Giữ trọn tình yêu con trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không lương, không việc làm, thậm chí không nhà ở là tình cảnh mà nhiều giáo viên mầm non đang trải qua trước ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Muôn nỗi lo toan cuộc sống trĩu nặng trên vai buộc họ phải xoay xở bằng đủ thứ nghề. Thế nhưng, chưa bao giờ họ thôi khát khao được trở về là chính mình cùng tình yêu con trẻ.
1. “Như ơi, Hi-ma-lay-a là tên địa lý nước ngoài hay Việt Nam?”. “Dạ, nước ngoài ạ!”. “Thế còn Khổng Tử thì sao con?”. “Hình như là tên riêng của người Việt Nam phải không mẹ?”. “Không đâu, Khổng Tử là một triết gia người Trung Quốc đấy”... 
Giữa buổi trưa đầu đông yên vắng, cuộc đối thoại giữa hai mẹ con chị Huỳnh Thị Mỹ Chức vọng ra từ căn phòng nhỏ nằm cuối dãy trọ số 17/16 Lê Đình Chinh (tổ 11, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) nghe rõ mồn một. Sau giờ lo cơm nước, chị Chức dành thời gian giúp con gái ôn tập để nắm vững kiến thức. Đây cũng là việc làm thường xuyên của chị suốt gần 7 tháng qua, kể từ khi các trường mầm non trên toàn tỉnh phải kết thúc năm học sớm để phòng-chống dịch Covid-19. Lúc bấy giờ, chị là giáo viên hợp đồng của Trường Mầm non tư thục Đồ Rê Mí (phường Hoa Lư).
Căn phòng trọ rộng chừng 30 m2 hiện là chốn lui về của gia đình chị Chức. Ngoài chiếc tủ lạnh và ti vi đã cũ, trong nhà hầu như không có vật gì giá trị. Mỗi tháng, cộng cả tiền điện, nước sinh hoạt, anh chị phải trả cho chủ nhà 1,2 triệu đồng. Số tiền thuê trọ ấy không hẳn là quá cao nhưng với 1 gia đình có vợ đang thất nghiệp, chồng công việc bấp bênh, 2 con đang tuổi ăn tuổi học thì cảnh thiếu trước hụt sau là khó tránh khỏi. “Cả nhà mới chuyển qua đây ở được hơn 1 tháng. Chỗ trọ lúc trước tuy rẻ hơn nhưng không được yên tĩnh khiến việc học hành của các con bị ảnh hưởng. Mình phải ưu tiên điều tốt nhất cho con thôi”-chị Chức chia sẻ.
Chị Huỳnh Thị Mỹ Chức (tổ 11, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) hướng dẫn con gái học bài trong thời gian thất nghiệp vì dịch bệnh. Ảnh: Hồng Thi
Chị Huỳnh Thị Mỹ Chức (tổ 11, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) hướng dẫn con gái học bài trong thời gian thất nghiệp vì dịch bệnh. Ảnh: Hồng Thi
Tốt nghiệp trung cấp kế toán tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), năm 2011, chị Chức quay về quê nhà An Nhơn (Bình Định) làm việc cho một công ty tư nhân. Năm 2015, chị theo chồng lên Pleiku lập nghiệp. Lúc đầu, với chuyên môn sẵn có, chị xin vào làm kế toán cho Trường Mầm non tư thục Đồ Rê Mí. Nhưng rồi, qua thời gian tiếp xúc, gần gũi với trẻ, tình yêu nghề giáo cứ thế nhen lên. Chị quyết tâm học nghiệp vụ bảo mẫu, chuyển sang hỗ trợ đứng lớp cho các giáo viên khác trong trường. Tận hưởng niềm vui với công việc mới chẳng được bao lâu thì dịch Covid-19 ập đến. Nhiều lần, trường học phải đóng cửa, giáo viên mầm non tư thục như chị đành nghỉ việc không lương. Đặc biệt, từ giữa tháng 5-2021 đến nay, dịch bệnh phức tạp nên trẻ vẫn chưa thể tới lớp. Những ngày tháng chật vật của chị theo đó cứ nối dài thêm mãi. 
Chị Chức tâm sự: “Thuận lợi vì quê nhà ở vùng biển, tôi cùng 1 chị đồng nghiệp rủ nhau buôn hải sản, mỗi ngày kiếm được trên dưới 100 ngàn đồng, cũng đủ trang trải cuộc sống. Được 2 tháng thì dịch bùng phát trở lại, hàng hóa lưu thông khó khăn, vậy là nghỉ. Tôi chuyển sang làm cộng tác viên cho 1 cơ sở kinh doanh hải sản tại TP. Pleiku, bán hàng online nhưng chẳng khá khẩm gì. Mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi từ nghề mộc của chồng. Ngặt nỗi, mấy tháng gần đây, anh ấy cũng lâm vào cảnh thất nghiệp triền miên nên đã khó lại càng thêm khó. Thời điểm cả xóm phải phong tỏa vì có ca dương tính vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi buộc phải trông chờ sự tiếp tế từ cha mẹ già ở dưới quê”.
Chưa dừng lại ở đó, giữa lúc khó khăn chồng chất, chị Chức lại cảm thấy sức lực yếu dần. Chị thường xuyên mệt mỏi, đau đầu, khó thở và sút cân nhanh. Mấy đợt địa phương tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho giáo viên, chị đều không thể tiêm vì huyết áp cao. Đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ kết luận chị mắc phải căn bệnh Basedow-một trong những bệnh lý cường giáp tự miễn không rõ nguyên nhân và có thể tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Chị bàng hoàng, lo lắng không chỉ vì tình trạng sức khỏe của bản thân mà còn bởi từ đây, chi phí sinh hoạt trong gia đình lại phải cân nhắc, chắt bóp để trang trải cho việc chữa bệnh lâu dài. “Nhiều đêm, tôi nằm suy nghĩ rồi khóc thầm, chỉ mong sao sức khỏe mình tốt lên, dịch bệnh chóng qua để mọi thứ trở lại bình thường. Tôi có thể quay về với công việc nuôi dạy trẻ mà mình muốn gắn bó, có đồng lương để lo cho các con ăn học. Chỉ cần như thế đã là hạnh phúc rồi”-chị Chức bộc bạch.
Nhìn sâu vào mắt chị, tôi cảm nhận được niềm hy vọng hiện lên sau vẻ đượm buồn thường trực, dẫu chỉ là le lói sáng.
2. Mặt trời dần khuất bóng sau đỉnh núi phía Tây. Mùi khói bếp quyện hương rơm rạ theo gió vương khắp các nóc nhà ở làng Thông Yố, xã Ia Kênh, TP. Pleiku. Cởi bỏ lớp áo ngoài vấy bẩn bùn đất sau 1 ngày cuốc ruộng, chị Rơ Mah Khưng tranh thủ phụ bố ôm bó lá rừng vừa chặt cho đàn dê háu đói đang chực chờ thức ăn. 8 tháng rồi, cuộc sống của chị chỉ quanh quẩn với ruộng vườn, góc bếp. Những câu hát, vần thơ cùng tiếng ê a bên con trẻ nơi trường làng thoáng chốc trở thành ký ức đẹp, thảng hoặc ùa về khiến lòng cô giáo trẻ sinh năm 1992 rưng rưng.
Quệt vội giọt mồ hôi lăn dài trên trán, chị Khưng kể tôi nghe về hành trình trở thành giáo viên mầm non đầy tự hào của mình. Bố mẹ chị có với nhau 7 người con. Để nuôi cả thảy lớn khôn, 2 người phải ngày ngày vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nơi rẫy cà phê hay ruộng lúa nước. Điều đáng mừng là ông bà luôn “lấy cái chữ làm trọng”, vì thế, dẫu gia cảnh khó khăn nhưng tất cả 7 anh em đều được đến trường. Cứ thế, Khưng trải qua 12 năm học phổ thông rồi mang theo giấc mơ “gõ đầu trẻ” vào giảng đường Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp, chị xin đi làm tại 1 trường mầm non tư thục ở xã Ia Băng (huyện Chư Prông), sau đó thì xin chuyển về Trường Mầm non Tuổi Hoa (xã Ia Kênh). “Mình được nhận vào dạy hợp đồng cho Trường Mầm non Tuổi Hoa từ năm 2016 đến tháng 4-2021 thì phải nghỉ việc do có giáo viên biên chế phân bổ về. Trước đó, vì không đủ điều kiện về bằng cấp nên mình không tham gia kỳ thi tuyển viên chức. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng lúc đó mình vẫn thấy buồn vô cùng. Cứ hễ gặp là tụi nhỏ lại hỏi, cô ơi sao cô không đến lớp dạy chúng em học nữa. Mình chỉ biết cười trừ, bảo cô đang có việc bận nên nghỉ ít hôm”-chị Khưng chia sẻ.
Từ khi bị chấm dứt hợp đồng, chị Rơ Mah Khưng (làng Thông Yố, xã Ia Kênh, TP. Pleiku) ở nhà phụ giúp bố mẹ việc nhà cửa và ruộngvườn. Ảnh: Hồng Thi
Từ khi bị chấm dứt hợp đồng, chị Rơ Mah Khưng (làng Thông Yố, xã Ia Kênh, TP. Pleiku) ở nhà phụ giúp bố mẹ việc ruộng vườn, chăn nuôi. Ảnh: Hồng Thi
Chấm dứt hợp đồng vào thời điểm cận kề kết thúc năm học, chị Khưng không thể tìm được công việc như ý ở ngôi trường khác. Mất việc, chị không còn được nhận lương hay bất kỳ chế độ hỗ trợ nào. Nguồn kinh phí bấy lâu chị phụ giúp bố mẹ lo cho 2 người em ăn học cũng bị cắt đột ngột. Gần 1 năm qua, chị chỉ biết bám víu vào gia đình. Ngày qua ngày, chị phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, ruộng vườn, chăn thả gia súc và chờ mong hết dịch để tìm việc làm. 
“Có bao giờ chị nghĩ sẽ bỏ nghề để làm một công việc nào đó ổn định hơn chưa?”-tôi hỏi. Chị nhìn tôi quả quyết: “Không đâu! Mình đã chọn nghề này thì sẽ quyết tâm theo đến cùng. Mình yêu lũ trẻ, không muốn bỏ chúng đâu. Khó thì mình sẽ khắc phục. Hiện mình đang theo học đại học từ xa ngành Sư phạm Mầm non của Trường Đại học Sư phạm Huế, năm sau là tốt nghiệp. Sắp tới, thành phố có thi tuyển viên chức, mình sẽ đăng ký và quyết tâm trúng tuyển. Công tác ở đâu cũng được, miễn là mình vẫn được làm nghề”.
Nói đoạn, chị vào nhà lấy ra khoe với tôi một số đồ chơi, đồ dùng học tập tự tay làm để nguôi ngoai nỗi nhớ nghề. Những bông hoa, đôi dép, cây cỏ... đầy sắc màu ấy chứa đựng cả tình yêu và nỗi niềm của cô giáo trẻ người Jrai. “Mình sẽ đem tặng hết cho Trường Mầm non Tuổi Hoa khi các bé đi học trở lại. Hy vọng tụi nhỏ sẽ thích”-chị Khưng cười hiền nói.
3- Mỗi khi nhớ nghề, chị Rơ Mah Khưng lại bày biện dụng cụ ra làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ. Ảnh: Hồng Thi.
Mỗi khi nhớ nghề, chị Rơ Mah Khưng lại bày biện dụng cụ ra làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ. Ảnh: Hồng Thi
Nhận xét về cô giáo Rơ Mah Khưng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hoa Trần Thị Bình cho hay: Cô Khưng là giáo viên người bản địa, gắn bó với trường khá lâu, có năng lực và rất tâm huyết, được học trò và phụ huynh yêu mến. Dù không muốn nhưng nhà trường buộc phải chấm dứt hợp đồng với cô. Sau khi mất việc, cuộc sống của cô Khưng khá khó khăn. Năm học này, nhà trường vẫn đang thiếu giáo viên do có người chuyển công tác. Vì vậy, chúng tôi đã đề xuất lên cấp trên cho phép hợp đồng ngoài biên chế 3 chỉ tiêu, trong đó có cô Khưng. Hiện nhà trường vẫn đang chờ ý kiến từ Phòng Giáo dục và Đào tạo và UBND thành phố.
...Chị Khưng, chị Chức là những điển hình cho nhiều trường hợp đang gặp khó khăn trên cả nước vì đại dịch. Thế nhưng, điều đáng quý là dẫu đang đối mặt với quá nhiều khó khăn trong cuộc sống thì cả 2 cô giáo trẻ này đều giữ trọn lòng yêu nghề, dẫu chính họ cũng chưa xác định được khi nào mới có thể tiếp tục đứng lớp. Thú thật, tôi cũng từng bi quan khi nghĩ đến cuộc sống của các chị ở hiện tại. Nhưng khi nghe những lời tự sự của chị Chức, rồi ngắm nụ cười duyên dễ mến và sự lạc quan hướng về phía trước của chị Khưng, niềm tin trong tôi dần được bồi đắp. Có lẽ, chỉ cần nương nhau đi qua dịch bệnh, rồi ta sẽ gặp những ngày mai tươi sáng.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.