Chưa tìm được tiếng nói chung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ tháng 7-2013, khi Bến xe Đức Long Gia Lai cho Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Thuận Tiến (gọi tắt là Công ty Thuận Tiến) đưa vào hoạt động Văn phòng giao dịch ngay phía trước gần cổng bến xe thì các doanh nghiệp có phòng vé bên trong bến xe đều bất bình bởi họ hầu như không bán được vé.

Mặt bằng “nhạy cảm”

 

Phòng giao dịch của Công ty Thuận Tiến nằm cạnh cổng của Bến xe Đức Long Gia Lai. Ảnh: Minh Triều
Phòng giao dịch của Công ty Thuận Tiến nằm cạnh cổng của Bến xe Đức Long Gia Lai. Ảnh: Minh Triều

Đại diện cho một số các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Hồng Hải-Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hồng Hải-phản ánh: Từ cổng bến xe đi vào, phía bên trái là lối rẽ để khách đi vào nhà ga chính mua vé nhưng ngay tại ngã rẽ này Bến xe Đức Long lại cho Công ty Thuận Tiến thuê làm văn phòng giao dịch, nhưng Công ty này lại cho nhân viên (đeo bảng tên nhân viên hướng dẫn) chặn ngay tại đây mời khách đi xe vào văn phòng để giao dịch nên các doanh nghiệp phía trong không kinh doanh được. Do vậy các doanh nghiệp kiến nghị Bến xe Đức Long hủy bỏ hợp đồng với Công ty Thuận Tiến về việc cho thuê mặt bằng nhạy cảm này.

Đồng thuận với các doanh nghiệp, ông Đoàn Đức Lập-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Gia Lai-cho biết: Hiệp hội đã kiến nghị với Bến xe Đức Long thu hồi văn phòng này vì đây là địa điểm nhạy cảm thương mại, không thể ưu tiên cho Công ty Thuận Tiến làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều doanh nghiệp khác. Ông Lập cho biết: Sau khi các doanh nghiệp phản ánh, với tư cách Chủ tịch Hiệp hội, ông đã trực tiếp ra bến xe kiểm tra. “Lần đầu tôi đi một mình, nói ra sợ không khách quan nên lần 2 tôi cùng anh Lê Dũng-Phó Giám đốc Công ty Vận tải Ô tô Gia Lai. Ngay khi qua cổng bến xe thì có một cậu đeo bảng tên ra cổng đứng chặn cửa hỏi “đi đâu”, “vào đây mua vé”. Anh Dũng nói đi Sài Gòn thì lập tức nhân viên này nói “vào đây, vào đây” rồi mời vào Văn phòng của Công ty Thuận Tiến”-ông Lập khẳng định.

Ngoài ra, trong quá trình tìm hiểu, phóng viên còn được ông Lê Hoàng Ngọc-Giám đốc Bến xe Đức Long-cung cấp đơn phản ánh của Hợp tác xã Vận tải và Dịch vụ Pleiku về việc khách đi xe của đơn vị này (đã liên hệ qua điện thoại) khi xuống bến xe lấy vé, vừa đến cổng đã bị nhân viên của Công ty Thuận Tiến mời chào, giành mất khách của doanh nghiệp.

“Bút sa, gà chết”

 

Trao đổi với P.V, ông Lê Hoàng Ngọc-Giám đốc Bến xe Đức Long, cho biết: Ngày 1-11-2012, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công cộng Đức Long Gia Lai ký hợp đồng có thời hạn 1 năm (Hợp đồng số 119/HĐ-CT) cho Công ty Thuận Tiến thuê làm văn phòng giao dịch, ký gửi hàng hóa và hướng dẫn thông tin cho khách hàng. Tiếp sau đó, Công ty Thuận Tiến trình bày với Bến xe Đức Long là muốn mắc điện 3 pha riêng của Điện lực, không sử dụng điện của Bến xe và phía Điện lực yêu cầu hợp đồng thuê sử dụng văn phòng phải trên 3 năm mới đồng ý mắc điện. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ngày 22-12-2012, ông Ngọc là người ký phụ lục hợp đồng thay đổi thời gian cho thuê văn phòng là 5 năm (từ ngày 1-11-2012 đến ngày 1-11-2017) và trao luôn bản gốc phụ lục hợp đồng này cho Công ty Thuận Tiến.

Ông Ngọc bức xúc: “Về nguyên tắc “bút sa, gà chết”, đã ký thì chúng tôi chấp nhận, hợp đồng đương nhiên có hiệu lực. Tuy nhiên, khi chúng tôi nhiều lần mời Công ty Thuận Tiến lên làm việc để bàn bạc việc thanh lý hợp đồng thì doanh nghiệp lại không lên”.

Ông Ngọc cho biết thêm, Bến xe Đức Long đã 3 lần tổ chức họp với các doanh nghiệp cùng với đại diện của Sở Giao thông-Vận tải và Hiệp hội Vận tải. Trong lần họp gần đây nhất vào ngày 2-11, ông Bùi Pháp-Chủ tịch Tập đoàn Đức Long-đã chủ trì và cũng thống nhất đưa ra kết luận như 2 lần trước: Vì cái chung của các doanh nghiệp vận tải, mang lại sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp nên “mong Công ty Thuận Tiến xem xét thanh lý hợp đồng trước thời hạn, bàn giao lại mặt bằng, việc bồi thường hợp đồng sẽ theo sự thỏa thuận giữa hai bên. Sau khi lấy lại mặt bằng sẽ cho các doanh nghiệp thuê để quảng cáo thương hiệu đồng thời thống nhất để Công ty Thuận Tiến đặt biển quảng cáo lợi thế nhất tại văn phòng”.

 

Ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết: Sở đã yêu cầu Bến xe Đức Long cương quyết xử lý nghiêm khắc hiện tượng chèo kéo khách. Đồng thời Sở cũng đã yêu cầu Công ty Thuận Tiến thực hiện đúng hợp đồng phục vụ công tác vận tải chứ không được lợi dụng vị trí đó để chèo kéo, lôi kéo khách là không được. Còn việc thanh lý và thu hồi mặt bằng văn phòng nói trên là việc giữa hai đơn vị này.

Trái với những “cáo buộc” của các doanh nghiệp, ông Đặng Văn Hiền-Giám đốc Công ty Thuận Tiến-phủ nhận hoàn toàn việc chèo kéo khách. Ông Hiền cho rằng tất cả các hoạt động của doanh nghiệp không có gì sai, nên việc Bến xe Đức Long mời bàn thanh lý hợp đồng là không có cơ sở. Đồng thời, ông Hiền tái khẳng định: Trong hai văn bản phúc đáp cho Bến xe Đức Long, Công ty không thống nhất việc thanh lý hợp đồng, cũng không yêu cầu bồi thường thiệt hại mà sẽ thực hiện theo hợp đồng đã ký.

“Công ty chỉ đồng ý điều chỉnh các nội dung trong hợp đồng mà thôi, nếu sau đó Bến xe Đức Long phát hiện Công ty chúng tôi tiếp tục vi phạm những nội dung hợp đồng đã điều chỉnh thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong vòng 24 giờ mà không cần đền bù. Còn nếu Bến xe Đức Long đóng cửa văn phòng chúng tôi thì phải chịu trách nhiệm quản lý tài sản trong đó, nhất là các thiết bị giám sát nếu không theo dõi giám sát được, gây mất an toàn giao thông thì Bến xe Đức Long phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”-ông Hiền nói.

“Kiên quyết thu hồi mặt bằng”

Trao đổi với P.V, Giám đốc Bến xe Đức Long tái khẳng định: Sau 2 lần nhận được giấy mời, lãnh đạo Công ty này không tới dự họp mà chỉ trả lời bằng văn bản. Ngày 15-11-2013, Bến xe Đức Long tiếp tục gửi giấy mời lần thứ 3, trong đó ghi rõ “Trường hợp sau 3 lần mời họp mà phía Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Thuận Tiến không đến dự thì xem như hợp đồng đã được thanh lý. Công ty không chấp nhận việc Công ty Thuận Tiến tiếp tục trả lời bằng văn bản”. Ông Ngọc cho biết hiện Bến xe Đức Long đang hoàn tất các giải pháp nhanh nhất để tiến hành thanh lý hợp đồng và thu hồi mặt bằng.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.