Chư Sê:Chưa thỏa thuận giá đền bù đã nhổ cây trồng của công nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một số công nhân của Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai ở huyện Chư Sê rất bức xúc trước việc công ty này đưa máy móc vào nhổ bỏ cây cối đã trồng theo hợp đồng giao nhận khoán trước đó dù chưa thỏa thuận xong mức giá đền bù.
Theo trình bày của một số người dân ở xã Ia Pal và xã Dun (huyện Chư Sê) thì họ là công nhân thuộc Văn phòng 2, Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai (nay là Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai). Trong giai đoạn 2011-2017, Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai có chủ trương cho phép người lao động được tái canh cây cà phê hoặc chuyển đổi từ trồng cà phê sang trồng hồ tiêu hay các loại cây ăn quả nhằm tăng thu nhập cho người lao động và tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Chủ trương này nhận được sự đồng tình của công nhân. Nhiều công nhân đã ký kết hợp đồng giao nhận khoán với Công ty. Trong đó, nhiều người ký kết với Công ty hợp đồng giao nhận khoán hai bên cùng tham gia đầu tư và phân chia sản phẩm hồ tiêu. Hợp đồng này có thời hạn 10 năm. Công nhân ký hợp đồng với Công ty chịu 100% chi phí đầu tư trồng cây hồ tiêu. Trong 3 năm đầu, công nhân được miễn sản; 7 năm còn lại, họ phải nộp sản cho Công ty với mức 90 kg hạt tiêu khô/100 m2 đất/năm. Sau khi ký kết hợp đồng, nhiều công nhân đã phá bỏ cây cà phê già cỗi chuyển sang trồng hồ tiêu. Nhiều công nhân đã thu hoạch hồ tiêu và nộp sản cho Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai. 
  Máy múc nhổ cây hồ tiêu của chị Tạ Thị Vân Anh. Ảnh: N.T
Máy múc nhổ cây hồ tiêu của chị Tạ Thị Vân Anh. Ảnh: N.T
Tuy nhiên, giữa năm 2018, Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai được bán cho nhà đầu tư khác và đổi tên thành Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai. Đến tháng 11-2018, Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai ra thông báo yêu cầu các công nhân đã ký kết hợp đồng giao khoán trước đây tạm ngừng việc chăm sóc cây trồng để công ty này chuyển sang trồng loại cây khác. Dù vậy, mức giá mà Công ty đưa ra đền bù cho người dân rất thấp. Ông Tạ Ngọc Lân (thôn Bình Minh, xã Dun) chia sẻ: “Con tôi là Tạ Thị Vân Anh đã ký hợp đồng giao nhận khoán với Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai từ năm 2016. Theo hợp đồng, chúng tôi chuyển đổi 3 sào đất trồng cà phê già cỗi tại xã Ia Pal sang trồng 1.100 trụ hồ tiêu. Con tôi ủy quyền cho tôi trồng hồ tiêu từ năm 2016. Cách đây 4 tháng, chúng tôi nhận thông báo từ Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai là dừng chăm sóc cây hồ tiêu. Vì không được chăm sóc, rất nhiều cây bị chết nên Công ty ra giá đền bù thấp, chỉ 59 triệu đồng/ha. Tính ra thì tôi được đền bù 17,7 triệu đồng cho 3 sào hồ tiêu. Tổng số tiền đền bù cho 7 năm còn lại theo hợp đồng ký kết là gần 100 triệu đồng, trong khi tổng tiền đầu tư 3 năm qua của chúng tôi lên đến gần 400 triệu đồng. Mức giá đền bù thế này là không thỏa đáng”.
Một trường hợp khác là chị Phạm Thị Nguyệt (thôn Phú Cường, xã Ia Pal) bức xúc cho biết: “Sau khi ký hợp đồng với Công ty, tôi đã đầu tư trồng 600 trụ hồ tiêu. Tôi phải vay ngân hàng và người thân để có tiền đầu tư khi trồng hồ tiêu. Giờ Công ty bắt phá bỏ hồ tiêu để trồng cây khác nhưng giá đền bù quá thấp. Nếu đồng ý với mức giá Công ty đưa ra thì chúng tôi lỗ nặng”.
Trong khi chưa thỏa thuận được mức giá đền bù cụ thể với công nhân thì Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai nhiều lần cho máy múc ủi cây cối khiến các hộ rất bất bình. Mới đây nhất, vào ngày 24-3, 1 máy múc đã nhổ bỏ nhiều loại cây của một số công nhân ký hợp đồng giao khoán. 2/3 diện tích trồng hồ tiêu trong hợp đồng giao khoán của chị Tạ Thị Vân Anh cũng bị nhổ bỏ bất chấp sự phản đối của nhiều người chứng kiến. Khi có sự xuất hiện của đại diện chính quyền xã Ia Pal, tài xế lái máy múc mới dừng nhổ cây cối. Tài xế này cho biết đã nhận lệnh múc cây cối từ lãnh đạo Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai. “Nhận tin báo, chúng tôi đã cử lực lượng đến xác minh và lập biên bản sự việc. Chúng tôi yêu cầu tài xế dừng việc nhổ cây cối để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đối với việc giao nhận khoán thì chúng tôi không được rõ do khi ký kết họ không báo với xã”-ông Nguyễn Hữu Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Pal-cho hay.
Liên quan đến vụ việc, P.V Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Đình Trường-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai. Ông Trường cho biết: “Chúng tôi mua lại công ty này từ ngày 31-7-2018. Trong hồ sơ định giá tài sản của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai niêm yết trên sàn chứng khoán không có hợp đồng giao khoán với công nhân để trồng các loại cây khác. Hiện nay, chúng tôi cũng chưa được bàn giao những hợp đồng giao khoán từ công ty cũ, chỉ biết qua một số công nhân ở xã Ia Pal. Đối với các hợp đồng giao khoán tại chi nhánh của Công ty ở xã Ia Pal, chúng tôi đã thỏa thuận hỗ trợ cho nhiều hộ với số tiền gần 7 tỷ đồng. Chỉ còn một số hộ không đồng tình với mức giá hỗ trợ. Đối với những trường hợp này, chúng tôi đang cho thống kê lại diện tích, số lượng cây để có mức giá hỗ trợ thỏa đáng. Còn việc máy múc nhổ cây cối trong vườn cây giao nhận khoán của một số công nhân thì tôi mới nghe đêm qua và đang cử người xuống xác minh”.
 NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.