Krông Pa chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong vụ Đông Xuân 2020-2021

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bước vào vụ Đông Xuân 2020-2021, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn huyện gieo trồng 9.727 ha, trong đó có 2.000 ha lúa, 300 ha bắp, 1.300 ha rau các loại, 1.104 ha đậu, 2.200 ha thuốc lá, 1.575 ha mì, 800 ha mía (lưu gốc 700 ha và trồng mới 100 ha), 300 ha khoai lang và một số cây trồng ngắn ngày. Nhờ thời tiết thuận lợi, đến nay, người dân đã xuống giống được 8.861 ha, đạt 91,1% kế hoạch.
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-phấn khởi nói: “Những ngày cuối năm, thời tiết mát mẻ, có mưa nhẹ, các hồ đập cũng tích đủ nước để tưới cho các loại cây trồng. Bước vào đầu vụ, người dân đã chủ động chuẩn bị đất, nguồn giống, vật tư nông nghiệp để khi có nước từ các công trình thủy lợi về là triển khai xuống giống tập trung, nhanh gọn. Với tiến độ như hiện nay thì nhiều loại cây trồng, nhất là cây lúa nước sẽ tránh được hạn cuối vụ”.
Nông dân Krông Pa làm đất chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh: Lê Nam
Nông dân Krông Pa làm đất chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân. Ảnh: Lê Nam
Ngay từ đầu vụ, cơ quan chuyên môn đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn người dân về kỹ thuật canh tác, lịch thời vụ, cách phòng trừ sâu bệnh và triển khai các biện pháp phòng-chống hạn. Trong đó, khuyến cáo người dân xuống giống tập trung, nhanh gọn đối với cây lúa nước. Riêng vùng không chủ động được nguồn nước thì cần xuống giống sớm hơn để tránh hạn cuối vụ hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thị Phong (buôn Ka Tô, xã Chư Gu) cho biết: “Vụ này, gia đình tôi trồng 2 ha thuốc lá vàng. Để tiết kiệm công lao động và tiết kiệm nước, gia đình tôi vừa đầu tư khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Hy vọng sẽ đủ nước tưới cho cây trồng”.
Để phát huy hiệu quả hệ thống các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, các địa phương trong huyện đã huy động nhân dân ra quân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy và gia cố lại những đoạn kênh bị hư hỏng. Ông Nguyễn Anh Hiếu (thôn An Bình, xã Uar) cho biết: “Hy vọng với sự chủ động các giải pháp ngay từ đầu vụ sẽ giúp cho bà con sản xuất an toàn và có mùa vụ bội thu”.
Trong khi đó, ông Nay Châm-Phó Chủ tịch UBND xã Uar thì cho hay: Đến nay, người dân đã xuống giống được 636 ha, đạt hơn 80%. Cuối năm 2020, mưa bão đã làm tuyến kênh chính dẫn nước bị bồi lấp nhiều đất cát. Do đó, UBND xã đã vận động nhân dân ra quân nạo vét tuyến kênh mương, khơi thông dòng chảy, gia cố những đoạn hư hỏng... nhằm đảm bảo dẫn nước đến các cánh đồng, phục vụ tốt cho sản xuất.  
Người dân xã Uar ra quân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy
Người dân xã Uar ra quân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Ảnh: Lê Nam
Hiện nay, trên địa bàn huyện Krông Pa có 9 công trình thủy lợi với năng lực tưới khoảng 4.600 ha. Ông Bùi Văn Xóa-Giám đốc Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi huyện Krông Pa-cho biết: Năm 2020, trên địa bàn huyện có lượng mưa nhiều nên các hồ đập đã tích nước đủ theo thiết kế. Đơn vị cũng đã phối hợp với các địa phương tu sửa, nạo vét một số tuyến kênh mương bị hư hỏng, bị đất cát vùi lấp do ảnh hưởng của mưa bão cuối năm 2020 để đảm bảo cho sản xuất vụ Đông Xuân. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã xây dựng lịch tưới, điều tiết nguồn nước hợp lý, tiết kiệm ngay từ đầu vụ và sẵn sàng phương án phòng-chống hạn cho cây trồng.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Duyên cho biết thêm: Ngay từ đầu vụ, địa phương đã khuyến cáo người dân xuống giống sớm hơn 15-20 ngày so với nhiều năm để tránh hạn cuối vụ. Ngoài ra, những năm gần đây, trình độ canh tác của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực từ khâu lựa chọn giống, chuyển đổi cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường.
“Để sản xuất đạt hiệu quả, người dân vẫn phải thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, nguồn nước tại các công trình thủy lợi và cần sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý. Đồng thời, các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, vật liệu để đối phó với biến đổi khí hậu, lên phương án khi hạn hán xảy ra”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khuyến cáo.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.