Công ty Cao su Mang Yang điểm sáng vượt khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2020 đến nay, Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang đã nỗ lực hết mình, đoàn kết nội bộ, trên dưới một lòng, đồng tâm hiệp lực vượt khó vươn lên trở thành điểm sáng về năng suất, sản lượng, tích cực tạo việc làm cho lao động địa phương và nâng cao đời sống công nhân ở khu vực Tây Nguyên”-ông Huỳnh Văn Bảo-Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam-đánh giá.
Đoàn kết vượt khó  
Ông Trương Minh Tiến-Tổng Giám đốc Công ty Cao su Mang Yang-cho hay: Để hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đầu vụ sản xuất, Công ty xây dựng các kịch bản điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Cùng với sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tập thể cán bộ, công nhân viên và người lao động đã đoàn kết một lòng để hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Trong quản trị điều hành, Công ty tích cực đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát bộ máy quản lý các cấp, xây dựng định mức và áp dụng nhiều hình thức khoán nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả công tác. Việc xây dựng quy chế hoạt động và chỉ đạo thực hiện đầu tư tài chính, nhân lực, bón phân đầy đủ để nâng cao chất lượng thâm canh vườn cây được tăng cường. Nhờ vậy, vườn cây cao su của Công ty phát triển khá tốt. Năm 2021, năng suất mủ cao su toàn Công ty bình quân đạt 1,3 tấn/ha (tăng 0,1 tấn so với năm 2020). Để phát huy công suất các nhà máy chế biến mủ cao su, mỗi năm, Công ty mua thêm hàng ngàn tấn mủ nước về chế biến. Cụ thể, năm 2021, Công ty đã thu mua 1.700 tấn mủ cao su tiểu điền, đạt 340% kế hoạch được giao, sản phẩm mủ cao su qua chế biến được khách hàng tín nhiệm và đánh giá cao. Việc quản lý chất lượng mủ từ vườn cây đến nhà máy được triển khai chặt chẽ, sản phẩm chế biến đạt tiêu chuẩn TCVN 3769:2016, TCCS 112 đối với sản phẩm thương hiệu VRG.
Công nhân khai thác mủ của Công ty Cao su Mang Yang. Ảnh: Đinh Yến
Công nhân khai thác mủ của Công ty Cao su Mang Yang. Ảnh: Đinh Yến
Tổng Giám đốc Công ty thông tin: Hiện đơn vị đang quản lý trên 7.766 ha cao su, trong đó có gần 3.017 ha đang khai thác. Vượt qua giai đoạn khó khăn, từ vụ sản xuất năm 2020, Công ty bắt đầu sản xuất kinh doanh có lãi với sản lượng trên 4.634 tấn mủ, bằng 128,73% kế hoạch được giao (tăng 1.032 tấn so với năm 2019); tổng doanh thu đạt 376,2 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 56,9 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước gần 18,656 tỷ đồng. Tiếp đà cho vụ sản xuất năm 2021, tính đến ngày 23-11-2021, Công ty đã khai thác được 4.203 tấn mủ, đạt 100,07% kế hoạch, vượt chỉ tiêu trước thời hạn 38 ngày. Ước đến ngày 31-12-2021, Công ty khai thác 4.950 tấn, đạt 117,85% kế hoạch (vượt 750 tấn so với chỉ tiêu đề ra); tổng doanh thu đạt trên 461 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 65,6 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 38,244 tỷ đồng.
Phấn khởi trước những kết quả đạt được, Công ty Cao su Mang Yang vừa tổ chức lễ mừng công hoàn thành kế hoạch 4.200 tấn mủ cao su năm 2021, về đích trước kế hoạch 38 ngày. Phát biểu tại buổi lễ mừng công, ông Huỳnh Văn Bảo-Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã biểu dương và đánh giá cao kết quả đạt được của Công ty. Từ chỗ gặp rất nhiều khó khăn nhưng Công ty đã nỗ lực hết mình, đoàn kết nội bộ, trên dưới một lòng đồng tâm hiệp lực vượt qua khó khăn trở thành điểm sáng về năng suất, sản lượng của khu vực Tây Nguyên từ năm 2020 đến nay. “Kết quả này là thành tựu đáng ghi nhận trong điều kiện sản xuất kinh doanh của Công ty còn nhiều khó khăn, nhất là khi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không thuận lợi bằng các công ty cao su khác ở Tây Nguyên. Thế nhưng, đơn vị vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch được giao”-Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đánh giá.
Nông trường Cao su Kdang là đơn vị xuất sắc về đích sớm nhất với thời gian vượt 67 ngày, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen tại buổi lễ mừng công. Ông Trần Thanh Trung-Giám đốc Nông trường-cho biết: Để đạt được kết quả này, trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Công ty. Cùng với đó, Nông trường kịp thời phát động các phong trào tạo khí thế lao động hăng say thi đua từng giờ, từng ngày. Nông trường cũng thực hiện có hiệu quả và kịp thời chỉ đạo của Công ty đối với nhiệm vụ phun thuốc phòng bệnh phấn trắng cho 1.905 ha cao su để hạn chế tình trạng rụng lá; đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân dân tộc thiểu số; làm máng che mưa cho vườn cây theo phương pháp mới để đảm bảo việc khai thác mủ không bị gián đoạn ngay cả trong mùa mưa. Với các giải pháp mạnh mẽ nên đến ngày 31-12-2021, Nông trường ước khai thác đạt 1.420 tấn, vượt 120% kế hoạch.
Chú trọng tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Theo ông Tiến, với gần 1.200 cán bộ, công nhân, người lao động (trong đó công nhân dân tộc thiểu số chiếm hơn 40%), Công ty thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, giải quyết tâm tư nguyện vọng chính đáng của người lao động. Công ty cũng chú trọng chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, duy trì tiền ăn giữa ca ở mức 20.000 đồng/người/ngày; các chế độ chính sách được giải quyết đầy đủ, kịp thời; quan tâm chăm sóc sức khỏe người lao động, hỗ trợ những công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo… Những việc làm này giúp công nhân phấn khởi, gắn bó với Công ty, yên tâm lao động sản xuất. Trong năm 2021, Công ty không xảy ra tình trạng công nhân bỏ việc; đã tuyển mới 201 lao động địa phương đáp ứng yêu cầu mở rộng diện tích cạo mủ và sản xuất kinh doanh.
Nói thêm về công tác giải quyết việc làm, ông Trương Ngọc Chiến-Giám đốc Nông trường Đoàn Kết-bày tỏ: Năm 2021, Nông trường tuyển mới hơn 100 lao động địa phương. Sau khi tuyển dụng, sát hạch tay nghề, Nông trường cử người đào tạo, phân bổ vườn cây cho người lao động. Anh Nưi (công nhân tổ 2) chia sẻ: “Trước đây, tôi ở nhà làm rẫy nhưng gia đình có ít đất sản xuất nên thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn. Đầu năm 2021, tôi vào làm công nhân, công việc ổn định, chế độ, quyền lợi được đơn vị quan tâm đầy đủ, đời sống khá hơn trước nhiều”. 
Công ty Cao su Mang Yang nhận bằng khen của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Ảnh: Đinh Yến
Công ty Cao su Mang Yang nhận bằng khen của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Ảnh: Đinh Yến
Trong khi đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý thường xuyên được Công ty cử đi đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị từ trình độ trung cấp đến sau đại học; bồi dưỡng về chuyên ngành kế toán, kiểm phẩm cao su, an toàn lao động. Nhờ được quan tâm chăm lo nhiều mặt nên cán bộ, công nhân đều nhiệt tình, năng nổ làm việc, phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nếu năm 2020 thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân, lao động đạt 6 triệu đồng/người/tháng thì năm 2021 đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng. Công ty còn làm tốt công tác hỗ trợ người nghèo, làng, xã khó khăn nơi đứng chân. Tổng số tiền đã chi cho công tác xã hội năm 2021 của Công ty là hơn 1 tỷ đồng. Các tổ chức quần chúng như Công đoàn, Đoàn Thanh niên... của Công ty đều được công nhận vững mạnh, được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen, cờ thi đua.
Dù đạt nhiều thành tựu nhưng tình hình còn chưa hết khó khăn, phía trước còn nhiều thử thách. Vì vậy, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân lao động Công ty Cao su Mang Yang xác định cần phát huy tốt hơn nữa sự đoàn kết, đồng lòng vì mục tiêu nhiệm vụ chung, làm tốt công tác quản trị điều hành, đầu tư thích đáng cho vườn cây, chăm lo đời sống người lao động để tiếp tục gặt hái “quả ngọt” trong năm kế hoạch 2022 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tích cực tham gia, phát huy trách nhiệm đồng hành cùng địa phương thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.