Y Khưm-Người "truyền lửa" môn đẩy gậy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) hỏi về vận động viên Y Khưm thì ai cũng biết. Bởi lẽ, anh là gương mặt “vàng” của bộ môn đẩy gậy tỉnh nhà.
Anh Y Khưm tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4, trên tường treo đầy huy chương, bằng khen, giấy khen, trong đó có nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng. Nhìn vào thành tích trên, ít ai biết rằng vận động viên đẩy gậy đã từng không có đối thủ ở hạng cân 57-60 kg ấy hàng ngày vẫn chăm chỉ bên vườn cà phê và giúp vợ chăn nuôi heo, gà.
Anh Y Khưm cho biết: “Tôi là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em. Gia đình làm nông quanh năm bận rộn với ruộng đồng, nhưng tôi rất tích cực tham gia các phong trào thể thao tại địa phương. Từ năm 2002 đến nay, tôi liên tục tham gia hội thao các dân tộc thiểu số và giành được nhiều huy chương vàng, huy chương bạc. Ngoài môn đẩy gậy, tôi còn tham gia môn bóng đá và kéo co”.
Theo anh Y Khưm, lúc mới làm quen với môn đẩy gậy, toàn thân anh đau nhức, nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng với niềm đam mê và sự động viên của mọi người xung quanh, anh cố gắng vượt qua rồi gắn bó với môn thể thao này.
“Khi tập luyện và tham gia thi đấu, tôi thấy môn đẩy gậy phù hợp, giúp mình rèn luyện sức khỏe; đồng thời được thi đấu cọ xát, giao lưu với nhiều vận động viên thuộc các dân tộc anh em, giúp học hỏi thêm được nhiều thứ. Đặc biệt, cảm giác chiến thắng sau mỗi trận thi đấu thật tuyệt vời, giúp tiếp thêm nghị lực để tôi gắn bó với môn đẩy gậy”-anh Y Khưm chia sẻ.
 Anh Y Khưm trên bục nhận huy chương vàng tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2020. Ảnh: Hà Phương
Anh Y Khưm trên bục nhận huy chương vàng tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai năm 2020. Ảnh: Hà Phương
Những ai từng chứng kiến anh Y Khưm thi đấu đều không thể quên hình ảnh chàng trai có thân hình rắn chắc và luôn đi chân đất mỗi khi tham gia thi đấu. Thói quen này nhiều khi khiến anh gặp bất lợi do không phải mặt sân nào cũng thích hợp với chân đất, thậm chí có thể gây chấn thương. Thế nhưng, từ ngày tham gia đẩy gậy chưa khi nào anh bị thua trước các đối thủ ở cùng hạng cân. Thành tích của anh Y Khưm được ghi nhận với 11 huy chương vàng khu vực, toàn quốc và rất nhiều huy chương vàng tại các giải trong tỉnh.
Không chỉ thi đấu, nhiều năm nay, anh Y Khưm còn huấn luyện hàng trăm em học sinh ở các huyện: Đức Cơ, Đak Đoa, Chư Prông và các trường học trên địa bàn TP. Pleiku. Sau khi tập luyện, các em tham gia thi đấu đều giành được thành tích cao cho đơn vị.
Mới đây nhất, năm 2019, anh huấn luyện học sinh Trường Dân tộc Nội trú THCS huyện Chư Prông tham gia thi đấu 12 hạng cân và giành 12 huy chương tại Hội thao các dân tộc thiểu số do huyện tổ chức, tham gia 12 hạng cân và giành 10 huy chương vàng tại Hội thao các dân tộc thiểu số do tỉnh tổ chức. Ngoài ra, anh còn được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam và Bình Định mời làm huấn luyện viên bộ môn đẩy gậy cho vận động viên địa phương.
Y Khưm (người đang ngồi chỉ tay) bên VĐV của mình đang thi đấu. Ảnh: Hà Phương
Các vận động viên do anh Y Khưm huấn luyện đều giành được thành tích cao tại các giải đấu. Ảnh: Hà Phương
Nói về anh Y Khưm, vận động viên Nghi (làng Cô, xã Trang, huyện Đak Đoa) nhận xét: “Em được anh Y Khưm huấn luyện gần 2 năm. Quá trình tập luyện, anh tận tình hướng dẫn từng động tác và khi được tham gia thi đấu ở các hội thao do xã, huyện tổ chức, em luôn giành được thành tích cao nhất. Năm 2017, em được anh Y Khưm đưa đi tham gia thi đấu tại Hội thao các dân tộc thiểu số toàn quốc, ở hạng cân 65 kg và giành được huy chương vàng. Em sẽ cố gắng tập luyện giống anh Y Khưm để giành được nhiều thành tích hơn cho thể thao tỉnh nhà”.
Nói về dự định trong tương lai, anh Y Khưm cho biết: “Nếu ở nơi nào cần huấn luyện giúp thì tôi sẵn sàng. Tôi mong các cấp chính quyền tổ chức nhiều sân chơi thể thao cho đồng bào dân tộc thiểu số. Sau này, tôi muốn trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp môn đẩy gậy để góp phần duy trì môn thể thao truyền thống cho các thế hệ sau. Qua đó, giúp người dân rèn luyện sức khỏe và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Bahnar nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung”.
Ông Nguyễn Văn Ý-Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh-nhận xét: “Hoàn cảnh gia đình của vận động viên Y Khưm rất khó khăn, chế độ đãi ngộ của Nhà nước không có. Tuy nhiên, anh Y Khưm rất chăm chỉ tập luyện và có tố chất, khi tham gia thi đấu rất mạnh mẽ, quyết tâm cao và luôn giành thành tích cao ở các giải khu vực và toàn quốc. Ngoài ra, chúng tôi luôn tạo điều kiện để anh Y Khưm đi huấn luyện môn đẩy gậy cho các tỉnh bạn khi có nhu cầu”.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

U70 đạp xe để vượt lên chính mình

U70 đạp xe để vượt lên chính mình

(GLO)- Đối với ông Hồ Sĩ Hồng (SN 1960, tổ 1, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) thì mỗi chuyến đi xa là một cơ hội để trải nghiệm, khám phá những cung đường mới, cũng là dịp để thử thách bản thân, quyết tâm vượt lên chính mình.