nghề truyền thống bỗng trở nên “lạc hậu”…
Một ngày, băng qua cánh đồng rộng lớn, cây cầu nho nhỏ, những mái ngói bình yên, ghé qua Triều Châu nằm ở rẻo đất Duy Phước rồi đi qua xóm Bàu sát đó, nghe rất đỗi bình yên.
Xa xa, vọng lại tiếng cọc cạch chẻ tre, rồi hình ảnh một lão nông ngồi vót, trau chuốt từng nan tre với chiếc rựa bén ngót trên tay, tỉ mẩn trước hiên nhà, thân thương đến lạ. Hầu hết “thợ thủ công” là người lớn tuổi, tranh thủ vót tre, đan đát những chiếc rổ lớn nhỏ để kiếm thêm chút thu nhập cải thiện đời sống.
 Ông Nguyễn Xượt, một lão nông xóm Bàu thở dài: “Lao động làng nghề chừ đi các ngã rồi, ngay các gia đình ngày trước đan rổ, nong, nia... cũng nghỉ hết rồi. Một phần do sản phẩm làng nghề bây giờ ế ẩm, bí đầu ra.
Mấy ai còn sử dụng rổ rá, rổ sảo, dừng, sàng, nong nia, hay dí... trong đời sống như thuở trước nên sản phẩm bán rất chậm. Vợ chồng tôi đan cả ngày cao nhất chỉ kiếm chừng 100 nghìn đồng/người, có khi không được”.
Cũng theo ông Nguyễn Xượt, thế hệ trẻ không rành nghề đan, rành kiểu đan nan mốt, nan hai thì làm sao mà giữ lửa nghề truyền thống. Nghề đan rổ Triều Châu và đan nhiều sản phẩm khác đã dần mất trên làng Triều Châu, xóm Bàu từng một thời vang bóng là vậy.
Dấu ấn sản phẩm Triều Châu
Theo ông Đỗ Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Duy Thành, xóm Bàu còn lác đác vài hộ giữ nghề đan tre chính và một số hộ đan mang tính thời vụ. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị huyện và các cơ quan chức năng công nhận nghề đan lát ở xóm Bàu là làng nghề truyền thống, song vẫn chưa có hồi âm. Làng nghề truyền thống đang mai một mà thiếu cơ chế, chính sách bảo tồn khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Đan tre là nghề cha truyền con nối trên đất Triều Châu, xóm Bàu. Ông Nguyễn Xượt nói, thời hưng thịnh, tầm 10 năm trở về trước, cả xóm Bàu có tới 80% gia đình theo nghề nhưng nay chỉ còn vài ba hộ đan chính, còn rải rác một số hộ đan mang tính thời vụ.
Còn Triều Châu thì không còn ai bám nghề, chỉ một vài cụ già làm lẻ tẻ nhưng sản phẩm không được bao nhiêu, chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng gia đình.
Không ai nhớ rõ gốc tích của làng nghề. Trước nay, đàn ông có sức khỏe thì làm những loại rổ to, dày bản dùng trong sản xuất nông nghiệp, còn phụ nữ tay yếu chân mềm, làm mủng trẹt, loại mềm, nhỏ dùng để trang trí ở nhà hàng, khách sạn hay những dịp hội trại. Muốn đan được loại rổ bền đẹp, khâu chọn tre rất quan trọng, tre phải già, chắc, dai để dễ uốn cong. Khi mua tre về, phải ngâm dưới ao, bàu để sử dụng dần.
Cả Triều Châu và xóm Bàu từng chuyên làm loại rổ Triều Châu, loại rổ chuyên phục vụ sản xuất nông nghiệp, có nan dày, vành chắc, lỗ to. Rổ bộng Triều Châu được gọi theo tên làng Triều Châu nhưng về sau đã trở thành tên của loại sản phẩm, chỉ cần khách đặt rổ Triều Châu thì ai cũng hiểu là rổ bộng.
Theo các thợ đan lành nghề, để tạo nguyên liệu tre đan, người dân Triều Châu, xóm Bàu mua nguyên liệu tre già cả bụi, đem về ngâm cả năm trời để giữ tươi, chống mọt, giữ độ bền chắc. Tre ngâm vớt lên, trải qua 8 - 9 công đoạn như chẻ nan, vót, róc vành... mới hoàn thành sản phẩm.
Ngoài rổ bộng, còn có rổ rá và hàng chục loại rổ như rổ sảo đan sưa bằng nan mốt (sổ lúa, sổ đậu), các loại rổ đan nan hai khác, rổ ôm dùng đựng cá đồng và cá sông. Còn có rổ giê (giê lúa, đậu), sàng, dừng, mủng 1 ang, mủng 2 ang, mủng 3 ang, dí phơi lúa, tấm cót phơi lúa…
“Những chiếc rổ rất cần thiết ở các làng nghề hấp cá Duy Hải, Duy Nghĩa… Các nhà hàng, khách sạn Hội An thích sử dụng những mẫu rổ và mẹt nhỏ, giàu thẩm mỹ để đựng thức ăn và trang trí. Người xóm Bàu còn đan loại rổ nhỏ đựng rau sống, bánh xèo, đan giỏ quà tết theo mẫu yêu cầu. Gia đình tôi chuyên về các loại rổ, nia, nong, dí...” - ông Nguyễn Xượt kể.
Ngắc ngoải làng nghề
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nghề đan rổ truyền thống nơi đây bị ảnh hưởng khi sản phẩm bán không chạy. Trong khi nhân công, vật giá leo thang, giá tre tươi cũng tăng so với trước trong khi giá sản phẩm không nhỉnh hơn là bao.
 
Để có được những sản phẩm tinh xảo, người đan phải trải qua rất nhiều khâu tỉ mỉ.
Để có được những sản phẩm tinh xảo, người đan phải trải qua rất nhiều khâu tỉ mỉ.
Tiền bán sản phẩm không thấm vào đâu so với công sức bỏ ra nên nhiều người không mặn mà giữ nghề. “Những năm trước, mùng 5 tháng 5 âm lịch tới tháng Chạp, người mua rất nhiều nhưng chừ hàng bán rất chậm, tôi phải lưu kho bán dần. Trước, làm không kịp hàng, phải thức khuya dậy sớm để làm thì nay không cần nữa” - ông Xượt cho hay.
Những người thợ lành nghề, nói đúng ra là nghệ nhân của làng nghề truyền thống đan tre, đan rổ Triều Châu đã dần khuất bóng. Xóm Bàu còn lác đác mấy nhà giữ nghề, song ai cũng lo lắng khi thiếu người kế cận.
Chưa kể, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt hiện nay, liệu mai này có còn tre xanh, nguyên liệu cho nghề đan? Đáng nói, làng nghề đan rổ Triều Châu, xóm Bàu chỉ cách ngã ba Nam Phước (Duy Xuyên) chừng mươi cây số và nằm trên cung đường từ Hội An lên, Mỹ Sơn xuống, hay từ Đà Nẵng vào đều thuận tiện.
Với những giá trị, tinh hoa của làng nghề, địa phương và ngành chức năng cần có cơ chế bảo tồn, khuyến khích phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo các điểm đến trải nghiệm, hấp dẫn du khách. Cần thiết đào tạo các lớp đan tre với việc dần làm cho các sản phẩm làng nghề tinh xảo, để lan tỏa giá trị tinh hoa, vừa tạo sản phẩm du lịch độc đáo trên đất Triều Châu, xóm Bàu.
Niềm mong mỏi vào một thế hệ kế cận đã trở nên xa vắng. Đường về xóm Bàu, Triều Châu dằng dặc những nỗi buồn. Biết tìm đâu khí thế của làng nghề ở thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 với những cảnh nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán người mua, tiếng chẻ tre, vót nan, tiếng rựa lục đục vọng lại từ những ngôi nhà, xóm nhỏ.
Nghề đã nuôi nấng biết bao thế hệ nên người, để rồi bao người con xa quê, đi các ngã, nhập vào dòng sống hiện đại. Liệu có ai còn nhớ tuổi thơ, quay về với ký ức nơi con xóm nhỏ, thả nỗi buồn chơi vơi?
Theo Hoàng Liên (Báo Quảng Nam)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.