Chắp cánh ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đối với các em học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) thì trường nội trú chính là ngôi nhà thứ hai-nơi chuẩn bị hành trang và chắp cánh ước mơ để các em vững bước vào tương lai.

Những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai và Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai (thị xã An Khê) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS và duy trì ổn định qua các năm học. Nhiều năm liền, 2 trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt 100%; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trên 80%.

Đối với các em học sinh dân tộc thiểu số thì trường nội trú chính là nơi chắp cánh ước mơ của mình. Ảnh: Mai Ka

Đối với các em học sinh dân tộc thiểu số thì trường nội trú chính là nơi chắp cánh ước mơ của mình. Ảnh: Mai Ka

Thắp sáng ước mơ

Em Ksor H’Mây-cựu học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh-chia sẻ cùng chúng tôi chuyện mình đã đậu vào Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với điểm số 24,2 trong niềm vui sướng.

H’Mây tâm sự: “Từ nhỏ, em đã mơ ước được bước vào giảng đường đại học. Và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh là nơi giúp em thực hiện ước mơ. Em thấy mình vô cùng may mắn khi được học tại trường, được gặp thầy cô, bạn bè mọi lúc, mọi nơi; qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình học tập. Em biết ơn nhà trường, thầy cô đã quan tâm, dạy dỗ, tạo điều kiện tốt nhất cho chúng em”.

Em Ksor H’ Mây (Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh) vừa đậu vào Trường Đại học Công nghệ Thông tin Quốc gia TP. HCM. Ảnh: Đồng Lai

Em Ksor H’ Mây (Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh) vừa đậu vào Trường Đại học Công nghệ Thông tin Quốc gia TP. HCM. Ảnh: Đồng Lai

Em Siu Nho cũng là cựu học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Không được may mắn như các bạn đồng trang lứa, Nho mồ côi mẹ từ nhỏ và được Làng trẻ em SOS Pleiku nhận nuôi từ năm 15 tuổi. Tuy có tiền sử bệnh tim nhưng em đã cố gắng vượt qua để trở thành tân sinh viên ngành Sư phạm Địa lý Trường Đại học Quy Nhơn.

Siu Nho bày tỏ: “Chúng em luôn được nhà trường quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để học tập. Vì là học sinh nội trú nên được các thầy cô quan tâm từ bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là động lực để em luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Trong tương lai, em ước mong được trở về nơi mình sinh ra, lớn lên để dạy học, truyền đạt kiến thức cho các học sinh DTTS”.

Trong số học sinh đậu đại học năm nay của Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai có em Hoàng Thị Thanh Nhi. Sinh ra và lớn lên trong gia cảnh khó khăn, Nhi đã từng phải đứng trước 2 lựa chọn: nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ làm rẫy hoặc vào một trường THPT được miễn học phí. Nghèo khó không phải là lý do để Nhi từ bỏ ước mơ, em đã quyết tâm theo học tại Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai.

Trong suốt 3 năm học ở đây, Nhi luôn nỗ lực vươn lên và đạt nhiều thành tích xuất sắc như: học sinh giỏi 3 năm liên tiếp; danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp tỉnh năm học 2022-2023; nhận học bổng Nay Der; được kết nạp vào Đảng năm học lớp 12. Không những thế, Nhi đã đậu vào Trường Đại học Quy Nhơn, ngôi trường mà em hằng mong ước.

Chia sẻ về thành tích đạt được, Nhi cho biết: Ngoài nỗ lực của bản thân không thể thiếu sự quan tâm đặc biệt của nhà trường và thầy cô. Và em mong muốn trở thành giáo viên giống như những người thầy, người cô của em để mang tri thức đến với các học sinh DTTS.

Em H'Âu đậu nguyện vọng 1 Trường Đại học Y-Dược (Đại học Huế). Ảnh: Đồng Lai

Em H'Âu đậu nguyện vọng 1 Trường Đại học Y-Dược (Đại học Huế). Ảnh: Đồng Lai

Vừa biết mình đậu nguyện vọng 1 Trường Đại học Y-Dược (Đại học Huế) với 21,1 điểm tổ hợp khối B00, em H’Âu xúc động thông báo với thầy cô của mình. 3 năm trước, từ buôn Sar (xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa), H’Âu được tuyển vào học tại Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai.

Sau những ngày đầu bỡ ngỡ, em đã nhanh chóng bắt nhịp với việc học. H’Âu nhớ lại: “Ngày em nhập học, bà con trong buôn đã đến nhà chúc mừng, động viên. Mang theo ước mơ và niềm hy vọng của gia đình cũng như của bà con dân làng nên em luôn nỗ lực phấn đấu học tập, hoàn thiện bản thân”.

Để có thể chạm tới mục tiêu, bản thân H’Âu đã có kế hoạch học tập cụ thể. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, H’Âu tìm hiểu những ngành học có thể hướng tới và lập nghiệp sau này. “Tới đây, em sẽ cố gắng sắp xếp tham gia các hoạt động tình nguyện, các câu lạc bộ để rèn luyện kỹ năng cũng như tích lũy thêm kinh nghiệm sống cho bản thân”-H’Âu cho hay.

Nâng cao chất lượng giáo dục

Với đối tượng học sinh và mô hình giáo dục đặc thù, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch dạy và học phù hợp, hiệu quả. Nhờ đó, nhiều năm liền, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của cả 2 trường đều đạt 100%, trong đó, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã duy trì thành tích này suốt 13 năm qua.

Là người gắn bó với sự nghiệp giáo dục dân tộc tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh trong suốt 27 năm, thầy Rmah Kmlă-Phó Hiệu trưởng nhà trường-nhìn nhận: Những năm đầu thành lập, nhà trường gặp vô vàn khó khăn bởi cơ sở vật chất thiếu thốn; hầu hết giáo viên còn trẻ, chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy học sinh DTTS.

Nhiều em học sinh nói chưa thạo tiếng Việt, thiếu kỹ năng tự học và sống trong môi trường tập thể. Chất lượng giáo dục của nhà trường vì thế không ổn định và đứng áp chót trong khối các trường THPT.

Thầy Rmah Kmlă-Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh luôn sát cánh bên các em học sinh. Ảnh: Trần Dung

Thầy Rmah Kmlă-Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh luôn sát cánh bên các em học sinh. Ảnh: Trần Dung

Tuy nhiên, với sự đoàn kết, quyết tâm cao trong đổi mới biện pháp quản lý và phương pháp giảng dạy, cùng với sự đầu tư của tỉnh về cơ sở vật chất, nhà trường đã từng bước vươn lên khẳng định vị thế của mình trong khối các trường THPT của tỉnh. Chất lượng giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh được giữ vững và nâng cao. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển đại học luôn đạt trên 80%. Bình quân hàng năm, nhà trường có hơn 10 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh.

“Sau hơn 30 năm, đã có gần 3.000 học sinh trưởng thành từ mái trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Nhà trường đã góp phần đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh địa phương”-thầy Rmah Kmlă nhấn mạnh.

Với đặc thù là trường nội trú nên các em đều học tập và sinh hoạt tập trung tại trường. Vì vậy, ngoài việc dạy học, các thầy-cô giáo của Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai còn luôn quan tâm đến nơi ăn, chốn ở cho các em. Các thầy cô không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn là người cha, người mẹ dạy bảo các em từng ly từng tí.

Các thầy cô ở đây thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”; giảng dạy từ dễ đến khó, khi các em hiểu được bài cũ mới dạy bài mới; hướng dẫn học sinh ôn luyện, làm bài tập nhiều lần để ghi nhớ kiến thức đã học, chỗ nào chưa hiểu thì khuyến khích học sinh mạnh dạn trao đổi, tự nghiên cứu.

Bên cạnh đó, các thầy cô còn dành nhiều thời gian để kèm cặp, phụ đạo học sinh yếu. Do học sinh đều ở nội trú nên thầy cô rất gần gũi, nắm được điểm mạnh, điểm yếu của từng em để có giải pháp bồi dưỡng, phụ đạo phù hợp.

Thầy Võ Đăng Phước-Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai-thông tin: “Học sinh của trường gồm nhiều dân tộc ở 7 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh nhưng các em có tinh thần đoàn kết, biết yêu thương, học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi luôn quyết tâm tạo dựng một môi trường học tập lành mạnh, thân thiện, an toàn có nền nếp, kỷ cương, có chất lượng, hiệu quả cao, để mỗi học sinh đều có cơ hội được học tập, sáng tạo, rèn luyện tích cực, vui chơi lành mạnh, phát triển toàn diện. Nhà trường chú trọng giáo dục cả về kiến thức, kỹ năng và đạo đức, lối sống, thể chất theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh”.

Cùng với đó, Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai giữ vững quy mô số lượng ổn định với 13 lớp (445 học sinh); giữ vững danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia, tiếp tục gây dựng thương hiệu, xây dựng trường thành điểm sáng trong giáo dục toàn diện cho học sinh.

Nhằm duy trì tỷ lệ tốt nghiệp THPT và nâng cao điểm trung bình các môn thi, nhà trường đã chia quá trình ôn thi cho học sinh thành 3 giai đoạn với mục tiêu “học đến đâu, chắc đến đó”. Đồng thời, tiến hành phân loại đối tượng học sinh và xác định chỉ tập trung giúp các em nắm chắc kiến thức cốt lõi, cơ bản và khuyến khích học sinh tự tìm tòi, mở rộng, đào sâu kiến thức từng môn. Nhiều giáo viên cũng không quản ngại khó khăn, tìm ra phương pháp dạy học hiệu quả.

“Những nỗ lực của các thầy-cô giáo đã giúp các em học sinh hoàn thiện tâm hồn, thể lực, trí tuệ và vững tin mở cánh cửa bước vào tương lai; khẳng định niềm tin đối với phụ huynh khi gửi gắm con em dưới mái trường đặc thù này”-thầy Võ Đăng Phước khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Bí quyết giỏi ngoại ngữ của nam sinh Gia Lai từng "mất gốc" tiếng Anh

Bí quyết giỏi ngoại ngữ của nam sinh Gia Lai từng "mất gốc" tiếng Anh

(GLO)- Từ một người "mất gốc" tiếng Anh, em Phạm Anh Kiệt-Lớp 11C5, Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã có sự bứt phá đầy ấn tượng. Ngoài nâng điểm trung bình môn lên trên 9, nam sinh này còn trở thành "thủ lĩnh" CLB tiếng Anh của trường và MC Anh ngữ cho nhiều chương trình ngoại khóa.

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

'Lớp học đảo ngược' với ChatGPT

Chẳng còn gì ngạc nhiên khi nghe chuyện học trò sử dụng ChatGPT và có thể là nhiều hỗ trợ AI khác nữa để "xử đẹp" các bài tập môn này môn kia. Nhưng cũng chẳng có lý do gì để đặt ra chuyện cấm dùng những hỗ trợ đó.

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.