Chư Sê: Thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Sê đã sẵn sàng cho Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) lần thứ III với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, đẩy mạnh giảm nghèo vùng DTTS.

Chăm lo đời sống đồng bào các DTTS

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III-năm 2019, huyện Chư Sê đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, chính sách, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội huyện nhà phát triển, nâng cao đời sống của 12.822 hộ dân thuộc 16 DTTS sinh sống trên địa bàn.

Một trong những kết quả nổi bật của huyện Chư Sê trong giai đoạn 2014-2019 là giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo. Cụ thể, cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 15,37%, tương đương 4.300 hộ, trong đó có 3.872 hộ DTTS. Đến cuối năm 2018, Chư Sê còn 2.341 hộ nghèo, trong đó có 2.206 hộ DTTS. Có được điều này là nhờ sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí của các cấp chính quyền. Hàng năm, thông qua các nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh cấp và từ nguồn xã hội hóa, huyện đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng; vận động người dân, nhất là đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tham gia các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập bình quân của người dân trong huyện (hiện đạt hơn 44,1 triệu đồng/năm).  


 

Đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số trồng cây xanh ven đường làng. Ảnh: H.S
Đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số trồng cây xanh ven đường làng. Ảnh: H.S

Bên cạnh đó, huyện Chư Sê còn thực hiện chương trình định canh định cư và bố trí lại dân cư ở tại 2 xã Ayun, Hbông trong năm 2014 với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng. 5 năm qua, huyện đã đầu tư xây dựng 64 công trình đường giao thông nông thôn, 7 công trình chuẩn hóa trường học, 2 công trình cấp nước sinh hoạt, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng... với tổng kinh phí hơn 45 tỷ đồng. Đây là việc làm thiết thực giúp người dân đi lại và giao thương thuận tiện hơn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2015 đến 2018, Chư Sê có 9/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Một kết quả nổi bật khác là Chư Sê tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Hiện nay, toàn huyện có 72/80 thôn, làng đồng bào DTTS đạt danh hiệu văn hóa (chiếm tỷ lệ 90%, tăng 11% so với năm 2014), có 35% gia đình DTTS đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm. Tỷ lệ huy động con em DTTS đến trường đạt 97,79%. Công tác y tế được chú trọng, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Khoảng 182.506 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS sinh sống ở vùng khó khăn đã được cấp với tổng kinh phí hơn 83 tỷ đồng.

Ông Trịnh Xuân Thuận-Trưởng phòng Dân tộc huyện Chư Sê-cho biết: “Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền tỉnh và huyện, từ đó từng bước nâng cao đời sống kinh tế-xã hội huyện nhà, nhất là đời sống của đồng bào DTTS và củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”.

Phát triển nhanh vùng đồng bào dân tộc

Theo kế hoạch, ngày 28-6, huyện Chư Sê sẽ tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III-năm 2019 với chủ đề “Các dân tộc huyện Chư Sê đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”. Xác định đây là một sự kiện chính trị quan trọng và là ngày hội lớn, huyện Chư Sê đang triển khai nhiều hoạt động để đại hội thành công tốt đẹp. “Chúng tôi đã hoàn thành các nội dung trong công tác tuyên truyền cho đại hội lần này. Hiện tại, đơn vị đang tích cực tập luyện chương trình văn nghệ và hoàn thành kịch bản cho buổi giao lưu gương đồng bào DTTS điển hình cho đêm dạ hội trước khi chính thức diễn ra đại hội. Các tiểu ban khác cũng đã hoàn thành nội dung được giao của đại hội lần này”-ông Trương Văn An, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Chư Sê cho hay.

Trong báo cáo chính trị cho sự kiện quan trọng này, ngoài việc đánh giá những thành tựu, hạn chế của giai đoạn 2014-2019, Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III huyện Chư Sê đã tập trung vào việc đề ra phương hướng và nhiệm vụ của giai đoạn 2019-2024. Theo đó, 5 năm tới sẽ phấn đấu phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học vùng DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định quốc phòng-an ninh.

“Huyện phấn đấu trong 5 năm tới có 30% lao động người DTTS qua bồi dưỡng, đào tạo nghề; 95% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; mỗi năm giảm 4-5% hộ nghèo; đảm bảo thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng gấp 2,5 lần so với hiện nay; đảm bảo 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và trên 80% đường trục thôn được cứng hóa; đến năm 2020 mỗi xã xây dựng 1 làng đạt chuẩn làng nông thôn mới; 100% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; bố trí lại khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn; internet đến hầu hết các thôn; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và có bác sĩ làm việc”-ông Trịnh Xuân Thuận cho biết thêm.

 

Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm

Thí sinh Nhữ Thị Nhạn đạt giải nhất kỳ thi thứ 7 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nhữ Thị Nhạn đạt giải nhất kỳ thi thứ 7 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” vừa có thông báo kết quả thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 7.
Pleiku: Cháy nhà dân tại đường Hàn Mặc Tử

Pleiku: Cháy nhà dân tại đường Hàn Mặc Tử

(GLO)- Vào khoảng 13 giờ 20 ngày 18-4, đã xảy ra vụ cháy nhà người dân tại tổ 6, phường Trà Bá, TP. Pleiku. Công an TP. Pleiku phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) nhanh chóng vào cuộc dập tắt đám cháy.