Nâng cao kỹ năng tuyên truyền về an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên đoàn Lao động huyện Chư Pah phối hợp với Ban An toàn Giao thông (ATGT) huyện vừa tổ chức Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về ATGT” lần thứ VI-2019. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức-lao động.

Hội thi thu hút 16 đội với 150 đoàn viên đại diện cho 84 Công đoàn cơ sở trong toàn huyện tham gia tranh tài ở 3 phần thi: giới thiệu, tìm hiểu kiến thức về Luật Giao thông Đường bộ, tiểu phẩm. Ở phần giới thiệu, các đội đều thể hiện rất ấn tượng thông qua các tiết mục hò vè, hát múa, hài kịch được dàn dựng công phu. Còn ở phần thi tìm hiểu kiến thức về Luật Giao thông Đường bộ, các đội đã cho thấy sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Vì vậy, dù có nhiều câu hỏi mở, nội dung khá khó nhưng các đội vẫn trả lời trôi chảy.

Công đoàn Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa tham gia phần thi tiểu phẩm. Ảnh: Đ.Y
Công đoàn Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa tham gia phần thi tiểu phẩm. Ảnh: Đ.Y

Sôi động, hấp dẫn nhất ở hội thi chính là phần thi tiểu phẩm. Ở phần thi này, nhiều đội đã có sự đầu tư, dàn dựng công phu các tiểu phẩm xung quanh chủ đề ATGT. Qua phần thi tiểu phẩm, các đội đã khái quát nội dung tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ, Nghị định 46/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trình chiếu những hình ảnh về các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, phân tích những hành vi đúng-sai, mức xử lý các hành vi vi phạm...

Đội thi Công đoàn Khối Đảng-Huyện ủy đạt giải nhất với tiểu phẩm “Vũ khí giết người”. Nội dung chính của tiểu phẩm là câu chuyện về một gia đình ở vùng sâu biết con chưa đủ tuổi được điều khiển xe mô tô nhưng vẫn nuông chiều mua xe cho con. Người con trai vui mừng vì có xe mô tô mới đã mời bạn đi nhậu. Do uống nhiều rượu, trên đường đi về nhà, người này đã tông phải 1 người phụ nữ dẫn đến tử vong. Kết cục, xe mô tô thì bị Công an tạm giữ, người con trai phải đi tù, còn gia đình nạn nhân bỗng dưng rơi vào cảnh con thơ mất mẹ. Tham gia tiểu phẩm này, chị Đinh Thị Thu Hương cho biết: Tiểu phẩm được dàn dựng dựa trên vấn đề đang nhức nhối hiện nay tại cơ sở, đó là tai nạn giao thông do uống rượu, bia đang ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở nông thôn nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do uống rượu, bia. Vì vậy, thông điệp mà đội muốn gửi gắm qua tiểu phẩm này là: “Đã uống rượu bia, không lái xe”.

Trong khi đó, đội Công đoàn Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa đem đến hội thi tiểu phẩm “Ngọc Hoàng hạ giới”. Bà Đinh Thị Kim Oanh-Đội trưởng đội thi này chia sẻ: “Thị trấn Phú Hòa trước đây là nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nhưng chủ yếu là do ý thức người tham gia giao thông kém, một số thanh-thiếu niên chạy xe máy lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm... Nhờ chính quyền và ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử phạt vi phạm nên đã kiềm chế đáng kể tai nạn giao thông, một số “điểm đen” giao thông như tại ngã ba Ia Ly đã được khắc phục”.

Trung tá Mạc Thế Nguyên-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an huyện Chư Pah, Trưởng ban giám khảo hội thi-nhận xét: “So với hội thi năm trước, các đội thi năm nay có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng phần kiến thức về Luật Giao thông Đường bộ và phần tiểu phẩm. Qua đó, các đội đã chuyển tải được nội dung của Luật Giao thông Đường bộ một cách dễ hiểu, dễ đi vào lòng người”.

Còn ông Trịnh Văn Tuyên-Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Chư Pah, Trưởng ban tổ chức hội thi-cho biết: Thông qua hội thi, các tuyên truyền viên đã nhận thức cơ bản những quy định của Luật Giao thông Đường bộ. Đây cũng là đợt cao điểm bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền về ATGT cho cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động. “Chúng tôi hy vọng, sau hội thi, mỗi cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động sẽ là một tuyên truyền viên tích cực góp phần tuyên truyền tốt hơn nữa để đoàn viên, người dân thực hiện nghiêm các quy định của Luật Giao thông Đường bộ”-ông Tuyên nói.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.